28.8.11

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN



1. Cầm trên tay tờ báo Tuổi Trẻ với 20 trang thông tin thì tôi cũng thấy có 20 trang quảng cáo, mà toàn là những quảng cáo với những mời mọc và hứa hẹn thật hấp dẫn. Rồi đi một vòng thành phố Cần Thơ này, tôi cũng thấy đập vào mắt mình những bảng quảng cáo thật ấn tượng. Mở Tivi lên, tôi lại bị choáng ngợp bởi những mẩu quảng cáo rất lôi cuốn. Những quảng cáo trên báo chí, trên truyền hình… luôn mời mọc chúng ta tìm về những cái được nhanh chóng, những điều thoả mãn, những điều sung sướng, hưởng thụ dễ dàng…


2. Trước những sự kiện này và suy niệm với Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tôi tưởng tượng rằng nếu bây giờ Chúa Giêsu xuất hiện trên báo chí, trên truyền hình, trên internet… và “quảng cáo” rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy”, thì có lẽ chẳng ai thèm nhìn, chẳng ai thèm chú ý, chẳng ai thèm quan tâm!!! Mà đâu có phải ngày hôm nay, ngay cả thời Chúa Giêsu, những người theo Chúa cũng mang trong tim mình quan niệm rất thực dụng: thích những phép lạ, thích được ăn no nê, thích được địa vị, thích được những lợi lộc vật chất… Vậy mà Chúa đã “quảng cáo” như thế, và chắc chắn hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta cách thẳng thắn và chân thành như vậy: Hãy từ bỏ mình, hãy vác thập giá mình hằng ngày, và hãy theo Thầy!


3. Trước hết, Chúa Giêsu đòi hỏi ta phải “từ bỏ mình”. Chúng ta thường dễ dàng từ bỏ cái mình có, chẳng hạn như tiền bạc, vật chất… nhưng thật khó khi chúng ta phải bỏ cái mình là. Khi bỏ cái mình có, thì ta sẽ mất nó hôm nay, nhưng vẫn có thể có lại được nó ngày mai. Nhưng khi bỏ cái mình là, nghĩa là chúng ta phải thay đổi quan điểm sống, thay đổi tầm nhìn về cuộc đời mình. Từ bỏ cái là của mình nghĩa là không lấy mình làm trung tâm mà lấy chính Chúa làm trung tâm của đời mình. Từ bỏ cái là của mình nghĩa là quy về Chúa chứ không quy về mình. Và như vậy, từ bỏ cái là mới là từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự!


4. Kế đến, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy “vác thập giá mình hằng ngày”. Có nhiều người ngày nay coi thập giá đơn thuần chỉ như món đồ trang sức mà thôi. Có nhiều Kitô hữu cũng tôn thờ Thánh Giá… nhưng chẳng mấy ai muốn vác thập giá cả! Vì họ cho rằng nó quá nặng nề. Thật vậy, vác thập giá mình mỗi ngày nghĩa là đón nhận trong tình yêu và lòng kiên trì tất cả những gì đến với mình hôm nay, nhất là những điều mình không ưa, những điều mình không thích, những chuyện đòi mình phải chấp nhận hy sinh. Vác thập giá mỗi ngày ví tựa như người vác một bó củi thật lớn. Chúa biết chúng ta không vác được cùng 1 lúc nên đã chia nhỏ cho từng ngày: “ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).


5. Sau cùng, Chúa Giêsu kêu gọi người môn đệ hãy “theo Thầy”. Chúa Giêsu không bắt ta vác thập giá một mình. Chính Ngài đã vác Thập giá đi trước. Người đi trước để dẫn đường cho chúng ta. Không những thế, Người còn thêm sức cho ta để ta có thể vác thập giá đi theo Người đến cùng. Trong thực tế của cuộc sống, đôi lúc chúng ta cũng như Phêrô, muốn Chúa đi theo mình, chứ không muốn mình bước theo Chúa; muốn Chúa phải thoả mãn những toan tính, những mong ước của mình, hơn là phải uốn lòng mình theo Thánh Ý Người. Như vậy, theo Thầy là đi vào con đường Thầy đã đi: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).


