29.5.11

CHÚA NHẬT VI PS

TÌNH YÊU VÀ VIỆC TUÂN GIỮ GIỚI RĂN


1. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu và việc tuân giữ các điều răn của Người có một liên hệ không thể tách rời: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” bởi lẽ “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu đã khẳng định rất rõ ràng như thế trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: yêu là giữ luật, giữ luật là yêu! Và tình yêu như thế mới là tình yêu thật.


2. Chúa Giêsu yêu Chúa Cha nên đã chu toàn thánh ý Cha trong mọi sự. Chúa Giêsu yêu Chúa Cha nên đã chấp nhận hy sinh để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Để có thể yêu Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thực sự “ở trong” Cha của mình. “Ở trong” là “nên một”, là cách diễn tả về mối liên hệ sâu sắc, gắn bó nhất.

3. Trong thực tế của cuộc sống người Kitô hữu, có nhiều trường hợp giữ điều răn Chúa không phải vì yêu mến Chúa, mà chỉ vì sợ bị phạt, sợ xuống hoả ngục, sợ người ta chê cười, sợ cha sở rầy la… hay là chỉ vì thích được tiếng khen. Chẳng hạn như tôi cố gắng đến nhà thờ dự Lễ Chúa Nhật, chỉ vì sợ bị người ta nói là “khô khan nguội lạnh”… nên tôi tự cho mình đến trễ về sớm, thoải mái ngồi góc này góc nọ, vô tư nói chuyện điện thoại hay nhắn tin…


4. Trong thực tế của cuộc sống người Kitô hữu, cũng có nhiều trường hợp yêu Chúa mà không giữ các điều răn của Chúa: chỉ yêu Chúa ở chót lưỡi đầu môi mà thôi, chỉ nói về tình yêu của Chúa nhưng chẳng bao giờ sống tình yêu ấy. Chẳng hạn như trường hợp một người cha trong gia đình dạy con phải đi Lễ Chúa Nhật để chu toàn Luật Chúa nhưng chính mình thì chẳng bao giờ đến Nhà thờ; hay dạy con phải đọc kinh mỗi tối, còn mình thì… xem tivi.


5. Có lẽ Chúa Giêsu cũng biết con người là bất toàn và khó chu toàn được Lề Luật của Người bằng một tình yêu trọn vẹn, nên Người đã ban Thánh Thần, là Đấng bảo trợ, là Đấng đến “ở giữa” và “ở trong” chúng ta, hầu giúp cho chúng ta có thể yêu Chúa bằng một tình yêu thật, nghĩa là một tình yêu được thể hiện qua việc tuân giữ các điều răn của Người.


6. Mà thật ra thì điều răn quan trọng nhất, căn bản nhất mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta chính là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Phải, khi chúng ta yêu thương là chúng ta chu toàn mọi lề luật. Khi chúng ta yêu thương thật, chúng ta sẽ dám chấp nhận hy sinh cho nhau và vì nhau. Khi chúng ta yêu thương thật, thì chúng ta sẵn sàng tha thứ cho nhau và sẵn sàng đón nhận sự tha thứ của tha nhân. Khi chúng ta yêu thương thật, chúng ta sẽ có đủ nghị lực để nâng đỡ nhau, chia sẻ với nhau, đồng hành cùng nhau trong lộ trình tiến về Quê Trời.

7. Cuối cùng, xin mượn lời cầu nguyện trong cuốn Manna để kết thúc bài chia sẻ hôm nay: Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn. Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường. Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

14.5.11

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Vào ngày 8.11.2009, có một Thánh lễ tạ ơn của một “tân linh mục” tại Giáo xứ Vinh Sơn, Q 10, Sài Gòn. Theo thiệp mời thì “tân linh mục” được phong chức bởi “ĐGM” Joseph Sanjurgo, “giáo phận Montago, C.g.”. Và sau đó “tân linh mục” này đã đi “mở tay” ở nhiều nơi… và bị phát hiện là “linh giả”. Rồi mới cách đây ít ngày, tôi nhận được 1 email nói phải cảnh giác vì có một giáo dân vùng Bà Rịa Vũng Tàu đang giả làm linh mục để gạt tiền của nhiều người nhẹ dạ cả tin. Đúng là ở thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, đồ giả, đồ nhái tràn làn, thậm chí chức linh mục cũng “giả” cũng “nhái” được luôn!


