23.10.11

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

 Trong tuần lễ vừa qua, có lẽ có 3 sự kiện đáng cho chúng ta lưu ý một tại châu Á, một tại châu Phi và 1 tại châu Âu.
- Hai sự kiện tại châu Á và châu Phi liên quan tới hai cái chết. Cái chết thứ nhất xảy ra ở Phật Sơn Trung Quốc, tại một đất nước được mệnh danh là theo ý thức hệ vô thần, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng loại trừ tôn giáo: đó là cái chết của em bé 2 tuổi mang tên Duyệt Duyệt, sau khi bị 2 chiếc xe tải đụng phải và bỏ nằm trên đường trước sự lãnh đạm thờ ơ, vô cảm của 18 người đi ngang qua một cách thản nhiên, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cái chết thứ hai là của cựu tổng thống Libya, Gadhafi, tại một đất nước được xây dựng trên nền tảng tôn giáo độc thần - Hồi Giáo, mà kẻ bị giết và lẫn người giết đều có chung một niềm tin vào Thượng Đế.
- Sự kiện còn lại xảy ra tại châu Âu, đó là Đức Thánh Cha Benedicto 16 công bố Tông thư có tên gọi là “Porta Fidei” (Cánh Cửa Đức Tin) loan báo việc cử hành “Năm Đức Tin”, bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012, nhân kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II, và kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua ngày 24 tháng 11 năm 2013.
Khi nhìn 3 sự kiện xảy ra tại 3 châu lục, và nhất là khi nhìn những sự kiện trên dưới lăng kính của Lời Chúa hôm nay, tôi nghiệm ra được những điều này, xin được chia sẻ cùng quý ÔBACE, đặc biệt với các bạn trẻ, nhân dịp Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay.
- Qua cái chết của bé Duyệt Duyệt, tôi thấy rằng: khi một xã hội chủ trương chỉ nhắm đến vật chất mà loại trừ tôn giáo, bất cần Thượng Đế, thì chắc chắn môi trường xã hội đó sẽ tạo nên những con người vô cảm, thờ ơ và lãnh đạm với đồng loại.
- Qua cái chết của Gadhafi, tôi thấy rằng: khi một xã hội tôn thờ Thượng Đế cách cuồng tín, dựng nên một Thượng Đế theo những tham vọng và đam mê của mình, thì sẽ tạo nên những con người bất nhân, xem đồng loại như cỏ rác.
- Qua việc loan báo khai mở “Năm Đức Tin” của Đức Thánh Cha Benedicto, tôi thấy rằng: ĐTC muốn giúp các tín hữu tái khám ơn ban đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu và sống yêu thương như Người.
Nếu nói theo ngôn ngữ của Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thì con đường đã, đang và sẽ mãi mãi cần, để loại trừ sự vô cảm, loại trừ hành vi bất nhân và để mang lại niềm vui và an bình, bảo vệ sự tồn tại và góp phần phát triển cộng đồng nhân loại… không gì khác hơn là “tình yêu”: Mến Chúa và Yêu người!
Hôm nay là Khánh Nhật Truyền giáo, và Sứ điệp “Mến Chúa - Yêu người” quả thật là một hành trang cần thiết và rất ý nghĩa để mỗi người Kitô hữu chúng ta mang theo trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Có thể nói mà không hề sợ sai lầm rằng: kết quả của công cuộc truyền giáo chính là hoa trái của tình yêu thương.
Và lòng mến Chúa phải được thể hiện cách cụ thể qua tình yêu thương đồng loại. Có thể bé Duyệt Duyệt sẽ vẫn còn sống, nếu em không bị bỏ rơi quá lâu trên đường vì thái độ thờ ơ vô cảm của 2 tài xế xe tải và 18 người qua đường trong cái ngày định mệnh kia! Và có thể ông đại tá Gadhafi đã không bị giết chết cách tàn bạo vì thù hận, nhưng sẽ được xét xử đàng hoàng theo tiêu chuẩn của luật pháp văn minh, nếu những kẻ bắt được ông còn nhìn nhận được rằng ông vẫn là một con người mang ảnh hình Thượng Đế.
Chính Đức Giêsu Kitô, Đấng mời gọi chúng ta Mến Chúa Yêu người đã làm gương cho chúng ta bằng một tình yêu tuyệt vời và tột đỉnh, qua cái chết trên Thập giá vì yêu thương! Và thánh Giá của Chúa Giêsu đã trở thành biểu tượng của tình yêu, và trở nên lời mời gọi yêu thương gởi đến mỗi người trong chúng ta hôm nay.
Xin mời các bạn trẻ và toàn thể cộng đoàn đứng, cùng với Nhóm múa cử điệu cuả Giới Trẻ họ đạo Chánh Toà, chúng ta thể hiện cam kết học yêu Thánh Giá, để chúng ta cũng biết yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Hôm nay là ngày Khánh nhật Truyền giáo, là ngày cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội toàn cầu, của Giáo hội Việt Nam, và đặc biệt là của Giáo phận chúng ta. Nhân dịp này, xin chia sẻ với quý ÔBACE về sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu. Theo tường thuật của thánh Mátthêu trong bài TM chúng ta vừa nghe, trước khi về trời, Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Như vậy, sứ mạng của các Kitô hữu, của các môn đệ Đức Kitô là loan báo Tin Mừng Phục Sinh và làm cho mọi người trở nên môn đệ của Chúa qua việc tuân giữ các huấn lệnh của Người.