6. Nhiều người trong chúng ta sẽ cho rằng rất khó thực hiện Lời Chúa mời gọi hôm nay, nhất là trong một thế giới luôn đầy dẫy những lời mời mọc và những hứa hẹn có được mọi thứ cách nhanh chóng và dễ dàng. Phải, lời mời gọi của Chúa luôn là một thách đố, nhưng không phải là không thể thực hiện. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Vâng, trong Chúa, chúng ta có thể và có khả năng từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Người. Nhưng trước hết, chúng ta cần ý thức mãnh liệt về lý do mà từ đó, chúng ta dám sẵn sàng từ bỏ chính mình, cả cái có lẫn cái là, dám sẵn sàng kề vai vác thập giá mình mỗi ngày và dám can đảm dấn bước theo Chúa. Lý do đó chính là để chúng ta có được Chúa Giêsu, mà có Chúa Giêsu là chúng ta có tất cả, như xác tín của ĐTC Gioan Phaolô II: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô!” và ĐTC Benedicto XVI khai triển cách rõ ràng hơn: “Các con đừng sợ Chúa Kitô! Người sẽ không lấy mất đi điều gì, mà trái lại, Người sẽ cho các con tất cả. Khi các con tự hiến dâng chính mình cho Người, thì các con sẽ nhận lại được gấp trăm. Phải, đúng thế, hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn cho Chúa Kitô, và các con sẽ tìm được sự sống thật!” Amen.


26.8.11

TÌNH MẸ - LỄ MÔNICA 2011



Tối hôm qua, tôi tình cờ xem được một video clip trong một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, trong đó cậu bé người Mông Cổ Uudam chia sẻ hồn nhiên về ước mơ thú vị của mình: “Em muốn phát minh ra một loại mực đặc biệt, mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành cánh đồng cỏ xanh tươi”. Uudam đã thể hiện tài năng ca hát với hy vọng mẹ sẽ nghe và thấy được em biểu diễn như khi bà còn sống. Mother in the Dream (tạm dịch Giấc mơ về mẹ) là ca khúc mà Uudam chọn biểu diễn với những ca từ mộc mạc nhưng thật đằm thắm như sau: “Trong giấc mơ của con luôn nhắc nhở mình hãy mau đến bên mẹ. Trong giấc mơ mẹ đã đến và đem lại tình yêu và niềm hạnh phúc cho con”. Cậu bé chia sẻ: “Em hát bài hát này rất nhiều lần. Mỗi sáng thức dậy, em lại hát bởi vì em nhớ tới mẹ đang ở trên thiên đường”. Ca khúc đã làm cho ban giám khảo và rất nhiều khán giả nghẹn ngào. Thật vậy, tình yêu của mẹ luôn là điều mà ai trong chúng ta cũng đều ghi nhớ và trân trọng ấp ủ trong trái tim của mình.


Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa về Thiên Chúa bằng một câu thật ngắn gọn nhưng thật đầy đủ ý nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu!”. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu trung thành, là tình yêu cứu độ. Thế nên, tình yêu của Thiên Chúa thì hoàn hảo và là chuẩn mực cho tình yêu của nhân loại. Mà trong mọi thứ tình cảm trên đời, tình mẹ chính là tình yêu thật cao đẹp, vì là hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa một cách gần gũi nhất.


