29.1.12

ĐẤNG THÁNH - THẦN Ô UẾ


1. Bài TM chúng ta nghe hôm nay đề cập tới một vấn đề vừa quen vừa lạ, vừa mới vừa cũ vừa xem ra có vẻ hấp dẫn với nhiều người nhưng cũng có thể gây nhàm chán với những người khác. Vấn đề ở đây chính là sự hiện diện của ma quỷ và cách thế loại trừ chúng.

Vấn đề này vừa quen vừa lạ vì rằng ai cũng đã từng nghe qua nhưng chẳng mấy người hiểu cho thấu đáo. Vấn đề này vừa mới vừa cũ vì nó luôn mang tính thời sự với những hiện tượng ngay trong dòng đời, nhưng cũng là hiện tượng có từ thuở tạo thiên lập địa… khi ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của con rắn là Satan. Vấn đề này hấp dẫn nhưng cũng có thể là nhàm chán vì:

- Trong thời buổi khoa học văn minh hiện nay, người ta dùng khoa học và kỹ thuật để giải thích mọi hiện tượng, và cái gì khoa học không giảo thích được thì người ta coi đó là không có thật, nên chuyện ma quỷ sẽ là chuyện hoang đường nhàm chán.

- Nhưng cũng trong thời buổi này, có rất nhiều người lại chạy theo những hiện tượng xem ra là thần bí vì tính hiếu kỳ, hoặc thậm chí còn có những nhóm tôn giáo thờ satan, thậm chí còn có ban nhạc tự cho mình đang chuyển tải những thông điệp của satan qua những bài hát mình trình bày nữa.

2. Ở trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ma quỷ bị vạch mặt chỉ tên là “thần ô uế”, như một thế lực đối nghịch với “Đấng Thánh”.  Như vậy, dựa vào Lời Chúa, chúng ta có thể có đưa ra 2 khẳng định này: 

- Một là ma quỷ, còn gọi là “thần ô uế” là có thật, và ma quỷ có thể gây ảnh hưởng trên con người, như: quấy, phá, hành, hại, ám và nhập.

- Hai là Chúa Giêsu Kitô là “Đấng Thánh” mạnh hơn “thần ô uế” và Người dùng uy quyền của mình xua đuổi nó, hầu làm cho người đang bị thần ô uế khống chế được tự do.

3. Như vậy, khi đứng trước những hiện tượng kỳ lạ xảy ra, thì đừng vội vàng tin là ma ám hay quỷ nhập rồi hốt hoảng, hoang mang lo sợ…, mà trước hết phải cẩn trọng xem xét coi đó có phải do tâm bệnh, do thần kinh hay không. Rồi sau khi đã cẩn trọng cân nhắc với sự hướng dẫn của chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần… thì chúng ta hãy xác định là do ma quỷ. Nhưng ngay khi biết chắc chắn những hiện tượng kỳ lạ do ma quỷ, thì chúng ta cũng không có gì phải xao xuyến và sợ hãi, vì chúng ta vững tin vào quyền năng của Chúa sẽ giải thoát chúng ta.

Và kính thưa quý ÔBACE, điều quan trọng nhất chính là phải nhìn lại cuộc đời của mình để xem coi mình đang sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, hay đang sống trong sự khống chế của ma quỷ? Và nói theo ngôn từ của Lời Chúa hôm nay, thì cái gì “ô uế” là thuộc về “thần ô uế”, cái gì “thánh thiện” thì thuộc về “Đấng Thánh”: Thiên Chúa là sự thật thì ngược lại ma quỷ là dối gian; Thiên Chúa là sự sống thì ngược lại ma quỷ là sự chết; Thiên Chúa là hoà bình thì ngược lại ma quỷ là hận thù; Thiên Chúa là tình yêu thì ngược lại ma quỷ là ghen ghét.

Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta chỉ thật sự thoát khỏi sự khống chế của “thần ô uế”, của ma quỷ, để có thể sống trong tự do hoàn toàn của con cái Thiên Chúa… khi chúng ta nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, biết dùng Lời uy quyền của Chúa và các Bí tích để xua đuổi những dối gian, chết chóc, hật thù, ghen ghét ra khỏi cuộc đời mình, gia đình của mình, môi trường của mình… và biến cuộc sống mình thành một cuộc đời đầy ắp sự thật, hoà bình trong nền văn minh của sự sống và tình thương.

