20.11.10

CHUÁ NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

CHUÁ NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN
CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

1. Trong khi sinh hoạt thiếu nhi và giới trẻ, chúng ta biết đến trò chơi “ai là vua”: người quản trò chạy lòng vòng trong 1 vòng tròn, vừa đi vừa nói “ai là vua... ai là vua...” rồi bất ngờ dừng lại, chỉ vào 1 người và nói thật to “ai là vua?”. Lập tức người được chỉ vừa phải giơ 2 tay lên trời vừa nói “ta là vua”, còn 2 người đứng bên cạnh phải lập tức quỳ gối xuống, hướng về phía “vua” và đáp “muôn tâu bệ hạ”. Đây chỉ là 1 trò chơi nhằm đến phản xạ nhanh nhạy và đúng đắn của lời nói và cử điệu. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn vào trò chơi này để thấy được 2 xu hướng khá phổ biến của con người, đó là thích “làm vua” và thích “suy tôn vua”.
2. Bằng chứng cụ thể là khi tôi đánh từ chìa khoá “ông vua” trên trang tìm kiếm của google, chỉ trong 0,22 giây, tôi nhận được 2.840.000 kết quả. Có những người vì nổi tiếng nên được suy tôn là vua chẳng hạn như: “vua bóng đá”, “vua dầu hoả”, “vua truyền thông”, “vua bất động sản”, “vua hài”... nhưng thậm chí có những người vì tai tiếng mà bị suy tôn làm vua nữa, như: “vua cờ bạc”, “vua tiệc tùng”, “vua tốc độ”, “vua hưởng thụ”...
3. Thánh Lễ hôm nay chúng ta cử hành để suy tôn Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, là Vua của cõi lòng chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, Chúa Giêsu Kitô không là vua như những “ông vua” kể trên, mà Người là “vị Vua” của tình yêu và chân lý. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một minh chứng cho chúng ta thấy điều đó: trên thập giá, Chúa Giêsu đã dùng tình yêu để xóa tan hận thù, dùng chân lý để quy tụ muôn loài muôn vật. Tình yêu lay động trái tim con người. Chân lý sáng soi bước chân nhân loại.
- Chúa Giêsu Kitô là Vua tình yêu vì Người phục vụ thần dân của Người như người tôi tớ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20, 28). Chúa Giêsu Kitô là Vua tình yêu vì Người dám hy sinh cả mạng sống vì yêu thương: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
- Chúa Giêsu Kitô là Vua chân lý vì Người đến để làm chứng cho sự thật. Sự thật rằng nhân loại có Thiên Chúa là Cha yêu thương. Sự thật rằng mọi người là anh chị em với nhau. Và sự thật rằng để có được hạnh phúc đích thực thì con người phải sống theo Bản Hiến chương Nước Trời. Chỉ trong sự thật này, con người mới được giải thoát khỏi mọi thứ giả dối lọc lừa, mới có thể tiến bước trong hành trình sự sống dồi dào.
4. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống hôm nay, người ta thường loại trừ Chúa Giêsu Kitô ra khỏi cuộc sống của mình khi nhân danh tình yêu để triệt hạ kẻ khác, nhân danh chân lý để bóp nghẹt sự thật! Phần chúng ta, những người Kitô hữu, những người đã ghi danh vào trong Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô, có thể đôi khi trong cuộc đời, chúng ta cũng muốn tự cho mình “làm vua” khi sống thiếu tình yêu thương với anh chị em đồng loại, hoặc tôn một con người nào đó, một sự vật nào đó lên “làm vua” của mình, chẳng hạn như quá ham mê tiền bạc, danh vọng, lợi lộc... mà chối bỏ chân lý, sống xa rời sự thật.
5. Chúng ta chỉ thực sự là thần dân trong Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô khi biết bước vào con đường tình yêu của Người để có thể yêu thương hết mọi người. Chúng ta chỉ thực sự là thần dân trong Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô khi biết nghe theo lời chân lý của Người để sống trung thực và ra sức bên vực lẽ phải, nhất là lễ phải của những người cố thế cô thân trong xã hội hôm nay. Vì chưng, chỉ những ai sống trong tình yêu và trong chân lý mới xứng đáng trở thành công dân trong Vương quốc tình yêu và chân lý của Chúa Giêsu Kitô.