Tình yêu của các hiền mẫu phản ảnh tình yêu Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có tình yêu, không hề có một chút gì oán ghét hận thù. Tình mẹ cũng là một thứ tình cảm chan chứa yêu thương. Trong tình yêu của các hiền mẫu chỉ có sự hiền hoà, sự tha thứ, sự nâng niu trìu mến. Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta yêu mến Ngài. Người mẹ yêu con cái trước khi con cái biết yêu mẹ. Thiên Chúa yêu thương ta không vì giá trị của ta nhưng vì Chúa là tình yêu. Người mẹ yêu con không do người con đó giỏi giang hay giàu sang nhưng đơn giản chỉ vì con là con của mẹ. Chúa yêu thương mọi người, nhất là những ai bé nhỏ yếu hèn. Người mẹ cũng yêu thương từng đứa con, và đứa con bệnh tật yếu ớt, thậm chí là hư đốn lại được yêu thương chăm sóc đặc biệt hơn. Như thế, tình mẹ thật gần với tình Chúa. Giống như tình Chúa, tình mẹ cũng tựa như dòng suối, chỉ biết chảy xuống không ngừng qua năm tháng, dù không nhận được giọt nước nào ngược dòng trở lại biết ơn. Chính vì thế tình mẹ đẹp nhất trong mọi thứ tình cảm trên đời.


Tình mẹ, cũng giống như tình Chúa là một tình yêu trung thành và có sức mạnh cứu độ. Tình yêu trung thành của Thiên Chúa được phản ảnh qua tình yêu trung thành của các hiền mẫu: luôn son sắt trong một tình yêu dù cho có gặp sự bội phản hoặc vô ơn. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cũng được hiện thực hóa trong tình mẹ: mẹ yêu con vô điều kiện và có sức chữa lành những khuyết tật nơi thể lý lẫn trong tâm hồn của từng đứa con. Có thể nói được rằng: trái tim người mẹ là trái tim yêu thương không ngừng nghỉ. Nếu người mẹ chỉ cưu mang con trong lòng chín tháng thì người mẹ tiếp tục cưu mang con trong trái tim suốt cả cuộc đời. Hình ảnh con cái lúc nào cũng đậm nét trong trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ hoà với nhịp sống của con cái. Mẹ vui khi con thành công, khoẻ mạnh. Mẹ buồn khi con gặp rủi ro, thất bại. Mẹ đau nỗi đau của con. Mẹ khổ nỗi khổ của con. Có thể nói lòng dạ người mẹ chỉ đau một lần khi sinh con, nhưng trái tim người mẹ đau đớn, thổn thức, bồi hồi cả đời vì con.

Có lẽ chúng ta đã từng nghe câu chuyện rất ý nghĩa sau:
Một cậu bé sau khi đã giúp cho mẹ nhiều chuyện trong ngày, đã ghi một hoá đơn để yêu cầu mẹ chi trả tiền lương mà theo cậu nghĩ là cậu xứng đáng được hưởng. Trong hoá đơn tính tiền đó, cậu ghi thế này:
- tiền công giữ nhà khi mẹ đi chợ: 5000 đồng.
- tiền công rửa chén giúp mẹ: 3000 đồng.
- tiền công giữ em cho mẹ đi lễ: 5000 đồng.
- tiền công lau nhà tiếp mẹ: 3000 đồng.
- tiền công tưới cây kiểng cho ba: 5000 đồng.
- Tổng cộng 21.000 đồng mẹ đã thiếu nợ con hôm nay!!!
Người mẹ nhận hoá đơn tính tiền với đôi chút ngạc nhiên, nhưng rồi sau phút trấn tĩnh, bà lật phía sau tờ giấy và viết như sau:
- tiền công mẹ cưu mang con 9 tháng 10 ngày: miễn phí.
- tiền công mẹ nuôi con suốt 10 năm nay: miễn phí.
- tiền công những đêm thức trắng khi con đau bệnh: miễn phí.
- tiền công những lần mẹ khóc khi con không vâng lời: miễn phí.
- tiền công bao ngày tháng mẹ chở con đi học: miễn phí…
- Tổng cộng: miễn phí tất cả. Lý do là vì mẹ yêu con!!!
Người mẹ trao lại cho con tờ hoá đơn... sau khi đọc những dòng trên, cậu bé chạy lại ôm mẹ mình trong dòng lệ lã chã rơi vì hạnh phúc: mẹ ơi con hiểu được tình mẹ và con yêu mẹ mẹ ơi!!!


