12.3.11

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY



1. Vào năm 1958, tại Nhật Bản, khi chứng kiến từng hàng người xếp hàng trong đêm giá lạnh để chờ mua những vắt mì tươi tại một cửa hàng, Momofuku Ando đã phát minh ra “mì ăn liền”, và đến nay, “mì ăn liền” được coi là món ăn phổ biến khắp thế giới. Thậm chí có người còn nói chúng ta đang sống vào thời đại “mì ăn liền”! Bởi vì trong “xã hội thực dụng” ngày nay, con người thích sống theo kiểu “mì ăn liền”, nghĩa là người ta luôn đòi hỏi phải được thoả mãn nhu cầu ngay lập tức.

2. Thật ra thì không phải con người thời nay mới thích “mì ăn liền”, mà ngay cả ông bà nguyên tổ cũng thích nữa. Này nhé, sách Sáng Thế đã kể Con Rắn, là Satan nói với bà Evà: “…ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh…” (BĐI). Ông bà nguyên tổ đã sa chước cám dỗ, đã phạm tội vì đã để cho mình chiều theo chủ nghĩa thực dụng, để cho mình sống theo kiểu “mì ăn liền”.
3. Đến thời Tân Ước, Satan cũng tấn công Chúa Giêsu theo xu hướng thực dụng như thế. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe tường thuật cuộc chiến đấu cam go giữa Chúa Giêsu và Satan. Satan mời gọi Người theo chủ nghĩa thực dụng, sống theo kiểu “mì ăn liền”: Đói hả? Hoá bánh ra mà ăn… có liền! Muốn nhiều người theo mình hả? Làm xiếc đi… thu hút liền! Muốn được tất cả hả? Thờ Satan đi… được liền! Thế nhưng, ngược lại với Adam cũ, Adam mới là Chúa Giêsu đã chiến thắng nhờ Lời Chúa nhờ Thánh ý Cha, bằng cầu nguyện trong thinh lặng… chứ không để mình buông theo chủ nghĩa thực dụng, cũng không chạy theo kiểu sống “mì ăn liền”.

4. Trong thực tế của cuộc sống hôm nay, chủ nghĩa thực dụng và lối sống “mì ăn liền” dường như đang lên ngôi:
- Cán bộ kiểu “mì ăn liền”: khi tranh thủ “ăn liền” của công, tham nhũng hối lộ… để phòng khi về hưu hoặc bị mất chức.
- Bằng cấp kiểu “mì ăn liền”: khi được mua bằng tiền bạc, bằng tình ái, bằng quyền hành.
- Giới trẻ kiểu “mì ăn liền”: khi lao vào những cuộc vui thâu đêm, những cuộc tình 1 đêm mà không biết chăm chút cho tương lai.
- Học sinh kiểu “mì ăn liền”: khi chỉ muốn sử dụng những bài văn mẫu, những “phao” khi thi cử, mà không chịu học hành, thiếu tư duy, thiếu sáng tạo.
- Sống đạo kiểu “mì ăn liền”: kiểu này khá phổ biến ở tây phương và cũng thỉnh thoảng xuất hiện tại Việt Nam. Dù là người công giáo, nhưng cả đời chỉ đến nhà thờ có vài ba lần: khi rửa tội, khi rước lễ lần đầu, khi hôn phối và khi chết!!!

5. Cơn cám dỗ thực dụng, thích sống theo kiểu “mì ăn liền”, dần dà dẫn con người đến chỗ không còn nghĩ đến đời sau, mà chỉ nghĩ đến đời này. Trong khi đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức trước những cơn cám dỗ, đặc biệt trong một thế giới nghiêng chiều về chủ nghĩa thực dụng hôm nay. Và khi đã vạch mặt đặt tên cơn cám dỗ trong cuộc đời mình, chúng ta cần cậy dựa vào Lời Chúa và thánh ý của Người như là khí giới để chiến đấu và chiến thắng. Mà muốn lắng nghe được Lời Chúa và biết được thánh ý của Người thì chúng ta cần phải cầu nguyện trong thinh lặng, theo gương của Chúa Giêsu và như lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta:
Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời hằng sống. Xin dạy con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến. Xin dạy con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ. Xin dạy con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ. Xin dạy con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá. Cuối cùng xin dạy con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