7.11.10

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN - C - CHÁNH TOÀ

Kiếp sống con người đã, đang và vẫn luôn là đề tài cho các nhà triết học, khoa học, tâm lý học, và ngay cả mỗi cá nhân, đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: con người bởi đâu mà có, khi chết rồi con người sẽ ra sao và đi về đâu? Người ta đưa ra những giả thuyết như thuyết tiến hoá cho rằng “con người bởi khỉ mà ra…”. Hoặc niềm tin Phật giáo thì có thuyết luân hồi… Ngay cả những người Sađốc thời Chúa Giêsu cũng mơ hồ về kết cục của đời người, khi họ đặt ra câu hỏi về việc bảy anh em lấy chung một người phụ nữ làm vợ: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (Lc 20,32). Con người mọi thời đại, dường như mãi loay hoay đi tìm cho mình lời giải đáp về chính kiếp người, nhưng xem chừng như tất cả đều đi vào ngõ cụt, chưa có lời giải đáp, hoặc giải đáp không thoả đáng, không thuyết phục.
Chính vì chưa tìm ra lời giải đáp thoả đáng cho đời người, nhất là sau khi con người giã từ cuộc sống nơi trần gian, hoặc giả người ta có biết, nhưng biết một cách mơ hồ, cộng với lòng kiêu ngạo, đã đẩy con người vào những sai lầm đáng tiếc như: hưởng thụ vật chất, yêu cuồng sống vội, tranh giành hơn thua, giả dối và tàn ác…
Là người Kitô hữu, chúng ta tin có một Thiên Chúa hằng sống, vì yêu đã dựng nên ta; chúng ta tin Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã chết và đã sống lại để cho ta được sống, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai này cũng được sống lại như Ngài, như lời Đức Kitô trả lời cho những người Sađốc trong Bài Tin Mừng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.” (Lc 20,34-36).
Trong câu trả lời này, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta 3 điểm quan trọng:
- Một là chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó, nhưng không phải ai cũng được vào. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Tiêu chuẩn để chọn lựa chính là giới răn yêu thương.
- Hai là đời sống trên thiên đàng không giống với đời sống trên trần gian. Trên thiên đàng, ta sống một cuộc sống khác, dù không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng, nhưng mình vẫn là mình, tôi vẫn cứ là tôi. Tuy có khác biệt về tình trạng nhưng vẫn liên tục trong bản chất.
- Ba là đời sống trên thiên đàng là đời sống của những người con của Thiên Chúa, nghĩa là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một sự sống hạnh phúc và sung mãn. Đó là sự sống mà con người hằng khắc khoải ước mong.
Để cho lời mạc khải của Chúa về cuộc sống đời sau được hiện thực hóa trong cuộc đời chúng ta, hay nói cách khác, để chúng ta được hưởng hạnh phúc với Chúa ở đời sau, chắc chắn chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ đời này, ngay trong giây phút hiện tại của hôm nay.
- Chúng ta chuẩn bị cho đời sau bằng việc gia nhập vào đoàn người Chúa đã tuyển chọn, nhờ đời sống bác ái yêu thương.
- Chúng ta chuẩn bị cho đời sau bằng thái độ sống giữa đời nhưng không vương nhiễm tội đời, nhờ việc năng đến lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh thể.
- Chúng ta chuẩn bị cho đời sau bằng cố gắng sống trọn vẹn cuộc sống làm con của Chúa trong từng ngày sống của chúng ta, nhờ việc đọc kinh hôm kinh mai hằng ngày.
Xin cho chúng ta, đừng vì trần gian này quá đẹp khiến chúng ta mải mê, quên mình là lữ khách. Xin cho chúng ta, đừng nghĩ thiên đàng quá xa xôi nên chẳng con chỗ trong tim mình. Xin cho chúng ta đừng loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, đừng chăm chăm tìm lợi lộc vật chất, như thể chúng ta sẽ sống mãi trên mặt đất này. Cuối cùng, xin cho chúng ta nếm chút vị ngọt của trời cao, để chúng ta dám quên mình sống yêu thương ngay trong chính cuộc đời này. Amen.