Tình mẹ bao la như biển thái bình. Tình mẹ dạt dào như từng cơn sóng. Và tình mẹ là phản ảnh trung thực của tình Chúa. Tất cả những điều đó được thể hiện cách rõ nét trong cuộc đời của thánh nữ Mônica. Tất cả những điều đó ta thấy được phần nào qua cuộc đời của mẹ chúng ta. Và tất cả những điều đó ta thấy được phần nào qua các hiền mẫu đang hiện diện trong Thánh lễ hôm nay.


Xin tình yêu Chúa ngập tràn trong tim của từng hiền mẫu. Xin tình Chúa thánh hoá tình mẹ. Để:
- Trong một xã hội còn nhiều sa mạc lọc lừa dối gian, tình mẹ như dòng suối mát phát sinh niềm tin tưởng.
- Trong một xã hội còn nhiều mảng tối chán chường buông xuôi, tình mẹ như ánh bình minh khơi lên niềm hy vọng.
- Trong một xã hội còn nhiều nghen ghét hận thù, tình mẹ góp phần xây dựng nền văn minh tình thương.


Chúng ta hãy biết ơn các bà mẹ. Chúng ta hãy trân trọng tình mẹ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho trái tim các bà mẹ luôn là hình ảnh của trái tim Thiên Chúa và tình mẹ luôn là dấu chỉ hữu hình của tình yêu trung thành và cứu độ của Thiên Chúa đã thương ban cho nhân loại. Amen.