Nhưng chúng ta phải truyền giáo bằng cách nào? Chúng ta có thể tóm lược những cách thức truyền giáo như sau:

1. Truyền giáo bằng lời rao giảng. Thánh Phaolô đã đưa ra một lập luận rất chặt chẽ và sắc bén để đề cao việc truyền giáo bằng lời rao giảng: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 14-15.17).

2. Truyền giáo bằng lời cầu nguyện. Trong bức thư viết cho một nhà truyền giáo tại Trung quốc, thánh nữ Têrêsa đã ví von như sau: “Như ông Giôsuê, cha chiến đấu dưới đồng bằng; còn con, con là ông Môsê bé tí và tâm hồn con không ngừng hướng về trời để cầu cho cha được chiến thắng!”. Việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện này của thánh nữ Têrêsa đã có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, đến độ Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong ngài làm bổn mạng các công cuộc truyền giáo.

3. Truyền giáo bằng sự liên đới. Đức Thánh Cha Benedicto đã viết trong sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm nay như sau: “Hoạt động truyền giáo luôn đặc biệt quan tâm đến sự liên đới”. Chúng ta biết đến mẫu gương liên đới của Mẹ Têrêsa Calcutta, người được toàn thế giới công nhận là “người phụ nữ giàu lòng nhân ái nhất thế kỷ 20”, được các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái tôn phong là “nhà truyền giáo lỗi lạc nhất của thế kỷ 20”, chính là nhờ những hoạt động liên đới với những người khổ đau, nghèo khó, bệnh tật, hấp hối của Mẹ.

4. Truyền giáo bằng cái chết. Sử gia Tertulianô đã từng nhận định rằng: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người Kitô hữu”. Tại Việt Nam, hơn 130.000 đấng tiền nhân đã anh dũng hy sinh, hiến mạng sống mình để bảo vệ đức tin, để làm chứng cho Chúa Kitô, trong số đó có 117 vị được tôn phong hiển thánh và 1 vị được phong chân phước.

5. Truyền giáo bằng đời sống gương mẫu. Một cách cụ thể qua việc chu toàn việc bổn phận hằng ngày một cách chăm chỉ và nghiêm túc nhất. Truyền giáo bằng lời rao giảng nhất là bằng cái chết thì không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng truyền giáo bằng cuộc sống thì mọi người đều có thể làm và phải làm. Từng giây, từng phút, từng ngày… qua từng cử chỉ, lời nói, việc làm… chúng ta phải chứng tỏ cho mọi người thấy gương mặt của “Thiên Chúa là tình yêu”.

Cuối cùng, xin được mượn lời của Đức Thánh Cha Benedicto trong Sứ điệp Truyền Giáo năm nay để kết thúc những phút chia sẻ này: “Được tham dự vào trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội, người Kitô hữu trở nên người xây dựng sự hiệp thông, bình an và liên đới mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, và họ góp phần thực hiện kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho nhân loại”. Amen!

