12.11.11

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM



Sáng 7.11 vừa qua, trên Quốc lộ 1A, tại tỉnh Bình Thuận, đã có 10 người vô tội chết cháy trong đau đớn vì tai nạn giao thông, khi chiếc xe container húc vào 2 xe khách chạy ngược chiều. Đó là một trong những vụ tai nạn giao thông thảm khốc nhất trong số gần 15 nghìn vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi năm, cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, nhiều hơn số người chết của những cuộc xung đột, chiến tranh, bão lũ, sóng thần, động đất của nhiều nước trên thế giới. Trong vụ tai nạn này, người ta nói nhiều đến cái chết tức tưởi của một cô gái ở tuổi đôi mươi: cô gái trẻ này đã cố nhoài người ra khỏi chiếc xe để tránh lửa, nhưng đôi chân của cô bị kẹt cứng. Cô ta đã khóc lóc van xin mọi người chặt đôi chân mình để lôi cô ra, nhưng không ai làm được. Mọi người đành bất lực nhìn ngọn lửa nuốt trọn nạn nhân.

Nguyên nhân được kể ra trong vụ tai nạn này nói riêng và của những vụ tai nạn giao thông nói chung ở Việt Nam là do những tài xế tắc trách ẩu tả và coi thường tính mạng của người khác, những chủ xe tham lam bóc lột sức lao động của các tài xế khiến họ vừa lái xe vừa ngủ gục trong tay thần chết, những tuyến đường quốc lộ chật hẹp không dải phân cách, những chiếc xe cũ kỹ, chỉ có duy nhất một cửa ra vào khiến cho nhiều người bị kẹt và chết oan do không tìm được lối thoát, một bộ phận cảnh sát giao thông chỉ biết ăn tiền hơn là kiểm tra tình trạng an toàn của các phương tiện giao thông…

Tất cả những điều này dẫn đến những cái chết đớn đau bi thảm, những cái chết oan khiên tuyệt vọng, những cái chết đầy oán hận… không chỉ với những người ra đi mà cho cả những người thân còn đang ở lại.

Nhưng cũng có cái chết thật hào hùng, đẹp ngời như một bài ca ngàn trùng… cho dù đó là bài ca nhuộm thắm máu hồng! Vì đó là cái chết của bậc anh dũng, cái chết cho niềm tin, cái chết vì tình yêu và cái chết đầy ắp niềm hy vọng. Và nhất là vì những cái chết hào hùng đó đã làm trổ sinh đức tin, trổ sinh bình an và trổ sinh hoa trái Tin Mừng, như lời nhận xét đã thành chân lý ngàn đời của Tertulianô: “Sanguis Martyrum, semen Christianorum” - Máu của các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu.

- Cái chết của các vị tử đạo là cái chết cho niềm tin. Chính niềm tin vào Đức Kitô là động lực thúc đẩy các ngài sẵn sàng chịu những khổ đau, bách hại và cả cái chết… Các ngài đã sống cho niềm tin và cũng hiên ngang chết để minh chứng cho niềm tin ấy. Niềm tin được đón nhận, được giữ gìn, được bảo tồn và được phát huy từng ngày từng ngày… trong cuộc sống.

- Cái chết của các vị tử đạo là cái chết vì tình yêu. Tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa, tình yêu trung thành với Giáo hội, tình yêu gương sáng với con cái và tình yêu tha thứ với những người làm hại mình… noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu bằng tình yêu tuyệt vời: “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người hiến dâng mạng sống vì bạn hữu” (Ga 13, 15).

- Cái chết của các vị tử đạo là cái chết đầy ắp hy vọng. Chính trong niềm hy vọng mà các vị tử đạo đã dám chấp nhận đánh đổi cả mạng sống mình với niềm xác tín chắc chắn sẽ được Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời, như lời Người đã tuyên bố: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 11-12).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trở nên hạt giống được gieo vào lòng đất, chịu mục nát, thối đi, để có thể trổ sinh vô số bông hạt đức tin. Các ngài là những chứng nhân đã gieo hạt giống ân sủng trong nước mắt, để hôm nay hứa hẹn một mùa thu hoạch dồi dào: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,5-6).