21.8.11

BÀI GIẢNG LỄ GIỚI TRẺ CHÁNH TOÀ NGÀY 21.8.2011


1. Đời người ví tựa một cuộc hành trình với biết bao bấp bênh “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh!”. Đời người còn ví như một con đường, được nối kết bằng một chuỗi những dấu chấm là những lựa chọn mỗi ngày, giữa biết bao những giằng co xô đẩy nghiêng ngả của kiếp người. Những bấp bênh, những ngã rẽ trong cuộc đời này khiến những người trẻ đôi lúc cảm thấy mình như con tàu lênh đênh trên đại dương mênh mông mà không biết đâu là bến bờ. ĐTC Bênêđictô XVI, trong khi gặp gỡ giới trẻ thế giới tại Madrid, đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do những “thách đố của thế gian” : chủ nghĩa duy vật chất, hưởng thụ, tương đối và tình trạng thiếu liên đới… Ngài đề nghị các bạn trẻ hãy “bén rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô” để “đứng vững trong niềm tin”. Đồng thời, ngài khích lệ các bạn : “Các con không đơn độc!”, và “Ước chi ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô không bao giờ tắt trong tâm hồn các con!”.
2. Lời mời gọi của ĐTC đã được các bạn trẻ đáp ứng nồng nhiệt, cụ thể qua biến cố khoảng 1 triệu bạn trẻ đang có mặt tại Madrid từ ngày 16 đến ngày 18.8 hôm nay dưới cái nắng nóng lên đến 40 độ của mùa hè Châu Âu. Jean-Baptiste, một bạn trẻ tự xưng mình là “người dân tầm thường” ở Marseille, nói lên lý do có mặt tại Madrid : “Bọn em muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng giới trẻ Kitô Giáo vẫn còn hiện diện, dù gặp rất nhiều khó khăn. Đối với em, làm Kitô hữu là niềm vui, là hạnh phúc… là hàng ngày nghĩ tới người khác và chia san niềm vui cho tha nhân… là phân phát một điều gì đó, và điều gì đó chính là Chúa Kitô ở giữa chúng ta”. Và sự hiện diện của hàng triệu bạn trẻ tại Madrid đã là một bằng chứng hùng hồn về sự cần thiết phải “bám rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô”.
3. Nhưng vấn đề là làm sao chúng ta có thể “bám rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô”, hay nói nôm na là “gắn bó với Chúa Giêsu Kitô” để được “vững mạnh trong niềm tin”, nếu như chúng ta không xác tín một cách cá vị về căn tính của Người. Nghĩa là chúng ta phải trả lời được câu hỏi trong Bài Tin Mừng Chúa Giêsu vừa đặt ra cho các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.
4. Sáng nay, tôi chạy một vòng thành phố Cần Thơ trong 1 giờ đồng hồ để gặp ngẫu nhiên 10 người, có người bán vé số, có người đang đi dạo, có người đang uống cà phê, có người già, có bạn trẻ, có trẻ em… để hỏi 1 câu duy nhất : “ÔBACE có biết ông Giêsu là ai không?”. Các bạn có biết tôi nhận được những câu trả lời thế nào không? Có người tỏ vẻ chẳng quan tâm. Có người trợn tròn con mắt… nhìn tôi như nhìn Maika từ trên trời rơi xuống… rồi lắc đầu bỏ đi… chắc là họ tưởng tôi “tin tin”! Thậm chí có người còn chưởi tôi là “đồ điên” nữa! Nhưng mà cũng có người nói “vô nhà thờ mà hỏi”. Và duy chỉ có 1 người đã giảng cho tôi cả một bài Giáo Lý… về Chúa Giêsu, mà tôi đoán chắc người đó là 1 Giáo Lý Viên!
5. Thưa các bạn, tôi gặp một cách ngẫu nhiên 10 người, mà chỉ có 1 người biết rõ về Chúa Giêsu thôi, nghĩa là chỉ có 10%! Điều này dẫn tôi đến suy nghĩ này, mà chắc cũng là suy nghĩ của các bạn, đó là sau khi đã xác tín như Phêrô “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, thì mình cũng phải làm thế nào, để cuộc sống của mình trở thành một dấu chấm hỏi cho con người thời nay và dấu chấm hỏi này sẽ dẫn họ đến một dấu chấm than : “À, thì ra bạn… là Kitô hữu!”; “À, thì ra bạn là môn đệ của Chúa Kitô!”.
- Giữa một xã hội còn nhiều bất công, hận thù, và việc “ăn miếng trả miếng” được coi như là luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta biết sống yêu thương mọi người, sẵn sàng tha thứ theo Lời Chúa dạy.
- Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi, chán chường và thất vọng, người Kitô vẫn mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta sống lạc quan, hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha yêu thương.
- Giữa xã hội mà sự thành thật với nhau đã trở thành một thứ xa xí phẩm, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống trung thực, sống tử tế với mọi người, kể cả với kẻ ghét mình.
6. Vậy thì, thưa các bạn trẻ rất quý mến, chúng ta hãy cùng nhau lên đường, mang trên vai hành trang của người trẻ để đem Chúa đến cho thế giới hôm nay. Và trong ba-lô của các bạn, tôi xin được đề nghị các bạn đừng quên đem theo 4 chữ Thánh này:
- Thánh Kinh : là Lời hằng sống soi chiếu bước chân các bạn.
- Thánh Thể : là lương thực trường sinh nuôi dưỡng tâm hồn các bạn.
- Thánh Maria : là người Mẹ tuyệt vời ủi an và chở che các bạn.
- Hội Thánh : là cộng đoàn cùng đồng hành với các bạn trong tình hiệp thông.

9.8.11

CHÚA NHẬT 19 TN



1. Trong Kinh Thánh, biển là hiện thân của sức mạnh thù địch với con người, và bão tố không chỉ được xem như một hiện tượng tự nhiên mà là biểu tượng của sự dữ. Còn Thiên Chúa được giới thiệu là Đấng “thống trị biển cả”, chế ngự sự dữ, mà biến cố Chúa Giêsu “đi trên mặt biển” được thánh Matthêu tường thuật hôm nay là một minh chứng.


