26.2.12

Bài Giảng Chúa Nhật I Mùa Chay - B

Sám Hối và Tin
 
Theo thánh sử Marcô, lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
“Sám hối” - tiếng Hy Lạp là Metanoia có nghĩa là “trở về”, đồng nghĩa với việc nhìn nhận cái sai, cái xấu, cái không tốt đẹp trong đời sống của mình, và rồi từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng… nói cách khác là trực diện với tội lỗi trong đời sống của mình, rồi cương quyết không tái phạm nữa. Như thế, sám hối có nghĩa là nhìn nhận tình trạng hỗn loạn trong đời sống của mình và quyết định làm một điều gì tốt đẹp để sửa lại chuyện đó.
Tất cả chúng ta đều có thể có kinh nghiệm này là chúng ta đã từng ý thức về những khuynh hướng xấu gây hỗn loạn đời sống chúng ta. Chẳng hạn chúng ta ý thức về tính ích kỷ khiến chúng ta đặt quyền lợi của mình lên trên nhu cầu của tha nhân. Chúng ta ý thức về tính kiêu ngạo khiến chúng ta không muốn nhìn nhận những sai trái của mình. Chúng ta ý thức về tính lười biếng khiến chúng ta ngại giúp đỡ tha nhân. “Sám hối” là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.
Ngoài việc sám hối, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta “tin vào Tin Mừng”, nghĩa là tin rằng Người là Con Thiên Chúa và đến để cứu chúng ta. Tin vào Chúa Giêsu là tìm kiếm và gặp gỡ Người, đặc biệt trong Bí Tích Hoà Giải, và nhận nơi Người sự tha thứ và chữa lành. Tin vào Chúa Giêsu là quay về với Thiên Chúa để cầu cứu và xin Người tha thứ.
Nhiều người đã không nhìn nhận Chúa Kitô vì họ không nhìn nhận rằng chính họ là những kẻ tội lỗi. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là những kẻ có tội, và quay về với Chúa Giêsu Kitô để được Người cứu độ.
Nếu chúng ta muốn tìm một cách thế đặc biệt để sống tinh thần mùa chay năm nay, thì tôi nghĩ rằng không có cách thế nào tốt hơn là coi Mùa Chay như một cơ hội thuận tiện để tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa. Và để hưởng được ân huệ do lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần thực hiện những gì mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là chúng ta hãy nhận thức tình trạng tội lỗi của mình và nhìn nhận Người làm cứu Chúa của ta.
Với nhận thức sâu sắc như vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng dâng lên Chúa Giêsu một lời cầu nguyện chân thành:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy cho con thấy: những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và những vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy: những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức: những lo âu, sợ hãi đang đè năng làm con ngột ngạt, những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui, những vết thương không biết bao giờ lành, những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu, xin đưa con trở về với Chúa mỗi ngày. Xin cho con vững tin vào lòng thương xót của Chúa nơi Bí tích Hoà Giải. Và xin cho con biết sống hiền hoà hơn với mọi người, vì cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Chúa. Amen.