9.3.11

THỨ TƯ LỄ TRO

1. Hôm nay, với nghi thức Xức Tro, chúng ta lại bước vào một cuộc hành trình 40 đêm ngày. Cuộc hành trình hướng đến thời điểm đón mừng Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. Trong bước khởi đầu cho hành trình này, Giáo hội mời gọi con cái mình tiến đến vạch xuất phát:

- Nơi đó có Thiên Chúa Cha Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón và sẵn sàng than thứ cho chúng ta như đã tha thứ cho đứa con hoang đàng trở về.
- Nơi đó có Chúa Giêsu Kitô là khuôn mẫu cho cuộc sống và là niềm hy vọng Phục sinh của cuộc đời chúng ta.
- Nơi đó có Chúa Thánh Thần là động lực thúc đẩy chúng ta chiến đấu và vượt thắng những cơn cám dỗ và những thử thách trong cuộc đời.
- Và nơi đó có Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, là mẹ hiền của chúng ta cùng đồng hành với chúng ta để giúp chúng ta vượt lên phía trước.

2. Tiến đến vạch xuất phát của hành trình Mùa Chay thánh, cùng với Chúa Ba Ngôi và trong Giáo hội, cũng chính âm vang của phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay:
- Là trở về với chính mình, trong tận sâu thẳm của tâm hồn mình, như lời tiên tri Giôen kêu gọi trong Bài đọc thứ nhất: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.
- Là gặp gỡ chính tình yêu Thiên Chúa, để làm hoà vời Người như lời thánh Phaolô tông đồ khích lệ trong Bài đọc thứ hai: “Hãy làm hoà với Thiên Chúa”.
- Là thể hiện bằng chính những việc làm rất cụ thể đã được Chúa Giêsu nêu lên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Cầu nguyện, ăn chay và bố thí.

3. Chúng ta cần gia tăng cầu nguyện trong Mùa Chay, để lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra thánh ý của Người, để để chúng ta không còn sống theo ý riêng của mình nữa, nhưng là sống theo thánh ý của Thiên Chúa.

4. Chúng ta cần gia tăng ăn chay hãm mình, không phải để giảm cân, để có vóc dáng đẹp, hay để tỏ ra mình anh hùng, nhưng là để tâm hồn chúng ta thoát khỏi những bám víu trần tục, những ham muốn vật chất thấp hèn, và như vậy, tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát.

5. Chúng ta cần gia tăng bố thí và làm việc lành phúc đức, không phải vì chúng ta quá giàu nên cần bỏ những đồ thừa thãi, mà là chúng ta muốn nên giống Chúa Giêsu Kitô, biết quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân và quảng đại chia sẻ những gì mình có để họ được hạnh phúc hơn.

6. Rồi khi chúng ta bỏ chút tro lên đầu, không phải là một việc phải làm cho có hay là một thói quen máy móc, mà là một nghi thức nhằm diễn tả tâm tình khiêm tốn, nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình để tỏ lòng sám hối sâu xa. Và một chút rắc lên đầu hôm nay phải trở thành những quyết tâm canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh này.

7. Chúng ta đang cùng nhau đứng trên vạch “xuất phát” của hành trình Mùa Chay thánh năm 2011. Chúng ta hãy cùng nhau “vượt chướng ngại vật” là những ích kỷ, những đam mê, những lỗi lầm bằng sự hy sinh hãm mình và sám hối ăn năn. Chúng ta hãy cùng nhau “tăng tốc” trong đời sống cầu nguyện và bác ái bằng việc siêng năng đọc kinh hôm kinh mai trong gia đình, siêng năng đến nhà thờ để lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao hoà, sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì mình có để đáp ứng phần nào những nhu cầu họ cần hầu có thể sống xứng đáng với phẩm giá của con người và của người con Chúa.

8. Được như thế, chúng ta mới có thể cùng nhau “về đích” trên đỉnh Phục sinh vinh quang nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô - Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta, hôm qua hôm nay và mãi mãi. Amen.