Lạy Chúa là Cha yêu thương, xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.


24.1.12

GIẢNG LỄ MÙNG HAI TẾT - CHÁNH TOÀ 2012

LÒNG HIẾU THẢO

Kính thưa qúy ÔBACE.

Hôm qua, tôi tình cờ xem được 2 câu chuyện thật ý nghĩa trên internet:

- Chuyện thứ nhất là 1 đoạn phim ngắn mang tên Father and daughter (Cha và con gái) của đạo diễn Michaël Dudok, về tình cảm gia đình để đánh thức lòng hiếu thảo của những đứa con đối với cha mẹ mình. Đoạn phim nói về sự chờ đợi của người con dành cho người cha sau khi ông chèo thuyền ra biển và không bao giờ trở lại. Sự chờ đợi đó dài với thời gian: từ khi cô bé còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành… từ khi bãi biển còn mênh mông cho đến khi bãi biển bồi lấp thành bãi cát dài… Và cô gái bé bỏng lẽo đẽo theo cha năm nào nay đã thành 1 bà lão… lê từng bước chân chậm chạp trên bãi biển. Và lạ lùng thay, bà lão chợt phát hiện 1 phần của chiếc thuyền năm xưa… bà nằm nép mình bên mạn thuyền tựa như đứa con thơ nép vào lòng người cha… để rồi chợt nhận ra rằng mình đang được cha ôm vào lòng.

- Chuyện thứ hai là những dòng tâm sự đầy xúc động trong lá thư gửi con của một người tên Pierre Antoine, xin được lược trích như sau:

Ngày cha  mẹ già đi...

Nếu như cha mẹ ăn uống khó khăn và hay vương vãi... thì hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho cha mẹ... con hãy nhớ những khi cha mẹ dỗ dành con từng muỗng cơm thuở ấu thơ.

Nếu như cha mẹ cứ lặp đi lặp lại một câu chuyện, thì đừng ngắt lời mà hãy lắng nghe! Con hãy nhớ khi con còn ấu thơ, con hay muốn cha mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hằng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ....

Nếu như cha mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... đừng bực mình tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu đôi chân của cha mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp cha mẹ, nắm lấy tay cha mẹ như ngày nào cha mẹ đã dắt tay con trong những bước đi đầu đời.

Con đừng nên cảm thấy xót xa trước sự già nua của cha mẹ. Con chỉ cần hiện diện bên cha mẹ để chia sẻ và cảm thông, như cha mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời.

Hãy giúp cha mẹ trong từng bước đi vào tuổi xế chiều...

Hãy giúp cha mẹ những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...

Quý ÔBACE rất thân mến.

Hôm nay ngày mùng hai Tết. Giáo hội Việt Nam dành để nhắc nhớ con cái mình về lòng hiếu thảo và biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, vì đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn là giới răn của Chúa: hãy thảo kính cha mẹ - là giới răn có kèm theo lời hứa: để được hạnh phúc và trường thọ (x. Ep 6, 3). Đây chính là lý do thứ nhất khiến những người làm con phải hiếu thảo với các bậc sinh thành.

Lý do thứ hai đó chính là công ơn cao dày của mẹ cha đã tận tụy hy sinh cả đời vì ta:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Thế nên, các ngài đáng được chúng ta bày tỏ lòng tri ân. Và lòng hiếu thảo phải trở thành lẽ sống, trở thành đạo làm người:

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Việc thảo hiếu với cha mẹ theo Lời Chúa và theo giáo huấn của Giáo hội chỉ được thực thi trọn vẹn trong cuộc sống, thể hiện qua lòng yêu mến, tôn kính, vâng lời và sự chăm sóc dành cha mẹ khi các ngài còn sống; đồng thời biết ghi nhớ công ơn và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ khi các ngài đã khuất bóng.

Với tâm tình hiếu kính, hôm nay chúng ta hãy cùng cầu xin cho ông bà cha mẹ:

Cho các bậc sinh thành còn sinh thời: được thêm tuổi, thêm hạnh phúc, thêm an khang trong ân nghĩa Chúa

Cho tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời: được hưởng hạnh phúc với Chúa là mùa xuân bất tận trên trời.

