25.9.11

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN



1. Trong chương trình ca nhạc ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Bình Thuận được tổ chức vào ngày 19.4.2009, số tiền mà các DN ủng hộ được công bố là hơn 20 tỉ đồng. Nhưng sau hơn hai năm, vẫn còn gần 5 tỉ đồng và 8.000 USD mà họ đã hứa ủng hộ chưa được thanh toán… Đây mới chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt tại xã hội chúng ta đang sống hôm nay, đến độ người ta phải nói những người này là những “con ma nhà họ Hứa”.
2. Xem người lại ngẫm đến ta. Biết bao lần chúng ta thất hứa với người thân, thất hứa với Chúa? Biết bao lần chúng ta nói “vâng” với Chúa rồi lại không làm theo Thánh Ý Người? Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:
- Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá và thưa “Amen” là chúng ta “tuyên xưng” Mầu Nhiệm 1 Chúa Ba Ngôi và cam kết sống tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nhưng mà thực tế cuộc sống của chúng ta có là dấu chỉ của sự hiệp thông và yêu thương không?
- Khi chúng ta đón nhận Thánh Thể và thưa “Amen” là chúng ta thưa “vâng” và cam kết trở thành môn đệ của Đức Giêsu và bắt chước Ngài sống phục vụ và hiến thân cho tha nhân. Còn thực tế thì sao? Chúng ta có chuyển hoá tiếng “vâng” trong Thánh Lễ thành tiếng “vâng” trong cuộc đời? Hay nó bị biến chất thành tiếng “không” lạt lẽo và vô vị?
- Cuối Lễ, khi chủ tế nói “Ite missa est” (lễ xong – anh chị em hãy đi). Không phải là đi về bình an đâu, mà là hãy đi làm chứng cho Chúa trong cuộc đời, làm cho Thánh Lễ nối dài trong chính cuộc đời mình. Chúng ta thưa “Deo gratias” (tạ ơn Chúa). Cũng không phải chỉ là lời tạ ơn suông, mà là lời “xin vâng”, lời cam kết thành chứng nhân!

3. Tới đây, có lẽ tôi và quý ÔBACE bắt đầu thấy giựt mình rồi phải không nào? Giựt mình là vì sao chúng ta thấy mình giống như đứa con thứ hai trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe quá! Tiếng “vâng” sao nghe thật dễ. Lời tuyên xưng “tôi tin” nghe sao mạnh mẽ. Nhưng từ vâng đến làm, từ tin đến sống sao vẫn còn một khoảng cách quá xa xôi, đôi khi thật diệu vợi. Như người ta thường nói : “Con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay!”. Thế nên, vấn đề là chúng ta làm sao để rút ngắn được khoảng cách này.
4. Để được như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có cùng một lúc 2 thái độ này:
- Một là chúng ta phải luôn xác tín rằng Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin. Nhưng lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Vâng, lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng mà còn bằng cuộc sống yêu thương, phục vụ, tha thứ nữa.
- Hai là chúng ta cần ý thức cách mạnh mẽ rằng mỗi khi chúng ta sống yêu thương, mỗi khi chúng ta sống công bình, mỗi khi chúng ta hiệp thông với nhau trong cộng đoàn, mỗi khi chúng ta biết thứ tha cho tha nhân… là lúc chúng ta đang làm cho niềm tin của chúng ta thêm lớn mạnh và vững vàng.
5. Và cuối cùng, xin mời quý ÔBACE hãy cùng tôi dâng lên Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lời nguyện sau đây: Ôi giọng nói của Chúa Giêsu, xin hãy kêu gọi chúng con, khi chúng con lạc bước quá xa Ngài. Ôi đôi mắt của Chúa Giêsu, xin hãy mỉm cười nhìn chúng con, khi chúng con cần Ngài khích lệ. Ôi đôi tay của Chúa Giêsu, xin hãy xức dầu cho chúng con, khi chúng con yếu đuối mỏi mệt. Ôi bờ vai của Chúa Giêsu, xin hãy là chỗ dựa nâng đỡ chúng con, khi chúng con vấp ngã. Ôi trái tim của Chúa Giêsu, xin hãy giúp chúng con biết yêu thương nhau, như chính Ngài đã yêu thương chúng con. Amen.