2. Từ nhận định này, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao Chúa Giêsu lại bắt buộc các môn đệ nhanh chóng xuống thuyền vượt biển sang bờ bên kia, cho dù là màn đêm đã buông xuống, cho dù thấy trước những nguy hiểm rình chờ.
- Chắc hẳn là Chúa Giêsu không muốn các đồ đệ của mình “ngủ say trong chiến thắng” sau phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều. Có lẽ sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, tâm lý chung của các môn đệ là muốn được nghỉ ngơi thư giãn để nhấm nháp vị ngọt ngào của sự kiện vô tiền khoáng hậu khi phép lạ xảy ra ngay trên đôi tay của mình. Và lẽ dĩ nhiên là các ông muốn được nghe những lời khen tặng, những lời tâng bốc đến tận mây xanh của đám đông dân chúng đang cuồng nhiệt.
- Rồi hẳn nhiên Chúa Giêsu cũng không muốn các môn đệ bị sa vào cơn cám dỗ được vinh hoa lợi lộc khi đám đông dân chúng muốn tôn Người lên làm vua! Trong suy nghĩ của dân chúng, việc tôn ông Giêsu này lên làm vua thật là hợp lý, trước hết là vì cứ mỗi ngày ông Giêsu làm 1 phép lạ thôi thì… “quá đã” rồi! Ông giải quyết cho cả 10 ngàn người ăn… một cái vèo… thì chuyện đánh đuổi quân La mã đô hộ… dễ như trở bàn tay! Và lúc ấy, các môn đệ sẽ lên hàng… khanh tướng!
- Và hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn muốn các ông dám chấp nhận đương đầu với sự dữ, với niềm tin nguyên tuyền vào Đấng Cứu Thế. Hình ảnh con thuyền vượt biển cả, đương đầu với sóng dữ trong đêm tối gợi trong cho chúng ta về những gian nan thử thách trong cuộc chiến chống lại ma quỷ và thế lực sự dữ mà Chúa đã khai mở và mời gọi các môn đệ bước theo. Người yêu cầu họ phải dám dấn thân, dám lên đường, dám sẵn sàng đối diện, chiến đấu và chiến thắng sự dữ như là mục tiêu quan trọng trong sứ vụ của mình.


3. Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ về lòng tin và sự dấn thân với lòng tin trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Lòng tin của chúng ta là gì, nếu không phải là tin vào Thiên Chúa toàn năng và ơn cứu độ của Ngài. Tin là phải như Phêrô: dám nhảy vào khoảng không, dám bước ngay xuống nước để đến với Chúa. Tin là một sự liều lĩnh, là một duộc phiêu lưu, nhưng không phải là sự liều lĩnh và phiêu lưu trong tuyệt vọng, mà tràn đầy hy vọng, vì tin tưởng chắc chắn Chúa luôn ở bên cạnh và luôn đỡ nâng mình.


4. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy cuộc đời mình trong hình ảnh của Phêrô: khi ông tin tưởng và chỉ nghĩ đến Chúa, chỉ dựa vào sức mạnh của Chúa, thì ông có thể đi trên mặt nước. Nhưng khi ông nghi ngờ, chỉ nghĩ đến mình, thì ông bị chìm xuống. Và khi ông hướng về Chúa mà kêu cứu: “Lạy Chúa, xin cứu con!” thì Chúa liền giơ tay để đỡ nâng ông. Tự sức mình, chúng ta cảm thấy yếu đuối, bất lực trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, trước sự dữ lan tràn trong cuộc đời này. Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến Chúa, cậy dựa vào sức mạnh toàn năng của Người và kêu cầu Người, thì chắc chắn Người sẽ nâng chúng ta lên.


5. Thực tế của đời sống Giáo hội cũng như là cuộc đời của mỗi người trong chúng ta hôm nay cũng giống như cảnh chiếc thuyền đang lênh đênh trên biển cả và tựa như hình ảnh của Phêrô đang đi trên mặt nước đầy bão giông. Đứng trước bối cảnh đó, chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu, hãy bám chặt vào Người, hãy tin tưởng tuyệt đối vào Người, hãy kêu cứu Người trợ giúp chúng ta. Niềm tin vào Chúa Giêsu phải là động lực thúc đẩy chúng ta bước vào trong cuộc trần này, với chọn lựa đứng về phía chính nghĩa, đứng về phía công lý của Chúa để chống lại cái xấu, các ác đang xảy ra trong chính tâm hồn mình và ngay trong xã hội hôm nay dưới vô vàn hình thức.