Và sau cùng, xin cho mỗi người trong chúng ta biết sống theo Lời Chúa dạy trong sách Châm Ngôn (Cn 6, 20-23):

Con ơi giữ lấy lời cha

Chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm

Ấy là chính những lời răn lệnh truyền

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên

Khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Vâng, bổn phận của con cái không chỉ là vâng lời, yêu mến và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ, mà còn là “khắc ghi công đức một niềm tri ân”. Không chỉ là ghi khắc trên bút tích, trên môi miệng, trên bia đá... mà là ghi khắc trong tim, trong tâm hồn và trong cuộc sống. Một cuộc sống đạo đức, gương mẫu, có ích cho xã hội và giáo hội... mới là cách báo hiếu mà Thiên Chúa và các bậc sinh thành mong ước.

Vậy để bày tỏ lòng yêu mến, sự kính trọng, vâng phục, tri ân và cầu nguyện cho các bậc sinh thành dưỡng dục, giờ đây xin kính mời cộng đoàn đứng, cùng dâng lên Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta lời cầu nguyện tha thiết qua bài hát “Cầu cho cha mẹ” của nhạc sĩ Phanxicô:

1. Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.

ĐK: Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.

2. Ơn kia í a sinh thành, cao tựa núi tựa biển sâu. Công cha còn hơn Thái Sơn, nghĩa ân mẹ cao tựa suối nguồn. Con xin khắc ghi lòng, trọn đời thảo kính cha mẹ, nguyện sao cho tròn hiếu tình mới vẹn lòng con.

19.1.12

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN


CUỘC CÁCH MẠNG NƯỚC TRỜI



Khi khai mạc công việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã đề ra một chương trình cách mạng rất ngắn gọn, bao gồm ba điểm : “Hãy sám hối”, “hãy tin vào Tin Mừng” và “hãy theo Ta”.

Hãy sám hối : Bắt đầu cuộc cách mạng của triều đại Thiên Chúa, Đức Giêsu không đi vào đường lối tàn ác của bao nhiêu cuộc cách mạng trần gian. Người đã mở một con đường cách mạng mới. Đó là con đường sám hối. Sám hối là đấm ngực mình, chứ không đấm ngực, đánh đập người. Sám hối là đau lòng vì lầm lỗi của mình chứ không làm cho người phải đau lòng. Sám hối là hối hận chứ không thù hận. Sám hối là nhận mình đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân, rồi quyết tâm sửa mình, chứ không tìm lỗi người để bôi xấu, nhục mạ người khác.

Hãy tin vào Tin Mừng : Bước tiến thứ hai của cuộc cách mạng là đề ra một chương trình mới, một kế hoạch mới, một chế độ mới. Chương trình đó chính là Tin vào Tin Mừng. Tin vào Tin Mừng là nhìn nhận Thiên Chúa là Cha chung và nhìn nhận mọi người là anh chị em với nhau. Tin vào Tin Mừng là đón nhận con người và sứ điệp của Đức Giêsu, để cho Đức Giêsu chiếm trọn cuộc sống của mình. Và tin vào Tin Mừng chính là luôn biết làm cho những hoa trái của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ nở rộ trong cuộc sống mỗi ngày.

Như vậy, khi Sám Hối và tin vào Tin Mừng, chúng ta được giải thoát khỏi đời sống thấp hèn, có được đức ái nồng nàn, biết sống gắn bó với Chúa và sống hòa hợp với nhau. Không chỉ có thế, khi biết Sám Hối và Tin vào Tin Mừng, chúng ta còn được vững vàng trong niềm hy vọng vào tương lai đầy tươi sáng, để ra sức chiến đấu với mọi thử thách cam go của kiếp người hôm nay.

Hãy theo Ta : sau khi đã Sám Hối và đã Tin vào Tin Mừng, Đức Giêsu nời gọi chúng ta hãy theo Người. Theo Người để cùng Người sống trọn vẹn những đòi hỏi của Tin Mừng. Theo Người để cùng Người thực thi ý Cha trên Trời. Theo Người để sẵn sàng ra khơi đến mọi nơi, gặp gỡ với mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Và theo Người chính là làm cho khuôn mặt của Người ngời sáng rực rỡ trong nét mặt của mỗi người chúng ta.