18.2.12

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN



BA BÀI HỌC

Khi suy nghĩ và cầu nguyện trên trang Tin Mừng hôm nay, tôi nhận được 3 bài học cụ thể cho đời sống đạo của mình, xin được chia sẻ cùng quý ÔBACE.
1. Bài học thứ nhất: về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân, họ hàng. Chắc chắn Chúa Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nên chẳng cần họ mở lời xin, chẳng cần thông báo trước, Người đã chữa lành người bại liệt. Nhưng Người không chỉ chữa lành bệnh tật nơi thân xác, quan trọng và trước hết, Người chữa lành bệnh trong tâm hồn: Người tha tội cho người bất toại! Đây là một hành động của Thiên Chúa toàn năng, đầy thương xót cả xác lẫn hồn.
Bài học này giúp tôi luôn biết phó thác nơi lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương tôi và muốn chữa lành những không chỉ bệnh tật nơi thân xác mà còn cả những vết thương sâu kín trong tâm hồn.
2. Bài học thứ hai: về lòng tin của người bất toại
Người ta vẫn thường nói: Tin là tín nhiệm, tin thì không sợ. Người nào còn sợ là người chưa đủ tin. Người bại liệt đã có một lòng tin như thế. Anh để cho người ta khiêng lên mái nhà, dỡ mái thòng xuống mà không phản đối và không sợ hãi. Và nhất là khi đã được đặt trước mặt Chúa, anh không xin gì, không nói gì cả. Bởi vì anh tin rằng Đức Giêsu biết mọi sự, Người biết anh đang cần gì. Anh biết rằng Đức Giêsu thương anh hơn chính anh đáng được thương. Anh chỉ ngước mắt nhìn Chúa và chờ đợi. Rồi câu nói đầu tiên của Chúa lại là lời tha tội chứ không phải là lời chữa bệnh. Anh vui lòng chấp nhận, bởi vì anh biết Đức Giêsu bao giờ cũng có lý hơn anh. Chính do lòng tin mạnh mẽ đó anh đã được Chúa Giêsu cứu chữa.
Bài học này giúp tôi luôn vững tin vào Thiên Chúa tình yêu, dù cho phải đứng trước những thử thách, những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được.
3. Bài học thứ ba: về sự hiệp thông trong cộng đoàn
Người bất toại không thể tự mình đến với Chúa, phải cần nhờ đến sự trợ giúp của tha nhân. Bốn người khiêng người bất toại này có thể là bà con thân thuộc nhưng cũng có thể chẳng quen biết gì. Tuy nhiên, họ lại gặp nhau ở một điểm chung là muốn đưa người bất toại đến với Chúa để được Chúa chữa lành. Họ có thể ngó lơ, có thể làm ngơ như bao nhiêu người khác. Họ có thể viện lý đo đạo đức là phải bận nghe Chúa giảng… Họ đã không làm thế! Họ nhiệt tình tìm mọi cách để người bất toại có thể tiếp cận được với Chúa, dù cho phải dỡ cả mái nhà. Hành động của họ là một bằng chứng của sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp thông vì yêu thương.
Bài học này giúp tôi luôn biết sống quảng đại với tha nhân, sãn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình, nhất là giúp cho anh chị em mình trở về với Chúa.
Quý ÔBACE quý mến.
Trong thánh lễ hôm nay, tôi tha thiết xin quý ÔBACE cầu nguyện cho tôi và cho tất cả chúng ta 3 ơn này:
Một là xin cho chúng ta luôn phó thác cuộc đời của mình cho lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta không bao giờ ngã lòng dù cho chúng ta còn nhiều sai sót, nhiều yếu đuối lỗi lầm.
Hai là xin cho chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa, để chúng ta biết can đảm đón nhận những khó khăn, những nghịch cảnh, những vất vả trên hành trình theo Đức Kitô.
Ba là xin cho chúng ta luôn sống hiệp thông với nhau, đặc biệt với những anh chị em đang gặp phải những khó khăn và buồn phiền trong cuộc sống, để nâng đỡ, ủi an và xoa dịu những niềm đau trong tâm hồn.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B



CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Phim Ben-Hur đã đoạt 11 giải Oscar vào năm 1959. Phim lấy bối cảnh xã hội cùng thời với Đức Giêsu. Câu chuyện kể về ông hoàng Do Thái Giuđa Ben-Hur bị buộc tội oan ức là mưu sát viên Thống đốc La mã. Mẹ và em gái Giuđa bị tống giam còn bản thân anh lưu đày biệt xứ. Trên đường đi, khi Giuđa sắp sửa chết khát và không có lấy một ai thương xót anh thì có một người lạ mặt đã cho anh ngụm nước. Nhờ có công cứu Thống soái La Mã thoát chết khi đang lưu đày nên anh được vị Thống soái này nhận làm con nuôi. Anh trở về tìm mẹ và em gái, nhưng do bị bệnh phong cùi nên họ đã trốn đến thung lũng của những người bệnh phong để khiến cho Ben-Hur nghĩ rằng họ đã chết. Trong một lần đi tìm kiếm, Ben-Hur thấy người ta dẫn 1 phạm nhân đi xử án, động lòng thương, anh cho người đó 1 ngụm nước… và chợt nhận ra rằng đó cũng chính là Đức Giêsu - người đã cho anh nước uống trên đường lưu đầy. Ben-Hur tìm ra mẹ và em gái vào chính lúc Đức Giêsu bị đóng đinh và đổ những giọt máu cuối cùng. Và chính khi ấy, mẹ và em gái Ben Hur được khỏi bệnh phong cùi. Nhờ đó, họ nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng cứu chuộc nhân loại.
Nội dung của cuốn phim đưa chúng ta vào khung cảnh của Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Thật vậy, vào thời Chúa Giêsu, quan niệm của người Do Thái cho rằng bệnh tật là sự trừng phạt bởi tội lỗi gây ra. Vì thế, người mắc bệnh phong phải mặc rách, xõa tóc, che râu. Đi đâu người ấy cũng phải la to: “Ô uế! ô uế!” (x. Lv 13,45-46). Bị cách ly với mọi người, bị coi như mắc trọng tội, đau đớn cả xác lẫn hồn, người phong sống mà như chết.
Tuy nhiên, người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay lại khá đặc biệt. Anh tự ý đến gặp Đức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài, với lời van xin phải nói là mẫu mực cho mọi lời cầu xin của chúng ta khi đau khổ vì bệnh tật: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Lời van xin này nói lên lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Đối với anh, chắc chắn Người có thể chữa anh lành bệnh. Chỉ cần Người muốn là đủ rồi. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh đã chạm vào chỗ sâu thẳm của lòng thương xót Chúa, và Người không chỉ muốn, mà còn hơn thế nữa, Người đã vượt qua lằn ranh của lề luật, của sự cấm kỵ… để cúi xuống, đụng chạm đến anh và chữa cho anh lành bệnh! Người đã chữa lành người phong cùi không chỉ phần xác mà còn cả phần hồn, và phục hồi phẩm giá của anh, để anh có thể hiệp thông trở lại với cộng đoàn.
Đó cũng chính là xác tín mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã khẳng định trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được tổ chức vào ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức hôm nay: “Thiên Chúa, qua Con của Người, không bỏ mặc chúng ta trong cơn lo âu và đau đớn, nhưng rất gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng, và mong muốn chữa lành tật đáy sâu của tâm hồn chúng ta”.
Nhờ vào niềm xác tín này, mà Đức Thánh Cha đã khích lệ các bệnh nhân bằng những lời đầy yêu thương: “Ai ở trong đau khổ và bệnh tật mà kêu cầu Chúa, thì chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, và cả tình yêu của Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu, tình yêu này chính là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của Chúa” (số 1). Đồng thời, ngài mời gọi các bệnh nhân hãy tin tưởng vào Chúa: “Tôi muốn khuyến khích các bệnh nhân và những người đau khổ luôn tìm thấy một chiếc neo chắc chắn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự lắng nghe Lời Chúa, bằng kinh nguyện bản thân và các bí tích” (số 5).
Không ai trong chúng ta không một lần đau bệnh. Bao lâu còn sống trên trần gian này là bấy lâu chúng con còn phải chịu những đau khổ do bệnh tật nơi thân xác và tâm hồn. Trong ngày mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức, là ngày thế giới bệnh nhân, và nhờ ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, để nhờ Mẹ chúng ta có thể đến được với Con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô. Xin Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa và giúp chúng ta can đảm đi trọn con đường đức tin, theo ánh sáng của Lời Chúa và Thánh giá Chúa như Mẹ đã trải qua. Và chỉ có như thế, chúng ta mới có thể được Chúa chữa lành.
Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người già yếu, đặc biệt là quý vị đang hiện diện trong Thánh Lễ đặc biệt này. Xin Chúa dùng ơn thánh của Người qua các bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải, Xức Dầu và Thánh thể để chữa lành và bổ dưỡng họ. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai đang chăm sóc các bệnh nhân và những người già yếu, và cho cả mỗi người chúng ta nữa, cũng biết noi gương Chúa Giêsu để biết cúi xuống, đụng chạm đến nỗi đau của tha nhân do bệnh tật phần hồn cũng như phần xác, biết quảng đại hy sinh để ủi an, nâng đỡ những phần tử yếu đau trong nhiệm thể Đức Kitô, để Thiên Chúa được vinh danh và con người được hưởng ơn cứu độ. Amen.