6. Có lẽ chúng ta cũng như Phêrô, hăng hái lắm, nhiệt thành lắm khi sẵn sàng bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước cho “hoành tráng”, bước ra khỏi cuộc đời mình để sống yêu thương, sống cho những giá trị cao đẹp, sống cho công lý và hoà bình… nhưng cũng như Phêrô, lắm khi chúng ta mới thấy cơn sóng chập chờn là đã phát run lên rồi, mới thấy đe doạ đây đó là ta đã rụt cổ lại rồi, mới thấy khó khăn chút ít là ta đã thấy chán nản rồi… Như vậy, vấn đề là chúng ta đang thiếu niềm tin thôi!!! Vâng, hãy tin tưởng tuyệt đối rằng Chúa đang ở cùng ta. Và với Chúa ta hành động, trong Chúa ta dấn thân, cùng Chúa ta lên đường… xây dựng Nước Trời mai sau ngay trong cuộc đời hôm nay. Amen.

8.8.11

CHÚA NHẬT 18 TN - A


1. Trong bài TM, các môn đệ đứng trước một vấn đề xã hội nan giải: vì theo CG và nghe Người giảng mà 5000 người đàn ông, không kể đàn bà con nít đang đói. Đây là một nhu cầu có thực, cần giải quyết nhưng lại quá sức tưởng tượng của các môn đệ. Vậy mà CG lại ra lệnh cho các ông: “Chính các con hãy cho họ ăn!”. Hình ảnh này làm chúng ta liên tưởng đến hoàn cảnh của Giáo hội trong môi trường xã hội Việt Nam hôm nay: Giáo hội chỉ là thiểu số bé nhỏ, chỉ chưa tới 10% trên tổng số dân Việt, và chỉ chưa tới 4% trong số dân chúng tại địa bàn của Giáo phận Cần Thơ chúng ta. Cũng như các môn đệ ngày xưa, người Kitô hữu hôm nay đang đứng trước vấn nạn là: niềm tin của chúng ta có mang lại điều gì tốt đẹp cuộc đời này và niềm tin đó có giúp cho xã hội được tốt đẹp hơn hay không? Câu trả lời thật là rõ ràng và dứt khoát: niềm tin Kitô giáo không phải là 1 mớ lý thuyết suông, cũng không là điều gì đó trên mây trên gió, trái lại, niềm tin Kitô giáo phải đụng chạm đến chính cuộc sống này, phải là giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề của con người và xã hội trong mọi thời đại.


2. Một cách rất cụ thể, những vấn đề của xã hội Việt Nam chúng ta đang sống xem chừng như rất trầm trọng, rất cấp bách thậm chí là rất nguy hiểm! Trong thư hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 của HĐGMVN gởi toàn thể dân Chúa đã đưa ra những nhận định này là ngoài những lợi ích đo việc toàn cầu hoá, sự tăng trưởng kinh tế… mang lại, thì xã hội Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách đố, hay đúng hơn là những vấn nạn như tình trạng lạm phát, tham nhũng, hối lộ… mang tính cơ chế; việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với tài nguyên quốc gia, tình trạng ô nhiễm môi trường, hố phân cách giàu nghèo càng thêm sâu rộng, giao thông và y tế yếu kém, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng độc quyền dẫn đến sự bất công trong xã hội, chủ trương giáo dục duy vật dẫn đến sự hẹp hòi trong nhân cách, căn bệnh thành tích và gian dối trong thi cử…


3. Đứng trước những vấn đề nan giải trong xã hội hôm nay, có khi chúng ta cũng có chung tâm trạng của các môn đệ ngày xưa: cảm thấy mình “bó tay”, thấy ngoài tầm kiểm soát của mình, thấy mình không có khả năng, thấy mình bất lực!
- Cũng giống như các môn đệ, lý do khách quan của sự kiện là trời thì tối, làng mạc thì xa… Trời tối rồi, bóng đêm sự dữ và sự ác dường như đang tràn ngập, ngoài sức tưởng tượng của ta. Làng mạc lai xa xôi, quê hương của chân lý, của công bằng, của bình an, của hạnh phúc dường như xa vời vợi… đến nỗi tưởng chừng như ảo tưởng!
- Cũng giống như các môn đệ, lý do chủ quan là chúng ta không có khả năng, chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Sức con người có hạn khi đứng trước trùng trùng bất công, gian tà, o ép, hạn chế đủ đường… hay nhẹ nhàng hơn như Đức Hồng Y GB. PMM chia sẻ: “Tự do mà chúng tôi cần thì như cái mâm, còn tự do chúng tôi có thì chỉ bằng cái dĩa!”.


4. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người tin Chúa, những người môn đệ của Chúa biết vượt qua nghi ngại, vượt qua sợ hãi, vượt qua xao xuyến của tình trạng “bó tay” này, nhờ một xác tín sâu đậm rằng có Chúa ở với mình. Dù là chúng ta chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thật là nhỏ nhoi, nhưng chúng ta cũng như các môn đệ quên 1 điều quan trọng là “có Chúa ở cùng”. Mà có Chúa là có tất cả!!!
- Trường hợp của Môisen, người chăn chiên trong sa mạc Madian, Chúa sai ông đi làm 1 điều không tưởng là giải phóng dân Do thái khỏi ách nô lệ Ai cập, với chỉ một lời hứa: “Ta ở cùng ngươi”.
- Trường hợp của Đức Maria, một thiếu nữ tại làng quê Nagiarét, Chúa mời gọi cộng tác vào Mầu Nhiệm Nhập thể của Con Người, một điều quá sức tưởng tượng của con người, cũng với chỉ một lời hứa: “Thiên Chúa ở cùng bà”.
- Trường hợp của thánh Phaolô, sau một đời bôn ba rao giảng Tin Mừng, sau khi ý thức về sức mình và sức Chúa, đã chia sẻ một cảm nghiệm sâu sắc rằng: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.


5. Vậy thì, thưa quý ÔBACE rất quý mến,


- Khi chúng ta cảm thấy mình cũng như Giáo hội “bó tay” trước sự dữ, sự ác đang ngập tràn, trước những vấn đề xã hội tưởng chừng như vô phương giải quyết, chúng ta hãy xác tín rằng “Chúa ở với ta”.
- Khi chúng ta cảm thấy mình cũng như Giáo hội chỉ là phần nhỏ bé không có tiếng nói và khả năng của chúng ta thật là hạn hẹp, thì chúng ta cũng đừng ngần ngại trao vào tay Chúa cái nhỏ bé, cái hạn hẹp của chúng ta.
Xác tin Chúa luôn ở cùng ta. Đừng giữ lại, đừng thủ thân. Hãy đặt cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương của Chúa. Hãy trao cho Chúa trọn vẹn niềm tin, tâm tư, trái tim và trọn cả cuộc sống chúng ta, như lời bài thánh ca mà tôi xin mời tất cả cộng đoàn cùng hát lên để cầu nguyện với Chúa thay cho Lời nguyện giáo dân của Chúa Nhật 18 thường niên hôm nay:
Này đây Chúa ơi con hiến dâng cho Ngài, niềm tin tâm tư cùng trái tim nồng cháy. Từ đây hăng say theo bước chân của Ngài, trung kiên làm chứng cho Nước Trời, thắp lên hạnh phúc cho muôn người.
a. Ôi đau thương những tâm hồn ngày đêm trông mong tìm nhan Chúa. Ðang bơ vơ kiếp đơn nghèo, cuộc sống quá đắng cay lầm than. Cuộc đời đầy những thở than, tiếng khóc chất chứa trong muôn vàn. Xin cho con đến ủi an, đỡ nâng mong quên đi cơ hàn.
b. Trong tâm tư biết bao người ngày đêm cô đơn buồn không nói, nhưng ai đâu đến với họ để hát tiếng hát của niềm vui. Vì nhiều người vẫn nghèo đói, thế giới thiếu vắng bao nụ cười. Xin cho nhau những tình thương sớm mai cơn mê đã tan rồi.