18.9.11

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN


GHEN TƯƠNG VÀ YÊU THƯƠNG


1. Chúng ta có thể nói rằng lịch sử của nhân loại được đan xen giữa sự ghen tương và tình yêu thương. Trước hết, lịch sử của nhân loại được dệt nên bởi lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Nhưng mà cũng trong dòng chảy của lịch sử ấy, chúng ta cũng nhận ra được một thực tế này là sự ghen tương luôn hiện diện trong cuộc đời này. Chẳng cần phải nói ở đâu xa xôi, chúng ta cứ mở Kinh Thánh ra, sự ghen tương của con người hiện lên rất rõ ràng. Chúng ta có thể kể ra đây một vài câu chuyện tiêu biểu:

- Khởi đầu là câu chuyện Cain ghen với Abel đến độ giết chết em của mình.

- Rồi một câu chuyện khác cũng nổi tiếng không kém đó là câu chuyện vua Saolê vì ghen tương nên đã truy giết David.

- Trong Tân Ước, chúng ta thấy 10 tông đồ bực tức với 2 anh em Gioan và Giacôbê khi bà mẹ của 2 ông này đến xin Chúa cho một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu… trong Nước Chúa.

- Lại nữa, trong dụ ngôn Người cha nhân hậu, chúng ta thấy người anh cả ghen tức với người em hoang đàng của mình… đến độ không thèm vào nhà cho dù người cha năn nỉ…

- Và trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe, những người làm công từ sáng ghen tương với những người làm chỉ có 1 giờ đồng hồ… mà lại trả trước… giống như… chọc tức, trêu ngươi nhau…

2. Lý do mà con người ghen tương là vì họ cho rằng có sự bất công. Hay nói cách khác, Thiên Chúa đã cư xử không công bằng chút nào: “Chúng tôi chịu khổ cực nắng nôi suốt ngày mà ông lại kể họ bằng chúng tôi sao?”. Vô lý quá phải không?! Ngày hôm nay, cũng vẫn còn nhiều người nói với Chúa, đại khái thế này: con cực khổ theo Chúa cả một đời, biết bao lần con phải rời nệm ấm chăn êm, thức dậy đi tham dự Thánh lễ; biết bao buổi chiều tới nhà thờ đọc kinh và viếng Thánh Thể; biết bao hy sinh thời gian, công sức làm việc bác ái; biết bao nhịn nhục cay đắng chỉ vì mình là người có đạo nên không dám làm điều thất đức… trái với luật Chúa. Trong khi đó có những người sắp xuống lỗ… mới chịu Phép Rửa gia nhập đạo… vài ngày sau qua đời… lên thiên đàng cả giường lẫn chiếu… Tự nhiên được một đồng… ngon lành! Trong khi con khốn khổ vác thập giá mà theo Chúa cả một đời, cũng chỉ nhận được một đồng!

3. Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta thật rõ ràng ở trong bài Tin Mừng hôm nay: “Này bạn, tôi đâu có bất công, vì chúng ta đã ký hợp đồng với nhau là lương 1 ngày công là 1 đồng cơ mà!”. Có chăng là thế này: ở trên sự công bằng còn có một giá trị lớn hơn, đó là tình yêu thương. Thiên Chúa cư xử với con người không chỉ bằng sự công bằng, mà còn bằng tình thương yêu bao la vô bờ bến nữa! Nếu như Thiên Chúa cư xử với chúng ta chỉ theo lẽ công bằng mà thôi, thì chắc chúng ta đã chết từ lâu rồi! Vì vậy, Chúa cảnh báo chúng ta: “Hay là mắt bạn ghen tương vì tôi nhân lành chăng?”. Phải, kính thưa quý ÔBACE rất thân mến. Kinh nghiệm của lịch sử nhân loại và của cuộc sống cá nhân mỗi người cho chúng ta kinh nghiệm này là: chỉ có sự công bằng mà thôi thì không giải quyết được vấn đề của nhân loại, mà phải để cho một sức mạnh lớn hơn, đó là tình yêu thương thúc đẩy, thì mới giải quyết được mọi vấn đề của xã hội loài người.

