28.4.12

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH


Mục tử thật

Vào ngày 8.11.2009, có một Thánh lễ tạ ơn của một “tân linh mục” tại Giáo xứ Vinh Sơn, Q 10, Sài Gòn. Theo thiệp mời thì “tân linh mục” được phong chức bởi “ĐGM” Joseph Sanjurgo, “giáo phận Montago, C.g.”. Và sau đó “tân linh mục” này đã đi “mở tay” ở nhiều nơi… và bị phát hiện là “linh mục giả”. Rồi mới cách đây ít ngày, tôi nhận được 1 email nói phải cảnh giác vì có một giáo dân vùng Bà Rịa Vũng Tàu đang giả làm linh mục để gạt tiền của nhiều người nhẹ dạ cả tin. Đúng là ở thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, đồ giả, đồ nhái tràn làn, thậm chí chức linh mục cũng “giả” cũng “nhái” được luôn!
Chính vì có chuyện giả thật lẫn lộn, nên chúng ta phải cảnh giác, phải dè chừng. Nhưng mà, thưa quý ÔBACE, không phải đến thời nay chúng ta mới cần chú ý đến chuyện thật giả! Chính Chúa Giêsu ở trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã nói cho chúng ta biết phải phân biệt Mục tử thật và mục tử giả. Chúa Giêsu chính là mục tử thật, mục tử nhân lành, là khuôn mẫu và là tiêu chuẩn để chúng ta có thể dựa vào đó mà phân biệt đâu là mục tử thật và đâu là mục tử giả. Nói một cách khác, hễ thấy ai trong chúng ta, không chỉ riêng các linh mục, mà là tất cả chúng ta, sống như Chúa Giêsu sống, hay ít ra có những nét tương đồng với Chúa Giêsu, thì người đó là mục tử thật!
- Mục tử thật là mục tử biết đàn chiên của mình
Biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết rõ, biết tường tận không những của đàn chiên nói chung mà cả của từng con chiên một. Người mục tử thật là người có thể gọi tên từng con chiên trong đàn. Nghĩa là tương quan giữa người mục tử và chiên là rất gần gũi và thân thiết, đến độ chiên nghe tiếng, biết tiếng và đi theo… giữa biết bao ồn ào của cuộc sống. Người mục tử thật là người đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Đi trước để “dẫn” chứ không phải đi sau để “lùa”. Đi trước bằng lời nói khích lệ, bằng hành vi yêu thương.
- Mục tử thật là mục tử yêu đàn chiên của mình
Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chỗ người mục tử chính là cửa để bảo vệ đàn chiên khỏi mọi hiểm nguy và hiện diện giữa đàn chiên để cho chiên được sống và sống dồi dào. Người mục tử thật là người trở thành cửa chuồng chiên. Cửa lối vào duy nhất, nên người mục tử trấn giữ tại đó để bảo vệ đàn chiên của mình. Việc trở thành cửa để bảo vệ đàn chiên thể hiện tình yêu thương của người mục tử thật. Người mục tử thật là người làm cho chiên được sống và sống dồi dào qua việc sẵn sàng tự hiến mạng sống cho đàn chiên. Đây là đỉnh cao của tình yêu, là sự khác biệt rất rõ ràng giữa mục tử thật và mục tử giả!
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên ngoan hiền của Chúa Kitô, vị mục tử thật, vị mục tử nhân lành, mục tử chính hiệu, qua hai tương quan tình yêu:
Với Chúa Giêsu mục tử: nghe tiếng - nhận biết - bước theo. Nghe tiếng Chúa qua Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Biết Chúa khi siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Theo Chúa khi thực hành các Giới Răn của Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày.
Với các chiên khác trong đàn: hiệp nhất - yêu thương - phục vụ. Hiệp nhất thay cho kết bè kết phái. Yêu thương thay cho ghen tương oán ghét. Phục vụ thay cho những đòi hỏi vô lý nhằm thoả mãn cái tôi của mình.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Chúa. Chúng ta hãy luôn biết trung thành nghe, biết và bước theo Vị Mục Tử thật, vị mục tử nhân lành và tuyệt hảo là chính Chúa, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Chúa ở trần gian. Đồng thời, xin Chúa cũng gửi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Chúa mà biết rõ đàn chiên của mình và hết lòng yêu thương để đàn chiên được sống và sống dồi dào. Amen.