Là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa cho chúng ta biết luôn sống đức tin kiên vững, biết sống đức cậy bền bỉ và sống đức mến nồng nàn… từng giây từng phút trong cuộc đời… nơi chính môi trường sống của chúng ta. Để rồi, dù cho hôm nay chúng ta không chết vì Chúa Giêsu Kitô như cha ông ngày xưa, thì chúng ta vẫn dám sống cho cho Chúa Giêsu Kitô cách hào hùng theo gương của các ngài. Amen.

5.11.11

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN


KHÔN NGOAN VÀ TỈNH THỨC



Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu khi nào đến ngày tận cùng của thế giới, nhưng Vị Thầy tuyệt hảo đã kể vài dụ ngôn, để hướng chú ý của họ từ chỗ muốn biết thời điểm của ngày tận thế đến việc hệ trọng hơn nhiều là phải thức tỉnh và chuẩn bị tích cực cho ngày Con Người quang lâm.

Với dụ ngôn mười trinh nữ, năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của thái độ tỉnh thức với một tâm hồn quảng đại và mời gọi chúng ta trân trọng gìn giữ “dầu” - Thánh Thần - đầy “bình” là tâm hồn mỗi người chúng ta.

Nước Trời không hệ tại ở một nơi chốn mà là thực tại của sự sống, nơi đó, chúng ta gặp gỡ “chàng rể” Giêsu Kitô. Và chắc chắn Nước Trời sẽ hoàn thành trong ngày Cánh Chung. Dù sao chăng nữa, chúng ta cũng không thể là những khán giả thụ động. Chúng ta phải là những diễn viên thực thụ đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để tham gia tích cực vào công cuộc làm cho Nước Trời mau đến.

Có mười cô trinh nữ nhưng lại chia thành hai nhóm. Tất cả đều được mời gọi đến dự tiệc cưới. Tất cả đều lên đường. Tất cả đều ngủ! Thế nhưng Chúa Giêsu lại xác nhận rằng trong số họ chỉ có 5 cô khôn ngoan, 5 cô còn lại thì khờ dại. Cả hai nhóm đều chờ đợi chàng rể nhưng thái độ của họ lại khác nhau: một đàng thỉ chỉ làm vì buộc phải làm; còn một đàng thì làm với niềm vui và với tâm hồn quảng đại. Thái độ khờ dại là chỉ làm những gì buộc phải làm một cách khiên cưỡng thì thật nhạt nhẽo và vô nghĩa. Trái lại, thái độ khôn ngoan theo Chúa Giêsu thì phảng phất hương thơm của lòng mến, là chiếu dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, là trào dâng sự sống mãnh liệt và sự bén nhạy trước dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Để tỉnh thức, để luôn có thái độ sẵn sàng, chúng ta cần cầu nguyện. Thật thế, những cô khôn ngoan “mang dầu đầy bình”. Dầu là biểu tượng ám chỉ Chúa Thánh Thần, Đấng ban Tình Yêu và là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện, khiến chúng ta có thể kêu lên “Abba, Cha ơi!” (x. Gl 4,6).

Để tỉnh thức, để luôn có thái độ sẵn sàng, chúng ta cần có tình yêu mến. Yêu mến chính là chu toàn lề tuật. Tình yêu giúp ta nhạy cảm khám phá ra những dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời thường. Nhờ yêu mến, chúng ta luôn bước đi cách vững vàng trên hành trình tiến về Nhà Cha.

Để tình thức, để luôn có thái độ sẵn sàng, chúng ta cần có niềm hy vọng.  Hy vọng là cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa là Cha yêu thương hết thảy nhân loại, là Đấng chăm sóc và hướng dẫn cuộc đời mỗi người chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên nền tảng vững vàng là sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Đức Maria là người nữ khôn ngoan và tỉnh thức. Mẹ được đổ tràn Thánh Thần. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của tinh thần cầu nguyện liên lỉ. Mẹ là hình mẫu cho thái độ yêu mến và hy vọng của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy thắp sáng đời mình bằng ngọn lửa tình mến và hy vọng, hãy đong đầy tâm hồn chúng ta Thần Khí Tình Yêu bằng lời nguyện xin tha thiết mỗi ngày. Chỉ có như thế, chúng ta mới xứng đáng nghênh đón “chàng rể” Giêsu trong tiệc cưới Nước Trời.