29.12.11

LỄ THÁNH GIA


Sáng nay, trong Thánh Lễ thiếu nhi, một em thiếu nhi đã cất lên một bài hát thật ý nghĩa của nhạc sĩ Ngọc Lễ: “ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình!”. Vâng, thưa quý ÔBACE rất thân thương. Mừng lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta cần hướng về chính gia đình của mình để thắp sáng gia đình chúng ta, để gia đình của chúng ta trở nên giống như gia đình thánh: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Nhìn vào Thánh Gia, chúng ta gặp được ở đó những bài học thật cụ thể để “thắp sáng gia đình” của chúng ta, và nhờ đó, chúng ta “thắp sáng gia đình” họ đạo và “thắp sáng gia đình” nhân loại hôm nay.

1. Thắp sáng gia đình bằng đón nhận mầu nhiệm:

Trong biến cố Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Tuy nhiên, những người đầu tiên chiêm ngưỡng và đón nhận mầu nhiệm cao vời này chính là Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Trước mầu nhiệm cao cả, hai ông bà đã không khước từ, không lảng tránh, không khiếp sợ; trái lại, hai vị đã tin tưởng, đã phó thác và đã khiêm tốn đón lấy mầu nhiệm vào trong chính cuộc đời mình, cho dù phải đối mặt với bao thử thách và khó khăn. Gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh vào trong cuộc đời mình, cưu mang ấp ủ Chúa trong gia đình mình, để cho Chúa làm trung tâm của gia đình mình.

2. Thắp sáng gia đình bằng sống tình hiệp thông:

Nhìn vào Thánh Gia, chúng ta thấy được mẫu gương tuyệt vời về sự hiệp thông, là hình ảnh sáng ngời của sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: hiệp thông trong tình yêu, hiệp thông qua việc quan tâm săn sóc lẫn nhau, hiệp thông trong thái độ tôn trọng nhau và hiệp thông trong tâm tình cùng nhau lắng nghe và thực thi Thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, trong gia đình của mình. Phần chúng ta, các gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thực thi tình hiệp thông ấy trong đời sống gia đình: hiệp thông giữa vợ chồng, hiệp thông giữa cha mẹ và con cái, hiệp thông giữa các gia đình Kitô hữu trong họ đạo và với mọi gia đình khác nữa, và nhất là cùng nhau hiệp thông với Thiên Chúa.

3. Thắp sáng gia đình bằng thi hành sứ vụ:

Thánh Gia chu toàn sứ vụ của mình cách trọn vẹn. Thánh Giuse chu toàn sứ vụ của người gia trưởng là bảo bọc và thăng tiến gia đình. Mẹ Maria chu toàn sứ vụ của người hiền mẫu là yêu thương và chăm sóc gia đình. Chúa Giêsu chu toàn sứ vụ của người con là luôn vâng phục cha mẹ, ngày càng lớn lên trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Trong khi chu toàn sứ vụ riêng của từng người, từng thành viên của gia đình thánh cùng nhau chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao ban. Như Thánh Gia đã nêu gương sáng ngời, các gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thực thi sứ vụ của mình, của từng thành viên và của cả gia đình, một cách quảng đại và trọn vẹn nhất.

Nếu như mỗi gia đình chúng ta biết đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh, nghĩa là sẵn sàng để cho Chúa Giêsu làm trung tâm của gia đình như Thánh Gia; nếu như mỗi gia đình Kitô giáo biết sống tình hiệp thông với nhau, với cộng đoàn và với Chúa như Thánh Gia; và nếu mỗi gia đình Kitô hữu chúng ta biết nhiệt tâm thi hành sứ vụ của từng thành viên trong gia đình và sứ vụ của cả gia đình trong giáo hội và trong xã hội như Thánh Gia, thì chúng ta có thể tin chắc rằng, mọi gia đình Kitô hữu của chúng ta sẽ được thắp sáng không chỉ như ước nguyện được gởi gắm trong câu hát: “…thắp sáng một gia đình”, mà là “thắp sáng mọi gia đình”.

17.12.11

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

1. “Con sẽ ca ngợi tình thương của Ngài suốt năm canh dài. Con sẽ ca ngợi, con sẽ ca ngợi đến muôn muôn đời”. Đó là lời ca mà cộng đoàn chúng ta vừa xướng lên để ca tụng tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy, tình yêu thương của Thiên Chúa trải dài trong lịch sử của nhân loại, và biến lịch sử với nhiều thăng trầm thay đổi, với nhiều gian dối lọc lừa ấy trở nên Lịch sử cứu độ.

2. Trong bài đọc I, thánh vương David đã mong ước được xây một ngôi Đền Thờ cho Thiên Chúa, vì ngài thấy mình ở nhà bằng gỗ Bá Hưong còn Hòm Bia Thiên Chúa thì vẫn còn ở trong Lều tạm. Khi David nói ra ý định ấy, nghĩa là khi ông quên mình mà nghĩ đến Chúa, thì Chúa lại khẳng định điều ngược lại là chính Chúa mới là Đấng xây Nhà cho David, nghĩa là xây dựng triều đại của David, và triều đại sẽ vững bền mãi mãi. Tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn ý tưởng của con người!

