15.3.09

HÀNH HƯƠNG MÙA CHAY





Nhân Mùa Chay Thánh và trong Năm Thánh Phaolô, các linh mục sinh viên tại Collegio San Paolo tổ chức 1 cuộc hành hương đến Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Hành trình dài trên dưới 7km. Trên 150 linh mục khởi hành vào lúc 7g30, cùng nhau “cuốc bộ” theo lộ trình đã định với hai chặng “nghỉ chân” là dòng Kín Clarisse và nhà thờ thánh Damaso.

1. HÀNH HƯƠNG

Băng qua một công viên thật rộng lớn và rất thơ mộng, anh em chúng mình “dừng chân” tại nhà nguyện của dòng Clarisse để cùng lắng đọng tâm hồn, suy tư và cùng cầu nguyện với các Soeurs. Buổi cầu nguyện ngắn nhưng sâu, nhẹ nhàng nhưng lắng đọng. Một Soeur đại diện chia sẻ trong tâm tình nguyện ngắm rất thâm trầm và ý nghĩa. Mình thấm thía lời xác tín của Soeur: “Như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng con cũng muốn là con tim của Giáo Hội. Và mai ngày, khi các cha trở về quê hương với sứ vụ của mình, và dù cho chúng con không kịp nhớ mặt và biết tên, nhưng các cha hãy tin chắc rằng chúng con vẫn luôn cầu nguyện âm thầm cho các cha và sứ vụ mà các cha đang thi hành”. Ôi, còn hơn là lời động viên và ủi an nữa. Đó là một lời hứa “đồng hành”, đúng như Ơn gọi và sứ vụ của các Soeurs. Giáo Hội thật sự cần những con người hy sinh cầu nguyện trong âm thầm và thinh lặng như thế. Thật vậy, các Soeurs chính là “con tim” của Giáo Hội, là thành phần âm thầm, sâu kín nhưng mang cho cả thân thể nội lực để sinh tồn.
Sau những phút lắng đọng tại nhà nguyện của dòng Clarisse, chúng mình tiếp tục lên đường. Sau hơn nửa giờ nữa, chúng mình đến trạm “dừng chân” thứ hai là nhà thờ thánh Damaso. Một nhà thờ mới và hiện đại. Đón tiếp phái đoàn là Cha Phó “trẻ măng”, mới 27 tuổi nhưng chia sẻ thật chững chạc, rõ ràng, mạch lạc. Mình cảm nhận được “sức trẻ” trong Giáo Hội. Quả vậy, đúng như lời khẳng định của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong ngày Đăng Quang “Giáo Hội luôn trẻ trung!”, mình thấy được “sức trẻ” của Giáo Hội tại nơi mà người ta gọi là “cựu lục địa” này. Chúng mình hát thánh ca, nghe tuyên đọc Lời Chúa và lắng đọng tâm hồn để suy gẫm và để Lời Chúa tác động trong tim mình.
Rời điểm “dừng chân”, chúng mình trực chỉ Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đây là 1 trong 4 Đền Thờ lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất tại Roma. Sau 2 giờ “cuốc bộ”, “dừng chân”, chìm trong suy gẫm và cầu nguyện giữa công viên xinh đẹp, trong nhà nguyện ấm cúng và cả giữa phố xá ồn ào… cuối cùng chúng mình cũng tới “điểm đến” là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Tại đây, sau khi nghỉ ngơi, tham quan, thinh lặng và cầu nguyện, chúng mình bước vào Thánh Lễ bằng cuộc rước qua “cửa Thánh” của Năm thánh Phaolô. Trong Thánh Lễ, Đức Viện Phụ cai quản Đền Thờ chủ tế và chia sẻ Lời Chúa. Ngài mời gọi mọi người hướng về thánh Phaolô như mẫu gương của việc hoán cải và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh. Sau Thánh Lễ, chúng mình tiến đến kính viếng mộ phần của Thánh Phaolô, hiện nằm dưới bàn thờ chính giữa Đền Thờ. Nơi đây, trong Năm Thánh Phaolô này, cũng trưng bày “dây xích” đã “cùm” Thánh Phaolô tại Roma trước khi ngài lãnh triều thiên tử đạo.

2. LẮNG ĐỌNG

Trong bước chân đầu tiên của cuộc hành hương, mình tự đặt câu hỏi: “Tôi tìm gì trong cuộc hành hương này?”. Mình không tìm được câu trả lời, nhưng lại vang lên trong tâm trí mình hành trình của Thánh Phaolô tiến về Damas như một lời mời gọi suy tư về hành trình của cuộc đời. Và như thế, cuộc hành hương trong Mùa Chay này là một cuộc suy niệm đoạn Thánh Kinh trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 9.
Hành trình tiến đến Damas của Saolô có mục đích rõ ràng là bắt bớ những người tin vào Chúa Kitô. Hành trang của Saolô là lòng nhiệt thành đến cao ngạo, là quyền uy đến bạo tàn, là khả năng đến huênh hoang. Nhưng hành trình này lại là hành trình hoán cải với cú ngã ngựa đau điếng. Lòng nhiệt thành đến mức cao ngạo bị đánh bật. Sự quyền uy đến nỗi bạo tàn bị tước đoạt. Khả năng tài giỏi đến độ huyênh hoang bị triệt tiêu. Ông nằm đó. Ngã quỵ. Tê tái. Nhưng Chúa Kitô đã nâng ông dậy, hướng ông đến chân lý và sự thật toàn vẹn. Chân lý là Chúa Kitô. Sự thật là Đấng đã chết và đã phục sinh để cứu độ nhân loại. Con người cũ “Saolô” bị “gục ngã”. Con người mới “Phaolô” được sinh ra. Để rồi sau đó ngài có thể dõng dạc tuyên bố: “Tôi sống, không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Hành trình của mình hôm nay cũng tương tự như thế: nhiệt thành nhưng cũng có nhiều lúc cao ngạo; đôi khi cũng tỏ ra uy quyền với tha nhân và cũng chẳng thiếu lúc huyênh hoang với những “khả năng hão” của mình. Mình xin Chúa cho mình “ngã xuống đất” và sau đó xin Người “nâng dậy” như Saolô ngày xưa. Mình xin Chúa triệt tiêu trong cuộc sống những gì không phù hợp với Tin Mừng. Xin Người đánh bật trong tim mình niềm kiêu hãnh, uy quyền và khả năng hão huyền… để chỉ còn lại một trái tim đơn hèn, khiêm hạ và phó thác.
Mình cảm nghiệm sâu sắc và xác tín rằng Chúa Kitô đang muốn mình bước theo thánh Phaolô trên hành trình Damas để được Người thanh tẩy và biến đổi. Mình ước mơ rằng từng bước chân trong đời là từng lời đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô như thánh Phêrô: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17).
Bước đường hành hương hôm nay thật là một hành trình “trở về” theo gương của thánh Phaolô trong Mùa Chay Thánh này và trong suốt cả cuộc đời. Mình cần phải “trở về” với Chúa từng phút giây vì mình thật yếu đuối và rất dễ đổi thay. Mình cần được Chúa “nâng dậy” nhờ đôi tay của những người bạn đồng hành. Mình cần được Chúa “mở mắt” để nhận ra chân lý và tình yêu đích thực.
Ôi lạy Chúa Cứu Thế, con cảm thấy bé nhỏ, yếu hèn và cần đến Chúa biết bao. Chỉ có Chúa, vâng chỉ có Chúa mới là Đấng “yêu thương và hiến mình” (Gl 2, 22) vì con. Amen.