2.11.10

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ - CHÁNH TOÀ - 2010
CÁC THÁNH LÀ…


1. Mỗi năm đến Lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta thường được nghe những giải thích về Các Thánh là ai? Làm sao để được nên thánh… Điều này thật là hợp tình hợp lý và cần thiết cho mỗi người chúng ta. Những lời giải thích thường trưng dẫn Thánh Kinh, Thánh Truyền, và nêu gương những vị thánh nổi danh trong lịch sử Giáo Hội. Cả điều này nữa cũng thật là chính đáng và phải đạo.
2. Tuy nhiên, trong Thánh lễ mừng kính các Thánh hôm nay, tôi xin được chia sẻ với quý ÔBACE một vài suy nghĩ về Các Thánh ở một góc độ khác, góc độ của một anh Hai Lúa miền Tây sông nước. Ai trong chúng ta cũng biết, và đều có kinh nghiệm là dân miền Tây thật thà chất phác, ăn nói không rào trước đón sau, có sao nói vậy người ơi!
3. Ở góc độ này, tôi thấy Các Thánh trước hết là những người thuộc mọi tầng lớp. Nếu chúng ta lên Trời thăm Các Thánh, chúng ta sẽ thấy các ngài thật là đa dạng:
Sinh từ Âu Á Mỹ Phi,
Da vàng trắng đỏ đen sì đen nâu.
Chúa thương Chúa thưởng như nhau,
Già nua tuổi tác trước sau không cần.
Các Thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong, mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời. Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu, chỉ dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt. Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh:“hãy nên trọn lành như Cha trên trời”.
4. Cũng ở góc độ của anh hai lúa, tôi thấy Các Thánh là những người biết cười. Ngạn ngữ Âu châu có câu “Vị thánh buồn là vị thánh đáng buồn!”. Vì thế:
Biết cười là biết làm người,
Biết cười là biết sống đời với nhau.
Cuộc đời cao thấp lâu mau,
Biết cười là biết đường nào thật hơn.
Nụ cười là dấu chỉ của niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy. Nụ cười thật là nụ cười xuất phát từ nội tâm của người được yêu thương và chia sẻ tình thương yêu mà mình đã lãnh nhận cho tha nhân chung quanh mình, hầu niềm vui được lan toả và thêm chan chứa.
5. Và cũng ở góc độ này, tôi thấy Các Thánh là những người có tội được Chúa thứ tha. Khi ta được thứ tha tội lỗi, ta trở nên thánh thiện:
Thánh là thành thực nhận mình,
Là người tội lỗi khiêm nhường xin tha.
Chúa tha một cái thôi à,
Có chi mà phải vào ra ngập ngừng.
Được thứ tha tội lỗi chính là khởi đầu của đời sống thánh thiện. Sự khởi đầu đó chỉ có thể có được nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Như thế, Các Thánh “là những người đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.
6. Còn nhiều nhiều những cái nhìn khác theo kiểu “hai lúa” về Các Thánh… Thế nên 3 điều mà tôi vừa chia sẻ với quý ÔBACE chỉ là một phần nhỏ thật nhỏ trong vô vàn sắc thái của “đoàn người không thể đếm được” là Các Thánh Nam Nữ, trong đó chắc chắn là có ông bà tổ tiên của chúng ta.
7. Phần chúng ta, kính thưa quý ÔBACE, có lẽ ai trong chúng ta lại chẳng có khát khao nên thánh, nhưng xin hãy nên thánh ngay trong chính bổn phận của mình, ngay trong chính môi trường sống của mình, ngay trong chính phút giây hiện tại của mình. Hãy nên thánh bằng những suy nghĩ, lời nói và hành vi cụ thể:
- biết yêu những điều tốt đẹp cao quý
- biết ghét những điều đê tiện , xấu xa
- biết sống những điều mình yêu và dám chết vì những điều mình ghét.
- biết đưa tình yêu vào cuộc sống, để mỗi giây phút sống, chúng ta đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
- biết đưa cuộc sống vào tình yêu, để từng giây phút yêu, chúng ta làm cho đời sống thêm giá trị.
Cuối cùng, chúng ta hãy biến đời mình thành một thời để sống và để yêu, biết hoà nhập cả 2 nên 1, để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu rằng Thiên Chúa hằng sống cũng chính là Thiên Chúa tình yêu. Amen.