4. Kính thưa quý ÔBACE rất thân mến. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia trong Bài Đọc I hôm nay: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. Quả thật đúng như thế! Nhưng đó lại là lời mời gọi tha thiết của Chúa: hãy sống nhân lành như Cha trên trời là Đấng nhân lành. Để được như vậy, chúng ta cần phải vượt qua sự ghen tương để hướng đến tình yêu thương. Và chỉ trong tình yêu thương, chúng ta mới có thể trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

10.9.11

CHÚA NHẬT XXIV TN - A



Cách đây đúng 10 năm, ngày 11.9.2001, cả thế giới kinh hoàng vì một loạt vụ tấn công khủng bố có phối hợp tại Hoa Kỳ, khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách, trong đó chúng lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, mỗi chiếc đâm vào một tòa tháp. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp sụp đổ hoàn toàn. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào Ngũ Giác Đài ở bang Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng thuộc bang Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này. Nếu không tính 19 không tặc, số người thiệt mạng lên đến 2.974 người và 24 người mất tích. Sau biến cố thù địch này, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush đã thề sẽ tiêu diệt bọn khủng bố và tuyên bố như một anh chàng cao bồi thứ thiệt: “Bắt cho bằng được Bin Laden, dù sống hay chết”.

Hôm nay, 10 năm sau biến cố đầy hận thù trên, Bin Laden cũng đã chết…, nhiều người vẫn không thể nào quên được nỗi đau do sự thù hận gây ra, nhưng thật ngạc nhiên và cảm động khi tôi tình cờ nghe được lời tâm sự của cô gái 15 tuổi, tên Sonali Beaven, có người cha đã hy sinh trong chuyến bay mà bọn khủng bố đã cướp, khi đó cô mới 5 tuổi. Cô nói trên đài BBC như sau: “Chiến tranh chẳng đưa người ta đi đến đâu, vì không thể dùng lửa để dập tắt lửa!”

Tôi miên man suy nghĩ lời của cô bé Sonali, và khi suy niệm bài TM Chúa Nhật hôm nay, tôi lại càng thấm thía lời dạy của Chúa: “Thầy không bảo con phải tha đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7”. Thật vậy, thưa quý ÔBACE, thánh Phêrô, có lẽ cũng như nhiều người trong chúng ta, dù nhìn nhận rằng tha thứ là một đức tính của người anh hùng, nhưng quan niệm tha thứ cũng phải có giới hạn: “quá tam ba bận” là cùng… Cho nên, thánh Phêrô, có lẽ muốn chứng tỏ với Chúa về sự quảng đại của mình, đã đưa ra một giới hạn mà theo ông là vượt quá lý tưởng, trên cả tuyệt vời, đó là “tha đến 7 lần!”. Nhưng lời dạy tha thứ của Chúa lại là “70 lần 7”, nghĩa là không có giới hạn.

Chúng ta, những người môn đệ của Chúa phải tha thứ luôn luôn, phải tha thứ mãi mãi, vì những lý do sau đây:

- Chúng ta phải tha thứ vì ai cũng có những lầm lỗi thiếu sót. Đã là người thì ai cũng có sai lỗi, ai cũng có những lúc lỡ lầm. Có những lỗi lầm do cố ý, những cũng có rất nhiều những thiếu sót do vô tình, do không ý thức… vì thế chúng ta cần thấu hiểu, thông cảm và tha thứ cho nhau.

- Chúng ta phải tha thứ vì chính chúng ta là người cần được thứ tha. Giả sử như mọi người không ai tha thứ cho ta, thì có lẽ ta đã bị khai trừ ra khỏi xã hội từ lâu rồi. Khi ý thức được rằng bản thân mình cũng còn nhiều sai lỗi và cần sự tha thứ của tha nhân, thì ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho anh chị em chung quanh mình.