Bài Giảng CN III PS - Năm B

Chứng Nhân Phục Sinh
 
1. Cha ơi… chỉ cho con coi… con ma nó thế nào… mà sao sáng nay gia đình con đi vắng mà con hổng sao ngủ được, thức luôn từ 2giờ đến sáng! Thế đấy, thưa quý ÔBACE, dù không thấy ma thế nào, nhưng nhiều người, không chỉ là các em nhỏ, mà cả người lớn nữa, cũng sợ “ma”. Sự kiện con người “sợ ma” đâu phải thời nay, mà thời nào cũng có, mà hình như thời các tông đồ, các ngài “sợ ma” nhiều hơn thì phải! Ở trong Tin Mừng, chúng ta thấy các tông đồ thấy Chúa đi trên mặt biển cũng hoảng hốt la lên “ma kìa!”, thấy Chúa Phục Sinh hiện đến cũng tưởng thấy ma!
2. Và thật tội nghiệp cho Chúa Phục Sinh, phải dùng nhiều cách để làm cho các ông tin: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Đồng thời Chúa Phục Sinh chỉ cho các tông đồ thấy đâu là lý do khiến họ không nhận ra Người: đó là sự hoảng hốt và ngờ vực! Hay nói cách khác, lý do khiến các tông đồ không nhận ra Chúa, cứ tưởng Người là “ma”, là vì các ông kém lòng tin. Các ông không tin Chúa đã phục sinh. Các ông không hiểu về thân xác sau khi sống lại của Chúa ra sao. Và có thể nói được rằng các tông đồ đã thiếu niềm tin vào tín điều mà chúng ta tuyên xưng: “xác loài người sống lại”.
3. Muốn vượt thắng khỏi nỗi sợ “ma”, nghĩa là muốn có được niềm tin thực sự mạnh mẽ nơi Chúa Phục Sinh, trước hết chúng ta cần mở lòng ra để đón nhận sự bình an của Người. Bình an không phải là bình lặng, cũng chẳng phải là yên ổn… mà là sự can trường của Chúa Phục Sinh ban tặng giúp cho ta can đảm đối diện với những khó khăn trong cuộc đời…
4. Kế đến, chúng ta cần mở trí để am hiểu Lời Chúa, vì Lời Người là ngọn đèn soi bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta. Có 1 cậu bé rất sợ bóng tối, vì luôn ám ảnh bóng tối có ma. Một ngày nó, cha cậu sai cậu ra chuồng vịt để cho đàn vịt ăn đêm, cậu ta hoảng sợ. Cha cậu đưa cho 1 cây đèn, và nói: “Con cầm cây đèn này, rồi nói cho cha biết là con thấy tới đâu?” Cậu trả lời: “Con thấy tới sân”… và cứ thế, ngọn đèn soi lối cho cậu thực thi mệnh lệnh của cha.
5. Chỉ có như thế, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng cho Chúa Phục Sinh trong cuộc sống hằng ngày. Một cuộc sống mang lại hoà bình cho tha nhân, một cuộc sống am hiểu và sống Lời Chúa, một cuộc sống vui tươi và một cuộc sống tràn ngập yêu thương… chính là những lời minh chứng hùng hồn nhất cho sự kiện Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cuộc đời hôm nay.

