19.2.08

LINH ĐẠO ĐỐI THOẠI


Từ trung tuần tháng 12 năm 2007, bất chấp mưa dầm hay rét mướt, hàng ngàn người, từ linh mục, tu sĩ và giáo dân tại Hà Nội đã tham dự những buổi cầu nguyện cho việc yêu cầu chính quyền Hà Nội hoàn trả cho giáo hội Toà Khâm Sứ cũ đã bị chiếm dụng từ năm 1959. Thực ra, sự kiện này chỉ như một giọt nước tràn ly sau rất nhiều nỗ lực yêu cầu trả lại cơ sở này của giáo hội đã không được các bên hữu quan đáp ứng và để nó trôi vào quên lãng. Sở dĩ có “sự kiện Toà Khâm Sứ” trong những ngày qua là do trước đó thiếu sự đối thoại thực sự giữa chính quyền và giáo hội, nói đúng hơn là giáo hội rất nhiều lần mong muốn và đi bước trước trong việc đối thoại nhưng chính quyền lại lảng tránh, bưng tai bịt mắt, nên cuộc đối thoại để giải quyết rốt ráo vấn đề này (và nhiều vấn đề về tài sản khác của giáo hội như Thánh Địa La Vang, Giáo Hoàng Học Viện Piô X - Đà Lạt...) đã đi vào ngõ cụt.

Nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, với sự can thiệp của Toà Thánh, cùng những cố gắng từ nhiều phía, chính quyền đã hứa trả lại cơ sở này cho giáo hội. Đặc biệt, với lá thư của Đức Hồng Y Bertone - Quốc Vụ Khanh - gởi Đức TGM Hà Nội, Toà Thánh đã mở ra một con đường đối thoại mới giữa giáo phận Hà Nội và chính quyền. Dầu cho chặng đường trước mắt còn dài và gai góc, nhưng sự kiện này cũng đã thắp lên một tia hy vọng mới trong những ngày Xuân Mậu Tý về việc giải quyết dứt điểm tài sản của giáo hội là Toà Khâm Sứ đang bị chiếm dụng.

Trong khi mọi người đang xôn xao bàn tán về “sự kiện Toà Khâm Sứ” tại Hà Nội mà trang báo điện tử Vietcatholic cập nhật từng giờ (trong khi hầu như báo chí tại Việt Nam im hơi lặng tiếng!), thì mình bị đánh động khi đọc được một trang “quảng cáo” dán tại trường: Tại Đại học Teresianum sẽ tổ chức khoá học về “linh đạo đối thoại” với những buổi trình bày về “văn hoá đối thoại”, “Thiên Chúa Ba Ngôi: nguồn gốc của sự đối thoại”, “tâm thế cho một cuộc đối thoại hoàn hảo”... Rồi khi cầm trên tay Sứ Điệp Mùa Chay 2008 của Đức Thánh Cha Benedicto XVI, mình lại càng bị đánh động hơn bởi câu Thánh Kinh mà ngài chọn làm chủ đề: “Đức Kitô đã trở nên nghèo vì anh em” (2Cr 8, 9).

Vì những lẽ này, mình quyết định trong Mùa Chay Thánh năm nay, sẽ suy niệm về “linh đạo đối thoại”. Có lẽ chủ đề đối thoại là chủ đề phổ biến gợi hứng cho nhiều người suy tư, nên mình chỉ xin ghi lại nơi đây những suy nghĩ và cảm nghiệm cá nhân như là một chia sẻ đơn sơ, diễn tả tâm tình khát khao muốn sống trọn vẹn Mùa Chay Thánh, trong hướng hiệp thông với giáo hội và liên kết với Mầu Nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Kitô.

Thật vậy, khi bàn đến vấn đề đối thoại, nhất là linh đạo đối thoại, các nhà tu đức thường hướng về Chúa Ba Ngôi như nguồn gốc và khuôn mẫu cho mọi cuộc đối thoại. Bức Icon nổi tiếng từ những thế kỷ đầu sau công nguyên diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa như 3 người nam trong một bàn tiệc, người này hướng về người kia với ánh mắt yêu thương trìu mến. Đặc biệt, bàn tiệc này vẫn còn một chỗ trống như một lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho con người, để con người tham dự vào sự hiệp thông trọn vẹn của Ba Ngôi, sự hiệp thông này chỉ nảy sinh sau quá trình đối thoại chân thật.

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã ngỏ lời với nhân loại và đi bước trước trong hành trình đối thoại với con người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Chúa Kitô trở thành mẫu mực cho việc đối thoại qua hành vi tự hiến, tự hạ để có thể sống cùng, sống với và sống cho con người, nhờ đó con người tội lỗi được tái sinh thành con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cao sang đã “trở nên nghèo” vì chúng ta, nên giống chúng ta mọi đàng (trừ tội lỗi) để với ơn sủng của Chúa Thánh Thần và trong Thánh Tử Yêu Dấu, chúng ta có thể kêu lên: “Abba, Lạy Cha”. Như thế, qua Mầu Nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa và Mầu Nhiệm Nhập Thể - Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể tìm thấy mẫu mực hoàn hảo cho việc đối thoại.