Chính vì có chuyện giả thật lẫn lộn, nên chúng ta phải cảnh giác, phải dè chừng. Nhưng mà, thưa quý ÔBACE, không phải đến thời nay chúng ta mới cần chú ý đến chuyện thật giả! Chính Chúa Giêsu ở trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã nói cho chúng ta biết phải phân biệt Mục tử thật và mục tử giả. Chúa Giêsu chính là mục tử thật, mục tử nhân lành, là khuôn mẫu và là tiêu chuẩn để chúng ta có thể dựa vào đó mà phân biệt đâu là mục tử thật và đâu là mục tử giả. Nói một cách khác, hễ thấy ai trong chúng ta, không chỉ riêng các linh mục, mà là tất cả chúng ta, sống như Chúa Giêsu sống, hay ít ra có những nét tương đồng với Chúa Giêsu, thì người đó là mục tử thật!


- Mục tử thật là mục tử biết đàn chiên của mình


Biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết rõ, biết tường tận không những của đàn chiên nói chung mà cả của từng con chiên một. Người mục tử thật là người có thể gọi tên từng con chiên trong đàn. Nghĩa là tương quan giữa người mục tử và chiên là rất gần gũi và thân thiết, đến độ chiên nghe tiếng, biết tiếng và đi theo… giữa biết bao ồn ào của cuộc sống. Người mục tử thật là người đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Đi trước để “dẫn” chứ không phải đi sau để “lùa”. Đi trước bằng lời nói khích lệ, bằng hành vi yêu thương.


- Mục tử thật là mục tử yêu thương đàn chiên của mình


Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chỗ người mục tử chính là cửa để bảo vệ đàn chiên khỏi mọi hiểm nguy và hiện diện giữa đàn chiên để cho chiên được sống và sống dồi dào. Người mục tử thật là người trở thành cửa chuồng chiên. Cửa lối vào duy nhất, nên người mục tử trấn giữ tại đó để bảo vệ đàn chiên của mình. Việc trở thành cửa để bảo vệ đàn chiên thể hiện tình yêu thương của người mục tử thật. Người mục tử thật là người làm cho chiên được sống và sống dồi dào qua việc sẵn sàng tự hiến mạng sống cho đàn chiên. Đây là đỉnh cao của tình yêu, là sự khác biệt rất rõ ràng giữa mục tử thật và mục tử giả!


Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên ngoan hiền của Chúa Kitô, vị mục tử thật, vị mục tử nhân lành, mục tử chính hiệu, qua hai tương quan tình yêu:


Với Chúa Giêsu mục tử: nghe - biết - theo. Nghe tiếng Chúa qua Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Biết Chúa khi siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Theo Chúa khi thực hành các Giới Răn của Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày.


Với các chiên khác trong đàn: hiệp nhất - yêu thương - phục vụ. Hiệp nhất thay cho kết bè kết phái. Yêu thương thay cho ghen tương oán ghét. Phục vụ thay cho những đòi hỏi vô lý nhằm thoả mãn cái tôi của mình.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Chúa. Chúng ta hãy luôn biết trung thành nghe, biết và bước theo Vị Mục Tử thật, vị mục tử nhân lành và tuyệt hảo là chính Chúa, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Chúa ở trần gian. Đồng thời, xin Chúa cũng gửi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Chúa mà biết rõ đàn chiên của mình và hết lòng yêu thương để đàn chiên được sống và sống dồi dào. Amen.