- Chúng ta phải tha thứ vì đó là điều kiện để được Chúa thứ tha. Đó là đòi buộc của Chúa qua dụ ngôn chúng ta vừa nghe: “Ta đã tha hết nợ cho ngươi… còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi”. Chúa còn dạy chúng ta phải tha thứ cho tha nhân trước khi khi xin Chúa tha thứ cho mình: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

- Chúng ta phải tha thứ cho nhau để có thể nên “hoàn thiện như cha trên Trời”. Lời mời gọi nên hoàn thiện chỉ được thực hiện trong cuộc sống nếu như chúng ta biết tha thứ, như Chúa đã thứ tha. Lịch sử của nhân loại chỉ trở thành lịch sử cứu rỗi là do lòng bao dung nhân từ của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là lời tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá: “Xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết!”.

Có một người cha giận đứa con trai mình vì tội cờ bạc, cá độ bóng đá…và nhất định không nhìn mặt “thằng con bất hiếu” nữa. Vì ông rất cố chấp, nên dù các đoàn thể đã khuyên hết lời rồi mà ông vẫn không nghe. Giải pháp sau cùng là mời cha sở. Khi cha sở vừa vào nhà, ông liền nói: “Thưa cha, con đã tha thứ cho thằng con trai con rồi, nhưng nó muốn đi đâu thì đi, miễn là đừng có vác cái mặt về đây nữa là được”. Nghe ông tuyên bố như thế, cha sở cũng muốn “bó tay” luôn, nhưng có lẽ nhờ ơn Chúa soi sáng, nên ngài mới kể cho ông nghe câu chuyện: “Có bà lão kia khi chết lên trình diện Chúa. Chúa bảo bà rằng tội bà nhiều lắm, nhưng Ta tha thứ tất cả. Có điều bà muốn đi đâu thì đi, miễn sao đừng để Ta thấy mặt là được”. Nghe đến đây thì ông bắt đầu thấy lo. Ông hỏi lại: “Thế bà đi đâu vậy cha?” Ngài trả lời rằng: “Còn đi đâu nữa! Có nước vào hỏa ngục thì mới không thấy Chúa”. Nghe nói sau đó nghĩ lại, ông cho thằng con trai về nhà!

Thế mới biết con người ta khó tha thứ biết chừng nào. Có khi chúng ta “tha” mà không “thứ”, tức không quên được lỗi lầm của người lầm lỗi, thậm chí không muốn thấy mặt người đó như nguời cha trong câu chuyện trên. Hoặc nữa có khi tha, nhưng đặt điều kiện này điều kiện nọ.

Kính thưa quý ÔBACE,

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ. Nhưng trên hết và trước hết, tha thứ là một nhân đức siêu nhiên, là một ân huệ do Thiên Chúa ban tặng. Do đó, chúng ta không thể tha thứ cho nhau nếu chúng ta không ý thức và sống những điều căn bản sau đây:

- Một là cần cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình, vì càng cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng dễ thứ tha cho anh chị em mình bấy nhiêu.

- Hai là phải tha thiết cầu nguyện xin cho chúng ta có được tấm lòng bao dung nhân hậu của Chúa, để chúng ta có thể tha thứ cho tha nhân, mỗi khi họ xúc phạm đến chúng ta. Tha và thứ, tha và quên mới là tha thứ thật.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra được lòng bao dung tha thứ của Chúa trước vô vàn lỗi phạm của chúng con và xin cho chúng con biết thể hiện lòng bao dung của Ngài qua thái độ quảng đại tha thứ cho tha nhân. Amen.

3.9.11

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN - A



Khởi đầu Thánh Lễ, khi đọc kinh cáo mình, chúng ta đấm ngực 3 lần và thú nhận: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng! Tâm tình thật sâu sắc, thật khiêm tốn, thật chân thành. Nhưng không ít lần sau Thánh Lễ, khi trở về thực tế cuộc sống hằng ngày, thì tâm tình khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình “cuốn theo chiều gió”, nên chúng ta dễ dàng thú nhận: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại… anh mọi đàng. Hoặc như người chồng nói với vợ mình: Lỗi tại tôi nhưng lôi thôi tại bà! Khi ta đã không chấp nhận sai lỗi của mình thì ta cũng chẳng thể chấp nhận lỗi lầm của tha nhân, nên thay vì sửa lỗi thì “sửa lưng”, thậm chí còn phê bình chỉ trích, bêu xấu… người khác.