3. Trong bài Tin Mừng, thiếu nữ Nadaret mang tên Maria đã thuận theo ý Chúa, để cho Chúa thực hiện nơi mình ý định yêu thương của Người. Qua đó, Chúa thực hiện trọn vẹn lời hứa với vua David và ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria đã tạo nên bước ngoặc lớn trong lịch sử của nhân loại, vì đó là lời đáp trọn vẹn của con người trước lời đề nghị của Thiên Chúa.
4. Như vậy, kính thưa quý ÔBACE, để ca ngợi tình thương của Thiên Chúa, tôi nghĩ không có gì tốt hơn, không có gì hay hơn, không có gì đẹp lòng Chúa hơn là làm theo gương của vua David và Đức Maria:
- Một là luôn quên mình để nghĩ đến Chúa.
- Hai là luôn thi hành trọn vẹn ý Chúa trong cuộc đời của mình.
5. Thật là vui, vì tôi được sống trong Mùa Vọng đầy ý nghĩa của năm 2011, năm thăng tiến Linh mục của Giáo phận nhà, và nhất là được sự nhắc nhở của vị chủ chăn giáo phận là hãy trở nên 1 ánh sao yêu thương để Chúa có thể đến với muôn dân. Tôi nhận thấy có những ánh sao vẫn đang lấp lánh trên bầu trời của họ đạo chúng ta:
- qua thái độ góp công góp của của các y bác sĩ, những ân nhân đóng góp tiền thuốc cho gần 800 lượt bệnh nhân nghèo trong suốt 3 Chúa Nhật của Mùa Vọng năm nay.
- qua những hy sinh thời gian, tiền của và công sức để làm đèn, trang trí hang đá, trang hoàng khuôn viên Nhà thờ, dọn dẹp vệ sinh... chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh.
- qua những quảng đại đóng góp gạo và tiền để làm quà Giáng Sinh gởi đến những anh chị em nghèo túng chung quanh mình.
6. Những tâm tình và hành động yêu thương ấy chính là những ánh sao tôi nhận thấy được trong họ đạo của mình, bên cạnh cuộc đời mình... và những ánh sao yêu thương đó khiến tôi tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, tôi thầm nguyện ước xin cho những ánh sao yêu thương đó được lan toả, được cộng, được nhân thêm nữa... để mỗi người chúng ta đều là một ánh sao yêu thương trong cuộc sống hôm nay.

10.12.11

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG


Phụng Vụ Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay tràn ngập niềm vui: từ màu hồng của phụng vụ cho đến Lời Chúa trong các Bài sách Thánh.
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia đã loan báo về Đấng Cứu Thế và những công việc tràn đầy an ủi, phấn khởi. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô đã khích lệ mọi người: Hãy vui lên! Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã chỉ cho mọi người cách thức cụ thể để hưởng được niềm vui ấy. Vì thế, Chúa nhật hôm nay thường được gọi là “Gaudete Sundae” - Chúa nhật của niềm vui, hay nói theo lối văn hoa 1 chút thì gọi là “Chúa nhật hồng giữa mùa tím”. Thánh Phaolô nói rất rõ ràng lý do phải vui lên: vì Chúa đã gần đến. Vì khi Chúa đến, Người đem lại cho chúng ta một niềm vui vĩ đại: chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, còn mình là con, được đồng thừa tự với Người Con chí ái là Đức Kitô. Như vậy, Chúa Giêsu là niềm vui; và những lời Người giảng dạy là những Tin Vui. Vì thế, đạo của chúng ta là đạo Tin Mừng. Hai chữ “Tin Mừng” ấy sẽ trở thành trống rỗng và vô nghĩa nếu cuộc sống của người tín hữu không sống trong niềm vui và thể hiện Tin Mừng. Như thế, chúng ta không thể loan báo hay chia sẻ Tin Mừng cho người khác.
Có một câu ngạn ngữ Tây Phương nói rằng: “một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Người Kitô hữu chúng ta không thể không sống vui tươi, vì chúng ta được tháp nhập vào niềm vui cho toàn thể nhân loại là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng bằng một đời sống buồn bã, chán chường!
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn, đó là chúng ta đang sống trong một xã hội dường như có quá nhiều tin buồn. Những tin buồn thiệt hại nhân mạng do thiên tai, nhưng cũng có những tin thật đáng buồn vì “nhân tai” nữa! Chỉ cần liếc sơ qua những trang báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy vô số những tin buồn: tỉ lệ phá thai tăng nhanh, tệ nạn xã hội như hút chích và trộm cắp hoành hành, sự xuống cấp của nền giáo dục chạy theo thành tích, và còn phải kể thêm một vấn đề mà báo chí liệt vào hàng “tệ nạn”, đó là “nạn vô cảm” - để chỉ về những con người do ích kỷ, do hèn nhát, do muốn yên thân... nên đã thờ ơ trước nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại.
Đứng trước thự tế này, tôi thiết nghĩ rằng, người Kitô hữu chúng ta phải là những người loan báo Tin Mừng và đem lại niềm vui.
- Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của hân hoan, phó thác.
- Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá, lường gạt, chúng ta phải loan báo tin mừng của lòng chân thật, vị tha.
- Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn của ích kỷ, nhỏ nhen, chúng ta loan báo tin mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ và cảm thông.
- Giữa một xã hội đầy những tin buồn về sự “vô cảm”, chúng ta loan báo tin mừng của tình liên đới sẻ chia.
Và nếu như chúng ta dám sống, và dám làm chứng cho Đấng Cứu Thế đang đến bằng đời sống tràn ngập niềm vui như thế, thì những lời trong Kinh Hoà Bình sẽ là lời kết thật đẹp cho phần chia sẻ Lời Chúa hôm nay: Lạy Chúa xin hãy dùng con, như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Amen.