Vậy ngay từ giờ, chúng ta quyết tâm bước theo tiếng gọi của Đức Giêsu : “Hãy theo Ta”, để thực hiện chương trình của Người là xây dựng triều đại Thiên Chúa như Phêrô, Gioan, Giacôbê và Anrê.

Hãy khôn ngoan để nhận biết rằng : “Đừng dựa vào tường, tường sẽ đổ, đừng dựa vào cây, cây sẽ gẫy ; đừng dựa vào người, người sẽ chết”. Hãy chỉ dựa vào một mình Thiên Chúa hằng sống nơi Đức Giêsu Kitô và nơi Tin Mừng Cứu độ của Người.

Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm nhạy cảm trước những lỗi phạm, để con biết sám hối ăn năn. Xin ban cho con một trái tim rộng mở để con sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Xin ban cho con một tấm lòng quảng đại để con biết vui tươi lên đường theo Đức Giêsu Kitô trên hành trình cứu độ nhân trần. Amen.


CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN - B

ƠN GỌI

1. PVLC hôm nay nói về ơn gọi. Và khi nghe đến ơn gọi thì ta thường nghĩ ngay đến ơn gọi LM và tu sĩ… và như thế, chỉ liên quan đến LM tu sĩ thôi… chẳng ăn nhập gì với ta cả. Nhưng mà thưa các bạn, chúng ta cần phải xác định định điều này là, Lời Chúa mời gọi chúng ta trước hết nhìn về ơn gọi căn bản, ơn gọi đó chính là ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi làm người môn đệ của Chúa. Ơn gọi đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, chứ chẳng dành riêng cho 1 hạng người nào.
2. Nhưng làm sao để sống được ơn gọi Kitô hữu của mình? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời thật rõ ràng qua 3 động từ: tìm - theo - ở!
- Trước hết là động từ “tìm”. CG hỏi “Các anh tìm gì?”. Đây là câu hỏi căn bản của con người. ta tìm gì trong cuộc sống này? Lẽ dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng sẽ trả lời được là ta đang tìm hạnh phúc. Nhưngvấn đề là hạnh phúc đích thực đến từ nơi nào? Phải chăng là danh vọng? Phải chăng là lợi lộc? Phải chăng là thú vui? Không! Hạnh phúc đích thực không đến từ những thực tại trần gian như danh, lợi, thú… hạnh phúc đích thực đến từ trên cao, ngang qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng chỉ cho chúng ta đâu là hạnh phúc đích thực và đâu là đường để đạt tới niềm hạnh phúc ấy: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Tựa như câu chuyện đại bàng con cứ loay hoay với đàn gà cúi gằm xuống mặt đất mà quên rằng trên cao xanh kia mới là nơi đích thực của mình… người Kitô hữu cũng cần vươn cao để tìm hạnh phúc đích thực của đời mình. Như vậy “tìm” là xác định hướng đi của đời mình.
- Kế đến là động từ “theo”. Hai người môn đệ “theo” CG. Điều này hàm ý một sự từ bỏ: từ bỏ chỗ đứng của mình. Từ bỏ tham vọng của mình. Từ bỏ những bảo đảm cho đời sống mình. Từ bỏ những quyến luyến khiến mình không được thanh thoát, như tôi tớ Chúa là Cố HY Px. Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn Đường Hy Vọng: “Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV 179). “Theo” còn là một động từ luôn kèm theo một túc từ: theo ai hoặc theo điều gì đó. Theo ở đây là theo Chúa. Theo Chúa chứ không phải theo ý riêng của mình hoặc theo 1 ai khác. Theo Chúa chứ không phải bắt Chúa theo mình. Đức Thánh Cha Benedicto đã khẳng định rằng: Kitô giáo không phải là một chủ thuyết, một lý tưởng, mà Kitô giáo là bước theo một con người, là chính Con Thiên Chúa nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Như vậy, “theo” là đến với Chúa.
- Cuối cùng là động từ “ở”. Thánh Gioan xác định rõ thời gian: lúc ấy là giờ thứ 10, và hai ông đã “ở lại” với Chúa chiều hôm ấy! Động từ “ở” trong Tin Mừng theo thánh Gioan mang một ý nghĩa thần học thâm thúy, đồng nghĩa với việc trở nên một. Ở không chỉ đơn thuần là hiện diện, mà còn là gắn bó trọn vẹn. Ở không chỉ là ngồi bên cạnh mà là cùng chung nhịp đập con tim… Trong cuộc sống hôm nay, dường như con người không đủ thời gian cho nhau, và càng không có thời gian cho Chúa. Nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con mình không có giờ để học Giáo lý. Nhiều bạn trẻ nói mình không có giờ đến nhà thờ, cũng chẳng có giờ để nhớ đến Chúa, để đọc kinh hôm kinh mai nữa. Thời đại thực dụng và hưởng thụ khiến con người thời nay thích “ở” với những thứ khác hơn là “ở” với Chúa: lưu lại trong những forum, lướt web, ở những quán café hàng giờ, thậm chí cả ngày… thì chẳng kêu ca gì, thậm chí còn thấy thiêu thiếu nữa… vậy mà đến Nhà Thờ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật có hơn 1 giờ đồng hồ mỗi tuần thì… kêu… không có thời gian!
3. Vậy thì thưa quý bạn trẻ rất thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau biết thực hiện trong đời mình 3 động từ được rút ra từ Lời Chúa hôm nay: tìm, theo và ở!
- Hãy tìm Nước Chúa là hạnh phúc cho đời ta
- Hãy theo Đức Kitô là con đường dẫn đến hạnh phúc thật
- Hãy ở lại với Đức Kitô trong kinh nguyện và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể
Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội. Và chỉ có như thế chúng ta mới thực sự trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cứu độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Amen.