Chúng ta không phải là những “Robinson” sống một mình trên hoang đảo, trái lại, con người luôn là một “hữu thể liên vị”: sống cùng, sống với, sống cho, sống vì và sống nhờ lẫn nhau. Như người xưa có câu: “vô tri bất mộ”, không biết thì không thể yêu! Nhưng làm sao hiểu nhau, làm sao biết nhau nếu không có đối thoại? Dẫu biết rằng đối thoại chính là điều kiện cần và đủ để có được sự hiệp thông trong yêu thương cách trọn vẹn. Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống, việc đối thoại luôn là một hành trình chất chứa nhiều chông gai và cam go.

Trong đời sống linh mục, mình luôn được mời gọi và đòi buộc phải gắn kết với một “cộng đoàn”: linh mục đoàn, cộng đoàn giáo xứ. Nhất là trong giai đoạn này, mình càng phải ý thức hơn về tính cộng đoàn: cộng đoàn anh em linh mục sinh viên Việt Nam, cộng đoàn gần 200 linh mục sinh viên nơi mình đang lưu trú, cộng đoàn Liên Tu Sĩ Roma, đồng thời cũng không quên gắn bó với cộng đoàn giáo phận Cần Thơ thân thương, nơi đó có các Đức Cha, các cha, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và tất cả bà con giáo dân. Làm sao đời mình giữ vững được những mối tương quan này nếu không nỗ lực biến đời mình thành chiếc cầu đối thoại vươn tới mọi thành phần?! Rõ ràng là mình còn phải cố gắng thật nhiều, phải hy sinh nhiều, phải từ bỏ nhiều, phải ra khỏi cái tôi ích kỷ và khép kín để có thể đến được với tha nhân.

Những cuộc tiếp xúc, những trao đổi với nhiều hạng người, những thảo luận luôn đem lại cho mình những bài học thật quý giá trong việc đối thoại. Có những cuộc trao đổi là một cơ hội đối thoại thực sự, nhưng cũng có nhiều kiểu lệch lạc trong khi đối thoại. Chẳng hạn như thái độ xu nịnh, vuốt đuôi, nói theo để làm mát lòng mát dạ người khác bằng những lời không thật hoặc chưa hết sự thật. Hay ở chiều ngược lại là những cuộc đối thoại giữa những “người điếc”, vì thái độ cố chấp, tự khép kín trong quan điểm của mình, khư khư bảo vệ nó mà không dám mở ra, không thèm đếm xỉa gì đến ý kiến của tha nhân. Thậm chí có cả những quy chụp, kết án người khác trong việc đối thoại, theo kiểu “cả vú lấp miệng em” hay theo kiểu “bới lông tìm vết”! Thật là khó khi phải đối diện với người mà vốn dĩ là “khắc khẩu” của mình, chứ đừng nói đến việc phải đối thoại với họ. Vì lẽ này mà cần phải có một “linh đạo” cho việc đối thoại. Con đường thiêng liêng này khởi nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa, theo bước chân của Thầy Chí Thánh Giêsu và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Nếu không bước đi trong “linh đạo đối thoại” này thì sẽ không có một cuộc đối thoại thực sự.

Mùa Chay là một lời mời gọi hoán cải, là mùa của những cuộc “trở về”. Với bản thân mình, lời mời gọi của Mùa Chay Thánh năm nay chính là lời mời gọi hoán cải trong khía cạnh đối thoại. Trở về trong hành trình đối thoại với Thiên Chúa để lắng nghe, thấu hiểu những sứ điệp của Người và để sống trong sự hiệp thông yêu thương của Ba Ngôi Chí Thánh. Trở về trong hành trình đối thoại với bản thân để sống trọn vẹn căn tính linh mục là yêu thương và hiến mình (x.Gl 2, 20) vì đoàn chiên để chúng “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10) theo gương vị Mục Tử nhân lành là Chúa Kitô. Trở về trong hành trình đối thoại với tha nhân để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn, một giáo hội, một xã hội tốt đẹp theo Thánh Ý của Thiên Chúa. Hành trình trở về này chỉ được thành toàn khi mình biết thực sự bước đi trong “linh đạo đối thoại”. Linh đạo này sẽ đạt được kết quả mỹ mãn nếu mình biết ghi nhớ và thực hành những quy tắc cho việc đối thoại sau đây, được rút ra từ việc suy ngắm gương mẫu đối thoại nơi Ba Ngôi Thiên Chúa và nơi Chúa Giêsu Kitô trong Mầu Nhiệm Nhập Thể - Cứu Chuộc của Người: Chân lý là mục tiêu; Tình yêu là động lực; Trung thực là bầu khí; Công lý là thước đo; Tự do là phương tiện.

Mùa Chay 2008