15.4.12

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH


VÔ CẢM - XÓT THƯƠNG

1. Hiện nay, hình như nhiều người đang mắc bệnh vô cảm:
- Mới đây, dư luận xôn xao về vụ thảm sát, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) do một thiếu niên chưa đến 18 tuổi! "Kẻ vô cảm" đã giết ba mạng người… vậy mà ra toà… mặt vẫn lạnh như tiền! Thật là vô cảm.
- Tháng 3 vừa qua, cư dân mạng xôn xao với đoạn video clip quay một nữ sinh tại Hà Nội bị đánh, chỉ với một lý do đơn giản: “Thằng anh mày dám chửi tao nên tao đánh mày!”. Trong khi bạn bè xung quanh đông nghịt đứng cổ vũ nồng nhiệt: “Xé áo nó đi!”, “Nhẹ thế!”, “Đánh đi nhanh lên!”, “Giựt tóc nó đi!”…
- Có thầy giáo tâm sự: “Những khóa học sinh trước dù đã ra trường lâu rồi nhưng khi gặp lại thầy cô vẫn chào hỏi, nhưng bây giờ nhiều học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhìn thấy thầy cô thậm chí còn tảng lờ, coi như không nhìn thấy”.
-  Nhiều cán bộ đã giàu sang nhưng vẫn tìm cách cướp đất của dân, đuổi dân đi chỗ khác để lấy những mảnh đất đẹp chia nhau như vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn, Tiên Lãng và nhiều nơi khác. Trên các báo có đưa nhiều tin về những người bị lấy đất nhưng không được giải quyết thỏa đáng, có người liên tục mấy năm phải đội đơn đi kêu mà không ai giải quyết.
- Có những cán bộ giải quyết chính sách đã ăn chặn của những thương binh, những gia đình chính sách, của những người tàn tật , những gia đình hộ nghèo như báo chí đã từng nêu lên.
- Có người đang chạy xe bị giựt giỏ, tiền bay tứ tung, nhiều người chạy đến, có cả những người dừng xe lại lượm, tưởng là giúp nhặt lại của rơi, ai dè… là người hôi của. Thật là “Phố chợ đất hẹp người đông, Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”.
- Và còn biết bao nhiêu câu chuyện về căn bệnh vô cảm của con người hôm nay, đến độ, khi tôi tìm kiếm trên google với từ chìa khoá “bệnh vô cảm”, thì chỉ trong vòng tích tắc (0,18 giây), đã cho 2.440.000 bài báo nói về đề tài này!!!
2. Đứng trước “căn bệnh” xã hội này, có nhiều nguyên nhân được nêu ra, chẳng hạn như nền giáo dục xuống cấp, con người đánh mất lòng tin, thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, vô tâm vô tình trước đồng loại, sống theo chủ nghĩa “mackeno” và chủ nghĩa thực dụng…
Tuy nhiên, những nguyên nhân trên chỉ là phần nỏi của 1 nguyên nhân sâu xa hơn, như lời của một nhà văn Nga đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương". Vâng, người ta vô cảm đơn giản bởi vì người ta không có lòng thương xót!!!
3. Tôi chợt nghĩ, nếu Chúa Giêsu Phục Sinh mà mắc bệnh “vô cảm” thì Phêrô, Tôma và các tông đồ… chết chắc!!! Nhưng thật may mắn cho các tông đồ, mà cũng rất may mắn cho mỗi người chúng ta là Chúa Giêsu không có mắc bệnh vô cảm, trái lại, Người là Đấng giàu lòng thương xót: Người không kết án nhưng tha thứ, Người không trách móc nhưng dạy dỗ, Người không tức giận nhưng yêu thương! Trong Bài Tin Mừng, đứng trước sự phản bội, sự chạy trốn, sự cứng lòng… vậy mà Chúa Phục Sinh vẫn đón nhận, nên đã hiện ra để trao ban bình an, để củng cố niềm tín thác của các tông đồ vào Người. Niềm tín thác đó được thể hiện mạnh mẽ nhất trong lời tuyên xưng của Tôma: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Lời này tương tự như lời khẩn cầu của chúng ta trước Lòng Thương Xót của Chúa: “Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa!”.
4. Khi chúng ta cầu nguyện “Lạy Đấng chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”, hoặc khi chúng ta Rước Kiệu tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa, hay khi chúng ta tham dự Thánh Lễ Kính Lòng Chúa xót thương, thì chúng ta được mời gọi sống 2 điểm đặc biệt này:
- Một là sống tâm tình tạ ơn Chúa vì Người đã thương xót chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, và lòng thương xót ấy xóa tội lỗi chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Giao hoà và tháp nhập chúng ta vào sự sống vĩnh cửu khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh thể.
- Hai là chúng ta cũng biết thương xót như Chuá đã xót thương: trong gia đình, ở khu xóm, nơi công sở, giữa chợ đời… Chúng ta phải là những người mẹ có trái tim của Thiên Chúa và là Thiên Chúa có trái tim của người mẹ! Nghĩa là chúng ta cần có trái tim mềm mại, dịu dàng, biết yêu thương tha thứ và có sức mạnh cứu độ!
Vâng, con người hôm nay đang cần có những trái tim biết thương xót chứ không cần những đám cưới bạc tỉ, cũng chẳng cần những lễ hội hoành tráng… Chỉ có trái tim và tấm lòng xót thương người như Chúa đã thương xót ta thì mới có thể loại trừ được căn bệnh vô cảm ở ngay trong chính cuộc sống của mình và ở trong xã hội hôm nay.
5. Cuối cùng, chúng ta chạy đến với Mẹ, nhờ Mẹ mà đến với Chúa: Salve Regina, Mater misericordia… Lạy nữ vương, Mẹ nhân lành… cầu cho chúng con. Amen.