17.10.11

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A



1. “Của Cesar trả cho Cesar” đã trở thành một câu nói rất nổi tiếng, ai ai cũng biết, đến nỗi tôi thử tìm câu này trên google, thì chỉ trong vòng 0,20 giây thôi, mà đã có 1.870.000 kết quả! Nhưng mà để hiểu cho đúng, và nhất là để sống cho đúng câu nói của Chúa Giêsu trong Bài TM chúng ta vừa nghe hôm nay thì không phải đơn giản.

2. Trong lịch sử nhân loại, đã có 1 thời Giáo Hội coi mình ở trên tất cả, bảo cái gì cũng là của Chúa hết… nên can thiệp vào mọi vấn đề của con người. Ví dụ như Đức Giáo Hoàng phong vương cho các vua chúa Châu Âu, Giáo hội lập toà án xử những vấn đề thuộc lãnh vực khoa học, như vụ xử nổi tiếng Galilêô. Nhưng rồi cũng trong lịch sử nhân loại, cũng có thời các nhà cầm quyền độc tài chuyên chế muốn nhúng tay vào mọi chuyện, kể cả trong lãnh vực niềm tin nữa. Chẳng hạn như chuyện đòi các thanh niên nam nữ muốn đi tu thì phải xin phép, đòi ký giấy cho phép phong chức linh mục, đòi quyền bổ nhiệm giám mục… Đấy là cái thời mà người ta coi cái gì cũng thuộc về Cesar cả.

3. Vậy thì làm sao để hiểu cho đúng câu nói nổi tiếng của Chúa: “Của Cesar trả cho Cesar, còn của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”? Như chúng ta vừa nói, trong lịch sử của nhân loại, có thời người ta coi cái gì cũng là “của Chúa”, rồi cũng có khi người ta xem cái gì cũng thuộc về Cesar! Thật ra thì câu nói của Chúa Giêsu: “Của Cesar trả cho Cesar, còn của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”, tự nó đã bao hàm một sự phân biệt “của Cesar” và “của Chúa”. Nhưng mà vấn đề là chúng ta phân biệt thế nào.

- Người ta thường phân biệt theo theo phạm trù “không gian”: trong Nhà thờ là “của Chúa”, ngoài nhà thờ là “của Cesar!” Nhưng mà trong thực tế thì chưa chắc là cứ ở trong Nhà thờ là của Chúa, như trường hợp người ta đến Nhà thờ để lấy cắp xe hay nón an toàn của những người đến dự lễ! Rồi cũng có người trong Nhà Thờ thì đạo đức lắm, nhưng vừa bước ra khỏi nhà thờ thì cũng sống bê tha, ganh ghét, giận hờn...

- Rồi cũng có nhiều người phân biệt theo phạm trù “thời gian”: lúc cầu nguyện, lúc đi lễ là “của Chúa” còn lúc làm ăn buôn bán là “của Cesar”… nên trong lúc cầu nguyện thì rất sốt sắng, nhưng sau khi cầu nguyện rồi thì cũng bất công, lươn lẹo, tham lam… chẳng chịu thua ai! Giống như câu chuyện vui là có ông thầy bị người ta chọc tức quá, chịu không nổi, bèn ngửa mặt lên nói với Chúa rằng: “xin cho con nghỉ tu 5 phút… để con cho tụi nó biết tay!!!”.

4. Sẽ là đúng đắn, nếu chúng ta phân biệt “của Chúa” và “của Cesar” không dựa vào phạm trù không gian hay thời gian, mà dựa vào “bậc thang giá trị”. Chúng ta là Kitô hữu không phải chỉ ở trong Nhà Thờ, mà còn phải là chứng nhân cho Chúa giữa chợ đời hôm nay. Chúng ta sống đạo không chỉ trong khi chúng ta dâng lễ, mà phải kéo dài trong chính cuộc đời mình, bằng một cuộc sống yêu thương, công bình, chính trực, tha thứ và liên đới với mọi người. Và như thế, một khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng, thì đó là lúc chúng ta trả lại cho Chúa những gì thuộc về Người, mà thực tế thì có gì mà chúng ta đang có lại không là do Chúa ban? Có chăng chỉ là tội lỗi mà thôi! Thế nên, xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu được Lời Chúa hôm nay, và đem Lời Chúa vào trong thế giới này bằng một đời sống trung thực, công bình và bác ái. Amen.