CHÚA NHẬT XXXI TN - C - CHÁNH TOÀ

CHÚA NHẬT XXXI TN - C - CHÁNH TOÀ
LEO LÊN VÀ LEO XUỐNG

1. Bài Tin Mừng CN 31 TN hôm nay thuật lại một câu chuyện thật là ngộ nghĩnh: một người lùn nhưng giàu có, quyền lực và mang tiếng là “tội lỗi” đã tìm và gặp Đấng đem lại ơn cứu độ cho con người. Ngộ nghĩnh không phải ở mục đích của cuộc gặp gỡ, nhưng là ở cách thực hiện cuộc gặp gỡ đó. Vì là người giàu có và quyền lực, nên Giakêu có thể thực hiện cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu bằng 1 cách khác, ví dụ như nhờ người mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà mình, vừa ấm cúng lại vừa thân mật, mà chẳng mất mặt vì hình thể thấp bé của mình. Nhưng ông đã không làm vậy, thế nên mới có chuyện ngộ nghĩnh là ông như 1 đứa trẻ, trèo lên cây sung chỉ để… “nhìn xem” Chúa Giêsu mà thôi!
2. Xem chừng như việc Giakêu đến gặp Chúa là do ông chủ động, nhưng kỳ thực, Chúa Giêsu mới là người chủ động đến gặp Giakêu “Con người tìm đến và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19, 10). Bởi lẽ, trong khi Giakêu chỉ muốn “nhìn xem Chúa Giêsu”, còn Chúa Giêsu lại muốn “lưu lại nhà” của ông! Thật vậy, Thiên Chúa luôn là người “mở lời” với con người, Thiên Chúa luôn là Đấng đưa ra sáng kiến trong việc cứu độ nhân loại. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu đã đem đến cho ông một ân huệ lớn lao, hơn cả tiền bạc vật chất, đó là ơn cứu độ. Và khi đã “gặp gỡ Đức Kitô”, đã lãnh nhận ơn cứu độ, thì Giakêu được “biến đổi cuộc đời mình”, để sống công bình và bác ái hơn.
3. Để có thể “nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào”, Giakêu cần phải leo lên. Leo lên là đưa mình lên tầm cao, vượt lên khỏi chỗ đứng của mình. Phải lên cao để vượt qua khỏi những tự ái, những kiêu căng, những ham hố vật chất thấp hèn, những ràng buộc do danh dự và quyền hành, thậm chí cả những kiến thức mà mình đang thủ đắc để có thể “nhìn xem” Chúa Giêsu. Leo lên như Giakêu là chấp nhận vượt lên trên thực tại của chính tâm hồn mình. Khi leo lên để nhìn xem Chúa Giêsu thì cũng chính là lúc nhận chúng ta nhận ra được con người thật của mình.
4. Nhưng sau khi đã “leo lên” thì phải “leo xuống”. Có nhiều người chỉ thích “leo lên” để thấy Chúa thôi, nhưng thấy Chúa chưa phải là tất cả. Còn phải biết “leo xuống” để có thể gặp gỡ được Người. Bởi vì Chúa Giêsu không gặp gỡ con người ở đâu xa xôi, mà ở ngay trong chính tâm hồn của mỗi người, ngay trong từng phút giây hiện tại, ngay trong chính môi trường sống của chúng ta. Giakêu phải leo xuống để Chúa có “lưu lại” trong nhà của ông, trong tâm hồn của ông, và nhờ vậy, ông mới được hưởng ơn cứu độ, được đón nhận cuộc sống mới.
5. Nếu Giakêu là đại diện cho những người chưa biết Chúa, những người đang sống trong tội lỗi do thiếu công bình và không sống bác ái, thì trong xã hội chúng ta, có lẽ còn rất nhiều Giakêu của thời nay. Những Giakêu đang quản lý của cải chung của xã hội mà tiêu xài như của cá nhân mình. Những Giakêu mua bán đổi chác tài nguyên của đất nước để làm lợi cho một nhóm nhỏ mà quên đi trách nhiệm công bình và bác ái với thế hệ tương lai. Những Giakêu dùng quyền lực để làm giàu có bất chính. Chúng ta cầu xin Chúa cho những Giakêu của thời nay biết bắt chước Giakêu thời xưa: biết leo lên khỏi những ham hố vật chất, những đam mê quyền hành, những toan tính tư lợi, để có thể “nhìn thấy Chúa”, để có thể nghe được tiếng Chúa gọi; và biết “leo xuống” để đón Chúa vào cuộc đời mình… hầu có thể gặp gỡ được Chúa và được ơn biến đổi để sống công bình và bác ái hơn.
6. Còn với chúng ta, có lẽ cũng không ít lần chúng ta là Giakêu, nhưng xin hãy là Giakêu sau khi đã gặp được Chúa Giêsu: biết sống công bình với mọi người và biết quảng đại chia sẻ với anh chị em túng nghèo chung quanh mình. Muốn được như thế, chắc là chúng cũng phải biết “leo lên” để thấy Chúa và thấy chính mình, đồng thời cũng biết “leo xuống” để đón Chúa và trong cuộc đời chúng ta, nhờ vậy chúng ta gặp gỡ được Chúa, đón nhận ơn cứu độ và được biến đổi thành con người mới. Amen.