3.12.11

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

1. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến việc dọn đường… làm tôi nhớ đến đoạn kết của bộ phim khá nổi tiếng mang tên “Sám hối” do Liên Xô (cũ) thực hiện, trong đó một bà lão hỏi những người đang làm một con đường mới: “Con đường này có dẫn đến nhà thờ không?” Những người làm đường trả lời: “Không!”. Bà lão nói ngay: “Làm đường mà không dẫn đến nhà thờ thì làm đường để làm gì”.

2. Ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy rằng ngày nay người ta rất chú trọng đến việc làm đường, và làm những con đường hiện đại: đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ, đường không… và cả đường điện thoại, đường internet… mà người ta gọi là “xa lộ thông tin” nữa! Những con đường đó giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người với người trong sự hiểu biết, cảm thông và liên đới. Nhưng cũng có một thực tế là có nhiều người đã lợi dụng “xa lộ thông tin” để làm cho những điều xấu lan truyền nhanh hơn, chẳng hạn người ta đưa lên internet những games kích động bạo lực, những quảng cáo mại dâm, những lời tuyên truyền hận thù ghen ghét… Rồi những con đường cao tốc, những con đường hiện đại… thay vì giúp cho con người đến với nhau, thì lại là phương tiện để người ta vận chuyển ma tuý, vũ khí… nhằm tiêu diệt nhau một cách nhanh chóng hơn.

3. Thế nên, vấn đề chính yếu không phải là “làm bao nhiêu con đường”, mà là làm sao để mọi nẻo đường đều dẫn chúng ta đến gần nhau, và nhất là để cùng nhau đến gần Chúa! Nói theo ngôn ngữ của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là phải “sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chính vì thế, con đường quan trọng nhất không phải là đường bộ, đường thuỷ hay đường không… mà là con đường nội tâm. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, là thay đổi đời sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Dọn đường là sám hối. Sửa đường là đổi mới: trong tư tưởng, trong chọn lựa, trong lời nói và trong hành động. Sự đổi mới này không chỉ diễn ra một lần là đủ, mà là một đổi mới liên tục, đổi mới mỗi ngày. Nhưng khổ nỗi là con đường khó làm mới, con đường khó sửa, con đường khó dọn nhất… lại là con đường dẫn vào căn nhà tâm hồn của mình. Bởi vì khi mở con đường này, ta phải chấp nhận bạt đi những núi đồi kiêu căng bằng sự khiêm hạ, lấp đầy hố sâu ích kỷ bằng lòng quảng đại vị tha, uốn lối cong queo giả dối bằng sự trung thực công minh, san phẳng ghồ ghề tật xấu bằng những nhân đức Kitô giáo. Chỉ khi đó, con đường cao tốc - con đường hai chiều mới được hình thành trong cuộc đời ta: để Chúa đến với ta và để ta dễ dàng đến với Chúa và với tha nhân.

4. Vâng,

- Giữa một xã hội ồn ào nhưng trống rỗng, hãy mở cho mình và cho gia đình một con đường của thinh lặng và cầu nguyện để lắng nghe Lời Chúa.

- Giữa một xã hội dư thừa vật chất nhưng lại thiếu thốn những giá trị tinh thần, hãy mở một con đường đến với bàn tiệc thiêng liêng là các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.

- Giữa một xã hội đang ngụp lặn trong ích kỷ và hưởng thụ, hãy mở một con đường quảng đại yêu thương và liên đới sẻ chia.

Và chỉ có như thế, chúng ta mới có thể góp phần nhằm mở ra những nẻo đường mới “để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, mùa cứu rỗi cho mọi nơi”. Amen.