11.10.11

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

1. Gần đến những tháng cuối của một năm, người ta thường tổ chức đám cưới… và lẽ dĩ nhiên là nhiều người vui nhưng cũng nhiều người méo mặt vì thiệp cưới tới tấp gởi đến, mà cái nào cũng quan trọng cả… đến nỗi nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Nên nếu có cơ hội thuận tiện để từ chối thì chối từ liền, hoặc là gởi phong bì… để khỏi hay rơi vào cảnh “ăn bữa cỗ lỗ bữa cày”! Vì thế mà mới có chuyện thật như đùa ở tại Cần Thơ và Bạc Liêu trong tháng 9 vừa qua: có 2 vị quan chức nhà nước in thiệp mời đám cưới của con, nhưng lại ghi thêm chức danh của Bố. Một vị ghi rõ chức danh là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ, vị khác ghi rõ tên cơ quan công tác là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (của Bạc Liêu). Có lẽ các vị này muốn tăng uy thế của thiệp mời!!!?? Nghe nói là sau khi dư luận lên tiếng, người ta đã “kỷ luật”… khiến trách!!! (xem Báo Pháp Luật).
2. Nhưng dụ ngôn Chúa kể trong bối cảnh văn hoá lịch sử của người Do thái thời bấy giờ lại khác hẳn: được đức vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, tiên tri Isaia đã nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x. Is 25,6; 55,1). Điều đó cho ta thấy “tấm lòng” của Thiên Chúa quá bao la, tình yêu của Người quá dạt dào. Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do chẳng hề tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.
3. Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại xảy ra trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử của dân Do thái, là dân được Chúa tuyển chọn. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất cả chỉ vì tình Chúa yêu thương. Vậy mà khi Chúa sai các đầy tớ là các tiên tri đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Như vậy, những người trước tiên được mời bị loại ra chỉ vì (nói theo kiểu nói của Trịnh Công Sơn) là thiếu một tấm lòng!
4. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng! Phải, cần có tấm lòng để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng một khi đã đáp lại lời mời gọi yêu thương đó, thì cũng cần phải có 1 tấm lòng để tôn trọng người mời, tôn trọng chính mình và tôn trọng những người đồng dự tiệc cưới. Hình ảnh người không mặc y phục lễ cưới gợi lên cho chúng ta sự thiếu tôn trọng đó, hay nói cách khác là người không mặc y phục lễ cưới là người thiếu một tấm lòng.
5. Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự:
- Những người không tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự Thánh Lễ.
- Lại nữa, có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Thật ra, mặc “y phục lễ cưới” không gì khác hơn là “mặc lấy chính Đức Kitô”, như lời một bài hát sinh hoạt quen thuộc: “mặc áo xanh rồi mặc áo đỏ, mặc áo nọ rồi mặc áo kia, nhưng em tin rằng em đẹp nhất, khi em mặc lấy Đức Kitô”. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

6. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn. Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô).

6.10.11

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN


CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI



1. Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng hôm nay liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một chuồng ngựa. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ . Người Công giáo đã chiến thắng tại vịnh Lepanto, chặn được sức tiến vũ bão của Hồi giáo. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, được gọi là Đức Mẹ chiến thắng.

2. Thật ra thì việc tôn sùng Đức Mẹ qua việc Lần Chuỗi Mân Côi đã có từ rất lâu rồi trong lịch sử Giáo Hội. Vào thế kỷ XIII, bè rối Albigeois đã lan tràn nhiều nơi và phá hoại Giáo Hội rất nhiều. Thánh Đaminh và Dòng của Ngài đã làm hết sức mà không sao cải hóa được những người theo bè rối ấy. Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ và Đức Mẹ đã hiện ra dạy dùng tràng chuỗi Mân Côi làm khí giới thần hiệu để chinh phục bè rối ấy. và quả như vậy, nhờ Lần Chuỗi Mân Côi mà Giáo Hội đã chiến thắng bè rối.