7.2.12

Chúa Nhật V TN NĂM B

Đau Khổ


Trong cuộc sống, từ lúc sinh ra, rồi trưởng thành cho đến ngày nhắm mắt, không ai là chưa từng nếm mùi vị khổ đau. Khổ đau là một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống, không thể nào phủ nhận được. Sự thật này đã được đức Phật giảng như sau: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, mong cầu không được là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, ghét nhau mà gặp nhau cũng khổ… Nói chung, đời là bể khổ!
Trước khổ đau của kiếp người, nhiều người chỉ biết than vãn, chán chường và thất vọng, không tìm được lối thoát cho mình. Có người lại quay sang than trời trách đất, nổi loạn chống lại Thiên Chúa nữa.
Vậy thì đâu là sứ điệp của Kitô giáo về vấn đề đau khổ của con người? Chúng ta có thể nhận ra được sứ điệp ấy trong Lời Chúa của Chúa Nhật thứ V Thường niên hôm nay.
Ở trong bài đọc I, ông Gióp là một điển hình cho sự đau khổ tràn trề khi bi kịch liên tục ập đến: ông mất con cái, mất gia sản, mất tất cả, thậm chí ngay chính bản thân cũng phải nếm mùi khốn khó khi bị ghẻ chốc đầy đau đớn! Câu chuyện của ông Gióp nhằm trả lời cho câu hỏi luôn làm khắc khoải tâm trí con người, đó là “đau khổ có phải đến từ Thiên Chúa?”. Và nếu câu trả lời là “phải”, thì con người có quyền trách cứ hoặc chống lại Thiên Chúa, vì Thiên Chúa bỏ rơi, Thiên Chúa trừng phạt, Thiên Chúa quá nhẫn tâm. Thế nhưng, trước thái độ của ông Gióp là nhất quyết không rời xa Thiên Chúa, dù là ông thấy phiền não trước khổ đau của kiếp sống con người. Chính thái độ này là lời đáp rằng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của đau khổ, nhưng câu trả lời mới chỉ dừng lại ở đó thôi, chứ chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn nạn đau khổ của con người.
Trong bài Tin Mừng, con người tìm được câu trả lời trọn vẹn cho vấn đề đau khổ của mình nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô đến để cứu con người khỏi mọi đau khổ bằng chính tình yêu cứu độ của Người. Trước nỗi đau khổ của con người, Chúa Giêsu đã cảm thông, nhẹ nhàng đến bên cạnh, nâng lên và giải thoát con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người như một vị lương y đại tài, chữa tận căn nỗi niềm thống khổ của nhân loại bằng cách loại trừ tội lỗi là căn nguyên gây nên đau khổ của kiếp sống con người… bằng tình yêu tuyệt đối đến độ chết vì yêu thương và thứ tha.
Về phần mình, khi đứng trước tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu dành cho mọi người và dành cho mỗi người, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thốt lên lời ngợi ca: “Hân hoan lời tụng ca đoàn con dâng Chúa ban đêm ngày, hát cho muôn thế hệ, hãy ngợi ca tình yêu Thiên Chúa muôn đời Chúa thương con người ôi tình Chúa chẳng nhạt phai. Trái tim thơ trả lại tình ca mến yêu muôn đời”.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta nối dài tình yêu cứu độ của Người trong cuộc sống hằng ngày bằng trong từng ngày sống, chúng ta cố gắng dẹp bớt nạn vô cảm và gia tăng sự rung cảm của Chúa Giêsu trong trái tim của mình khi đứng trước những khổ đau của con người hôm nay.
Kính thưa quý ÔBACE,
“Vô cảm” là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, khi người ta chỉ biết đến mình, cái gì có lợi cho mình, còn những chuyện không phải của mình, không thuộc về mình thì không cần quan tâm. “Vô cảm” có nghĩa là thờ ơ với nỗi đau của người khác, không có sự động lòng, không rung cảm khi người khác gặp phải bất hạnh; quay lưng với đồng loại khi họ gặp cảnh khốn cùng. “Vô cảm” đồng nghĩa với lối sống ích kỷ, thiếu công bình và cũng chẳng có bác ái.
Đối lập với vô cảm là “rung cảm”. Làm sao để có được một tấm lòng biết “rung cảm” trước nỗi thống khổ, bất hạnh của tha nhân. “Rung cảm” chính là khoảnh khắc mà tình yêu lên ngôi, khoảnh khắc của sự cảm thông chia sẻ, của sự đồng điệu từ trái tim đến trái tim. Mà tình yêu là điều cốt yếu và căn bản của Kitô giáo, là diễn tả rõ nét nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới đầy dẫy hận thù và ghen ghét này.
Xin Chúa là tình yêu cứu độ, cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ và biến chúng ta nên khí cụ loan báo tình yêu của Người đến muôn đời. Amen.