Nhân vô thập toàn. Đã là người thì ai ai cũng có lỗi lầm, nên sửa lỗi là việc thường tình và cần thiết. Được người khác sửa lỗi cho mình phải là niềm hạnh phúc lớn. Còn sửa lỗi tha nhân phải là một bổn phận không thể không thi hành. Nhưng điều căn bản nhất, quan trong nhất trong việc sửa lỗi chính là tình yêu thương chân thành. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy chúng ta phương thế tuyệt vời trong việc sửa lỗi trong cộng đoàn. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu dạy chúng ta nghệ thuật ăn nói, đặc biệt trong tình huống phải sửa lỗi cho nhau.

Trước hết Chúa dạy ta phải biết “nghệ thuật nói với”:

- Để nói với tha nhân, Chúa dạy ta phải nói lời xây dựng. Lời dạy thật rõ ràng: “nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Sửa dạy chứ không lên án, xây dựng chứ không loại trừ. Điều này đòi phải có lòng yêu thương và coi mọi người là anh chị em thân thiết của mình.

- Để nói với tha nhân, Chúa cũng dạy ta phải nói lời tế nhị. Khi góp ý với ai đó thì cần phải kín đáo “riêng ngươi và nó thôi”, bởi nếu không khéo thì chuyện bé sẽ xé ra to. Điều này cần sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau. Tôn trọng cái tốt vẫn luôn có và luôn còn nơi mỗi người. Tin tưởng rằng bất kỳ ai, dù có lỗi lầm đến đâu đi chăng nữa, vẫn có khả năng hoán cải nên tốt hơn.

- Để nói với tha nhân, Chúa còn dạy ta phải nói lời đối thoại. Chỉ nói khi có “riêng ngươi và nó thôi” còn có nghĩa là biết trao đổi, biết đối thoại với nhau. Điều này cần có thái độ kiên nhẫn và biết sẵn sàng lắng nghe, biết chấp nhận khác biệt của nhau.

Kế đến, Chúa cũng dạy ta phải biết “nghệ thuật nói cùng”:

- Khi nói cùng nhau tức là hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Hiệp thông luôn là một lời mời gọi trong Giáo Hội, là dấu chỉ của Nước Trời. Càng hiệp thông với nhau, chúng ta gắn bó với Chúa và Giáo Hội.

- Khi nói cùng nhau tức là cảm thông, là thấu hiểu cõi lòng của nhau. Và chỉ khi cảm thông và thấu hiểu nhau, ta mới có thể thay đổi quan điểm, thay đổi con người… để hướng đến điều hoàn thiện.

- Khi nói cùng nhau trong Chúa tức là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ điều đó”.

Như vậy, Lời Chúa dạy hôm nay thật thiết thực với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta biết hoán cải, biết đổi mới trong cung cách nói năng hằng ngày, để việc sửa lỗi huynh đệ đem lại nhiều ích lợi cho cộng đoàn:

- Nếu xưa chúng ta thường nói lời chỉ trích, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời xây dựng.

- Nếu xưa chúng ta thích nói lời gắt gỏng, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời tế nhị.

- Nếu xưa chúng ta chỉ muốn nói lời ra lệnh, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời đối thoại.

- Và nếu ngày xưa chúng ta thường sống khép kín, thì hôm nay Chúa mời chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để có thể cùng nhau dâng lên Chúa những lời nguyện cầu.

Xin Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong mỗi người chúng ta, để mỗi lời chúng ta thốt ra đều là lời yêu thương như Lời Tình Yêu mà Chúa Ba Ngôi đã ưu ái gởi đến mọi người. Amen.