3. Tôi muốn nhắc lại 2 sự kiện lịch sử tiêu biểu trên, để chúng ta 1 lần nữa xác tín rằng, Đức Maria là Mẹ luôn luôn yêu thương con cái của mình về phần hồn lẫn phần xác. Và việc Lần Chuỗi Mân Côi là lời kinh diệu kỳ. Tuy nhiên, nếu như hôm nay, chúng ta cần phải vượt trên hai thái độ này:

- Một là cho rằng Chuỗi Mân Côi như là một thứ “vũ khí” như bao nhiêu loại vũ khí do con người tạo ra để tiêu diệt nhau, để hạ bệ nhau, để lên án nhau... nhằm mục tiêu chính trị và quân sự!

- Hai là cho rằng khi nhắc lại biến cố tại vịnh Lepanto để gợi lại quá khứ hào hùng, để nhấm nháp hưong vị chiến thắng, để lên mặt với thiên hạ, để khinh khi kẻ khác...

Nếu chúng ta rơi vào 2 thái độ kể trên thì e rằng chúng ta cũng giống như những người Hồi giáo cực đoan, khi họ dùng khủng bố để tấn công con người nhưng lại mượn danh Thiên Chúa, không chỉ nhằm đến nước nọ hay nước kia mà muốn nhằm khơi lên mối thù hận tôn giáo.

4. Muốn vượt lên trên 2 tư tưởng rất loài người và rất tầm thường nêu trên, thiết tưởng chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Chúng ta thấy trinh nữ Maria cũng phải chiến đấu, và chiến thắng! Chiến đấu trong niềm tin mà vượt lên trên những suy nghĩ tầm thường của nhân loại để đón nhận và thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc chiến đấu của Đức Maria không hề đơn giản: khi đáp tiếng xin vâng, Mẹ đã phải dám liều mình bước vào cuộc phiêu lưu qua lời mời gọi của Thiên Chúa, để cưu mang Chúa Cứu Thế. Vấn đề là dám tin, và chấp nhận trả giá bằng chính cả cuộc đời của mình.

5. Mẹ Maria vừa là mẫu mực cho ta noi theo, vừa là nguồn trợ lực cho ta trong cuộc chiến niềm tin: tin là chấp nhận theo Chúa, chấp nhật từ bỏ, chấp nhận hy sinh, chấp nhận trả giá… và bản tính con người chúng ta thường muốn buông xuôi, muốn tháo lui…

6. Người tín hữu Việt Nam nổi tiếng là sùng kính Đức Mẹ, nhất là siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi. Và khi Lần Chuỗi, chúng ta cùng với Mẹ làm sống lại trong cuộc đời mình cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta theo Chúa gắn bó hơn, hay nói cách khác là chúng ta đang tiến vững vàng trên hành trình niềm tin, chiến thắng trong niềm tin.

7. Nhưng mà chúng ta cầu nguyện với Kinh Mân Côi thế nào?

- Có ông bố khi người bạn đời mất, muốn đi bước nữa nhưng vì mình lớn tuổi, các con lại có địa vị trong xã hội… nên ngại không dám nói thẳng với các con. Cuối cùng ông cũng nói, nhưng nói khéo thế này: “Mỗi tối Bố đọc kinh mà buồn quá, vì xướng “kính mừng” mà chẳng có người thưa… “thánh ma”.

- Còn một cha già lý luận là khi đọc kinh Kính mừng thì phải đọc là: “…ĐCT ở cùng Mẹ” thay vì “ĐCT ở cùng Bà”, vì nếu xưng hô với Đức Maria là “Bà”… ở phần đầu, thì phần sau phải xin là “…cầu cho chúng cháu” chứ không được “cầu cho… chúng con!!!”.

- Điều quan trong là không phải kiếm người thưa “kính mừng” hay “thánh ma”, cũng chẳng phải tìm cách xưng hô là “mẹ” hay là “bà”… mà là khi Lần Chuỗi, chúng ta cần cùng một lúc có những tác động sau đây:

* miệng đọc

* tay lần

* trí suy

* lòng yêu

8. Họ đạo phổ biến tập sách nhỏ Chuỗi Mân Côi, là cuốn TM rút gọn… Ước mong chúng ta đọc, chiêm ngắm, noi gương và nên giống đức Mẹ trong cuộc chiến đức tin… để mỗi ngày trở nên môn đệ Chúa Kitô nhiều hơn, trở nên con của Mẹ. Amen.