12.6.11

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG



1. Trong sách Sáng Thế ký ghi lại câu chuyện tháp Babel (St 11, 1-8). Khi đó nhân loại muốn cùng nhau xây một tháp cao tới trời. Điều này không chỉ là mong muốn bày tỏ tình hiệp nhất, mà con là một sự thách thức với Thiên Chúa. Kết quả thật thảm hại; nhân loại đã không thực hiện được mong ước ngôn cuồng của mình, mà lý do là vì “ngôn ngữ khác biệt”, vì người ta “không hiểu nhau”! Và câu chuyện Babel năm xưa vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay: trong gia đình, trong họ đạo, trong xã hội, trên thế giới… vẫn còn đó những bất đồng, vẫn còn đó những khác biệt, vẫn còn đó những chia rẽ. Một ví dụ cụ thể đó là trong những tuần lễ vừa qua, thời sự trong nước và khu vực đã nóng lên với những sự kiện xảy ra ở Biển Đông : 2 vụ liên tiếp (ngày 26.5 và 9.6) tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc xâm nhập trái phép và quấy nhiểu phá phách các tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc hải phận Việt Nam. Và hai bên đã có tiếng qua tiếng lại mà lập luận và thông tin trình bày đều khác biệt nhau hoàn toàn. Thật vậy, ngôn ngữ của chính trị, ngoại giao không bao giờ là ngôn ngữ của yêu thương, hòa bình, khoan dung, tha thứ… nên chẳng thể là thứ ngôn ngữ giúp cho mọi người hiệp nhất với nhau.


2. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất. Sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta nghe trong Bài đọc I đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về một biến cố làm xoay chiều lịch sử : dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da… đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp Tin Mừng do các Tông Đồ loan báo. Phêrô và các tông đồ nói bằng tiếng Do thái, nhưng ai cũng hiểu được bằng ngôn ngữ của chính mình. Như vậy, câu chuyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một sự “sửa lại” câu chuyện Tháp Babel ngày xưa. Hiệp nhất thay cho chia rẽ. Đồng thuận thay cho bất đồng. Tình yêu thay cho oán ghét. Hoà bình thay cho chiến tranh.


3. Thế nhưng sau 2000 năm Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vẫn đang miệt mài với công trình xây dựng Nước Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất… dường như nhân loại vẫn chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Dường như con người vẫn thích thứ ngôn ngữ ích kỷ hơn là ngôn từ quảng đại vị tha, thích ngôn ngữ hiếu chiến và gây hấn hơn là ngôn từ hoà bình và hợp tác, thích ngôn ngữ hận thù hơn là ngôn từ yêu thương. Trong thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã có những nhận định rất thẳng, rất thật về hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay như sau : Tình trạng lạm phát, tệ nạn tham nhũng và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia… làm cho đời sống người dân thêm khó khăn. Môi trường sống thiếu vệ sinh và đang bị tàn phá, hệ thống giao thông và y tế yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực… Với Giới trẻ Việt Nam thì chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh… đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích.

4. Vì thế, “Lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao trong thời điểm hiện tại và Lễ Ngũ Tuần phải được thể hiện trong từng tâm hồn, trong từng gia đình, trong từng cộng đoàn và trong mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam hôm nay. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội cũng như trong xã hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những lớp vỏ bọc của sự kiêu căng và tự ái, của sự giả hình và thỏa hiệp, của sự khiếp nhược và bất khoan dung… Nói cách khác, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong xã hội chứ không phải một thế lực hay một trào lưu, một ý thức hệ nào, bởi vì chỉ “trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể” (BĐ II).


5. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay là làm sống động mối liên hệ sâu thẳm và thân tình giữa Thiên Chúa và con người trong Chúa Phục Sinh. Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng ta nỗ lực làm trổ sinh những hoa trái của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 23). Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay còn là cơ hội để chúng ta ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện của hận thù và ghen ghét, của chia rẽ và cách ngăn, của đố kỵ và bất khoan dung nơi chính cuộc sống của mình, nơi gia đình của mình, nơi họ đạo của mình, và trong xã hội chúng ta đang sống. Được như thế thì lễ Chúa Thánh Thần được cử hành hôm nay không chỉ là một lễ kỷ niệm, một sự tưởng nhớ, mà chính là sự nối tiếp biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cách đây gần 2000 trên các Tông Đồ. Và chính vì vậy, chúng ta lại được mời gọi và thúc đẩy “mở tung cánh cửa” của trái tim mình… để đón nhận ngọn lửa Thánh Thần và ra sức dựng xây tình hiệp nhất trong gia đình, trong họ đạo và trong xã hội. Chỉ với sự hiệp nhất trong Thánh Thần, chúng ta mới có thể thực thi cách trọn vẹn lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Bài TM). Amen.