19.2.11

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Có anh chàng nghiện rượu, nhưng lại thích lý sự. Ngày kia cha sở đến nhà khuyên anh ta bỏ rượu chè bê tha để lo cho gia đình. Anh chàng bèn hỏi cha sở: “Theo như cha nói thì rượu là kẻ thù của con phải không, thưa cha?”. Cha sở đáp: “Đúng rồi! Rượu là kẻ thù của anh, nên đừng uống say sưa nữa nhé!”. Anh ta đủng đỉnh: “Mới Chúa nhật rồi, trong bài giảng, cha nói Chúa dạy phải ‘yêu thương kẻ thù’, nghĩa là phải đón nhận kẻ thù! Vậy rượu là kẻ thù của con, con uống rượu là đón nhận kẻ thù… như lời cha giảng, như lời Chúa dạy!!!”. Cha sở: Bó tay!!!

Lập luận trên của anh chàng nghiện rượu là lập luận theo kiểu lý sự “cùn”. Bởi vì kẻ thù mà Chúa muốn nói trong bài Tin mừng hôm nay thật ra là những người làm cho ta đau khổ, những người khiến cho ta bị tổn thương, những kẻ không ưa thích gì ta, những người làm hại ta… Như vậy, lời dạy của Chúa Giêsu “hãy yêu thương kẻ thù” là một lời mời gọi chúng ta biết vượt lên tình yêu tự nhiên - là thứ tình yêu vị kỷ, để yêu thương bằng một tình yêu siêu nhiên - là tình yêu vị tha. Cụ thể, Chúa Giêsu mở rộng chân trời yêu thương tới hết mọi người. Người mời gọi chúng ta phá đổ mọi hàng rào cách ngăn, vượt qua mọi giới hạn để tình yêu thương của chúng ta được chan hoà hơn. Và như thế, không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Đức Kitô nữa. Đây chính là điều mới mẻ và độc đáo của Tin Mừng và là mức độ cao nhất của tình yêu hoàn thiện như Cha trên trời.

Trong thực tế cuộc sống, tình yêu của con người thật giới hạn. Theo quan niệm chung, tình yêu thương cũng phải có qua có lại. Ngay cả anh chị em hay những bà con ruột thịt trong gia đình yêu nhau đã khó, yêu thương những người hàng xóm lại khó hơn và yêu thương kẻ thù thì khó gấp bội. Làm sao chúng ta có thể dung hòa để mang lời Chúa áp dụng vào cuộc sống thực tế đầy đau thương và bất công này? Làm sao chúng ta yêu thương được những kẻ ỷ thế cậy quyền để bóc lột, chèn ép, đối xử bất công với chúng ta? Làm sao chúng ta yêu thương được những người vu khống, chỉ trích, nói hành nói xấu chúng ta? Chỉ cần nhìn thấy bản mặt của họ là thấy ghét, làm sao chúng ta có thể bao dung và tha thứ được, chứ đừng nói đến chuyện yêu thương?!

Chúa Giêsu dịu dàng nhắc nhở: “Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt. 5,45). Đó chính là lý do thứ nhất khiến chúng ta phải hết lòng yêu thương mọi người kể cả những người thù ghét mình.

Kế đến, chúng ta cần yêu thương cả những người thù ghét chúng ta, bởi vì chính chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Giả như Thiên Chúa đối xử với ta như cách ta thường đối xử với tha nhân, thì có lẽ chúng ta đã bị diệt trừ từ lâu rồi. Thật vậy, trong cuộc sống, đã nhiều lần chúng ta là kẻ thù của Chúa khi xúc phạm đến Chúa, chống lại Chúa, thử thách Chúa...

Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài. Phần chúng ta, cho dù khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được tình yêu thương với ơn Chúa trợ giúp. Chính thánh Phaolô đã quả quyết điều này: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng này, đó là Gandhi, người được dân Ấn-độ coi là vị thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động, để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của Tình Yêu. Nhưng mà, chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực mới có thể làm trái tim con người trở nên mềm mại và tràn đầy sức sống.

Chúa Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù để trở thành con cái Cha trên trời. Chúng ta không chỉ trở thành con Cha vào ngày Rửa tội. Chúng ta trở thành con Cha hơn nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày. Amen.