LỄ HIỂN LINH

ÁNH SAO

Có một chàng thanh niên gia nhập quân đội và được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định: “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không ?”. Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ : “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao ?”.Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm. Cuối khóa huấn luyện, một người bạn đến nói với anh : Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp. Anh liền đáp lại : “Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Tôi chỉ là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin”. Và kết quả là người bạn đó sau này đã tìm hiểu và theo đạo Công Giáo.
Có thể nói, thái độ can đảm tuyên xưng niềm tin của người lính kể trên là một ngôi sao lạ chiếu soi trong môi trường vô thần, dẫn đường cho một người bạn trở về với Chúa. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói : “Các con là ánh sáng thế gian”. Trong cuộc sống, chúng ta cần có những ánh sao lạ để gặp được Chúa. Và chúng ta cũng được mời gọi trở thành ánh sao chiếu soi cho người khác nhận ra Chúa Kitô.
Ở trong bài Tin Mừng, các đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Trong cuộc sống đời thường, có rất nhiều dấu chỉ như những ánh sao dẫn ta đến với Chúa. Có thể là : một câu Kinh Thánh đánh động lòng ta, một nghĩa cử yêu thương nồng ấm, một lời khuyên nhắc nhở chân tình, một gương sáng làm ta xúc động. Vấn đề là chúng ta có dám can đảm bỏ lại những chỗ dựa an toàn, những bám víu vật chất đời này để lên đường tìm đến với Chúa hay không.
Khi ánh sao biến mất, các nhà chiêm tinh không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi kiếm tìm. Hành trình của họ là hành trình đức tin, con đường của họ là con đường thập giá. Như các đạo sĩ tìm lại ánh sao sau khi lạc mất, người tín hữu Kitô luôn được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm hy vọng. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta can đảm dấn thân đi tới. Để giữ vững đức tin, nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ niềm tin. Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió.
Nếu cuộc đời chúng ta đã từng có những ánh sao dẫn đường, thì đến lượt mình, hãy là những vì sao ngời sáng trên bầu trời cuộc đời tăm tối. Có một nhà thơ đã viết :
“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng, thì hãy là ánh lửa non cao. Nếu không là ánh lửa non cao, xin hãy là ánh nến tỏa sáng trong gia đình”.
Ước mong mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn nhạy cảm với những ánh sao trong cuộc sống để nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau luôn là ánh sao sáng, dẫn đưa người khác đến với Chúa. Làm được như thế là chúng ta làm cho Chúa được “hiển linh trong thế giới hôm nay.