13.2.11

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN - A

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN - A

Suốt đêm 11 rạng sáng 12-2, hàng trăm ngàn người Ai Cập đã đổ ra đường phố thủ đô Cairo để reo hò, vẫy cờ, nhảy múa và thậm chí rơi nước mắt trong niềm vui vô bờ. Bởi vì sau 18 ngày đấu tranh không biết mệt mỏi, họ đã lật đổ chế độ độc tài và tham nhũng của tổng thống Mubarak sau gần 30 năm cầm quyền. Người ta gọi đó là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Ai cập và là sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ, tự do và tiến bộ. Cuộc cách mạng này không chỉ làm chấn động Ai cập và vùng Trung Đông cũng như Phi châu, mà còn tạo nên sự hoang mang nơi các chế độ độc tài khác trên thế giới và làm phấn chấn tinh thần của những nhà đấu tranh cho tự do công bằng và dân chủ.

Vào thời của Chúa Giêsu, người ta cũng hoang mang, cũng xôn xao cũng phấn chấn vì nghĩ rằng đang có một cuộc cách mạng vĩ đại xảy ra, không phải là cách mạng chính trị, mà là cách mạng tôn giáo. Bởi vì trong bài giảng trên núi, người ta có cảm tưởng rằng Chúa Giêsu huỷ bỏ lề luật của Môisê và các tiên tri. Sở dĩ có luồng dư luận như thế là vì những lời nói và hành động của Chúa Giêsu xem chừng quá mới, quá lạ, quá “shock” đối với họ, chẳng hạn như: tuyên bố Con Người làm chủ ngày Sabat; dạy dỗ không nhân danh Môsê, nhưng nhân danh chính mình... Chính những điều này là nguyên nhân khiến cho dân chúng nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để huỷ bỏ lệ luật, và cho rằng Người đang làm 1 cuộc cách mạng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã quả quyết rằng Người đến là để kiện toàn, chứ không phải để huỷ bỏ lề luật.

Lý do mà Chúa Giêsu phải kiện toàn lề luật mà Thiên Chúa đã truyền cho Môisen và các tiên tri là vì theo thời gian, người ta đã thêm thắt hay chi tiết hoá và khiến cho luật bị méo mó, lệch lạc; Hơn nữa, vì lề luật cũng có tính cách tiệm tiến như mạc khải, nghĩa là không thể một lúc, một thời mà luật trở nên hoàn hảo được; không phải vì Thiên Chúa không hoàn hảo, mà vì khả năng của người có giới hạn và bất toàn.

Và vì lẽ đó lề luật chỉ được làm cho trọn hảo trong Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã đến kiện toàn nội dung và tinh thần của Luật.

Trước hết, Chúa Giêsu kiện toàn nội dung của luật: tất cả các khoản luật được lập ra là nhằm mục đích phục vụ con người, chứ không phải phục vụ cơ chế hay quyền lợi của một nhóm người nào. Luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật. Và luật quan trọng nhất, linh hồn của mọi luật, là luật yêu thương.
Kế đến, Chúa Giêsu kiện toàn tinh thần của luật: giữ luật vì tình yêu mến chứ không phải vì hình thức. Thái độ giữ luật vì sợ tội, sợ phạt và vụ luật sẽ biến con người trở thành máy móc và cằn cỗi vì thiếu một trái tim biết rung nhịp yêu thương. Và như thế, luật trở thành một thứ xiềng xích trói buộc con người.

Có thể nói được rằng qua việc kiện toàn lề luật, Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng thực sự. Dĩ nhiên, đây không phải là cuộc cách mạng về chính trị, dân chủ như người dân Ai Cập đã làm trong những ngày qua, mà là cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi ách nô lệ của lề luật và sự chết. Luật Chúa từ nay thành Luật mới, tạo nên con người mới, gia đình mới và xã hội mới - một xã hội bao gồm những con người lương thiện: “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết tôn trọng và tuân giữ luật của Chúa, luật đã được Chúa Giêsu kiện toàn thành “Giới răn mới” và đã trở nên luật của sự sống sung mãn nhờ tinh thần yêu mến. Khi chúng ta tuân giữ Luật Chúa là lúc chúng ta bước vào dòng suối vô tận của tình yêu thương vô biên, khơi nguồn từ Chúa Cha, được tỏ bày cách trọn hảo nơi Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần chuyển thông trong Giáo hội. Vâng, chỉ khi chúng ta chu toàn Luật Chúa với con tim chân thành yêu thương, thì lúc đó chúng ta mới đạt tới sự tự do hoàn toàn và hạnh phúc đích thực.
Xin Chúa giúp cho chúng ta biết chu toàn luật Chúa chỉ vì lòng mến Chúa và yêu người. Amen.