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Hành trình của Đức Maria

Cuộc đời là một hành trình. Hành trình đó đã khởi đầu khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Tuy thế, mỗi dịp bước sang một năm mới lại là lúc tiến đến một cột mốc để chúng ta dừng lại: để nhìn về chặng đường đã qua, để suy nghĩ về thời gian hiện tại, và để hướng về tương lai với biết bao điều mơ ước.
Hôm nay, nhân ngày đầu năm mới, và cũng là ngày lễ Mừng Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tôi xin được chia sẻ với Quý Ông Bà Anh Chị Em về hành trình của đời người dựa theo hành trình của Đức Maria. Nhìn vào hành trình đời Mẹ, tôi nhận thấy đó là một hành trình thật đặc biệt, ở những điểm sau:
Cuộc đời Mẹ là một hành trình vâng phục:
Với lời thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã thể hiện một thái độ hoàn toàn tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa, chấp nhận từ bỏ ý riêng mình để vâng theo ý Chúa. Thái độ vâng phục này đòi phải có tấm lòng khiêm tốn, phải có tinh thần hy sinh, biết coi Thánh Ý Thiên Chúa là tất cả của cuộc đời mình, và nhất là biết phó thác hoàn toàn cuộc sống của mình nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Xin vâng như Mẹ là chấp nhận cuộc sống hiện tại mà không kêu ca chán nản. Xin vâng như Mẹ là biết dâng cho Chúa những dự định, những lắng lo của kiếp người. Và xin vâng như Mẹ là biết sẵn sàng làm theo ý Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Những ai chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết lo vun quén cho bản thân mình thì không thể vâng theo ý Chúa được.
Cuộc đời Mẹ là một hành trình cầu nguyện:
Quả thật, cuộc đời của Mẹ Maria là cuộc đời cầu nguyện. Mẹ cầu nguyện không ngừng như Đức Giêsu đã cầu nguyện không ngừng. Mẹ cầu nguyện thiết tha như Con Mẹ đã thiết tha cầu nguyện. Mỗi khi hiện ra với loài người, Mẹ vẫn luôn nhắc nhở chúng ta phải biết siêng năng cầu nguyện. Ở trong Tin Mừng, chúng ta thấy Mẹ luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” những Mầu Nhiệm trong cuộc đời của Đức Giêsu. Cầu nguyện để tìm ý Chúa Cha. Cầu nguyện để gắn bó hơn với Đức Giêsu. Và cầu nguyện để có thể cộng tác được với ân huệ của Chúa Thánh Thần. Do đó, một cuộc đời không cầu nguyện là một hành trình lạc lõng và hụt hẫng.
Cuộc đời Mẹ là một hành trình tình yêu:
“Không ai yêu con bằng Mẹ”! Lời của một bài hát thật đúng với tình yêu của Mẹ Maria dành cho Chúa Giêsu - người con yêu dấu, và cho cả chúng ta - những đứa con của Mẹ. Vì yêu nhân loại mà Mẹ đã chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa để cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Vì yêu Giáo Hội mà Mẹ đã hiện diện trong Giáo Hội như một người Mẹ hiền dịu và như một chứng nhân sống động cho Đấng đã chết và đã Phục sinh. Vì yêu mỗi người chúng ta mà bao lần Mẹ đã hiện ra để nhắn nhủ, để kêu gọi chúng ta trở vế với Chúa. Thế nên hành trình đời người phải là một hành trình tình yêu hướng tới Thiên Chúa và hướng về tha nhân.
Nhân ngày đầu năm, xin thành tâm cầu chúc Cha Sở, Quý Cha, Quý tu sĩ cùng tất cả Quý Ông Bà Anh Chị Em bước vào một năm mới, một chặng đường mới trong hành trình đời người theo mẫu gương của Mẹ Maria - Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta. Có như thế, hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta trong Năm Mới 2012 này sẽ là một hành trình của sự vâng phục Ý Chúa, một hành trình cầu nguyện kiên trì và là một hành trình tràn đầy lòng Mến Chúa và yêu người.