31.3.12

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY


MẤT ĐỂ ĐƯỢC - CHẾT ĐỂ SỐNG
Gr 31, 31-34 ; Dt5, 7-9 ; Ga 12, 20-33

Kính thưa qúy ÔBACE
Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941, tại trại tập trung Auschwits của Đức Quốc Xã có một người tù vượt ngục. Và theo quy định khủng khiếp là nếu một người trốn trại thì sẽ có mười người khác thế mạng. Giám thị trại giam tập họp tù nhân lại và đếm ra 10 người. Một trong đám mười người bị tử thần điểm danh này bỗng òa khóc: “Trời ơi, vợ tôi, con tôi! Tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa!”. Bỗng nhiên 1 nguời gầy guộc rời hàng bước ra tiến về phía tên giám thị. Mọi người nín thở. Chuyện chưa từng có! Viên giám thị đặt tay trên súng: “Anh muốn gì?” - “Tôi xin chết thay cho người này”. Viên trại trưởng sửng sốt, tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thục sự muốn chết để cho kẻ có vợ và các con đang chờ ở nhà được sống. Người dám chết thay cho người khác được sống đó chính là cha Maximilien Kolbe. Người tù thoát chết tên là Francis Gap Wniczek kể lại chuyện này. Anh nói sau cái chết của Cha Kolbe, tinh thần trại giam thay đổi hẳn. Mọi người đối xử với nhau rất thân ái, chia sẻ từng mẩu bánh, từng muỗng canh, ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị Linh mục đã hy sinh mạng sống để cứu một người anh em.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Thánh cho Cha Kolbe vào tháng 10 năm 1983, và đặt Ngài làm bổn mạng của thời đại khó khăn. Giáo Hội mong ước các tín hữu noi gương Cha Kolbe, và cũng là noi gương Chúa Giêsu, sẵn sàng hy sinh cho anh em đồng loại.
Kính thưa qúy ÔBACE
Để có được 1 quyết định anh hùng như cha Kolbe thật chẳng dễ dàng chút nào. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống ? Đành rằng Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta biết “chết đi để sinh nhiều bông hạt”, nhưng có ích gì khi chính tôi bị tan vỡ ? Vì thế, thường thì chúng ta thích chấp nhận là hạt lúa trơ trọi 1 mình chứ không muốn là hạt lúa bị chôn vùi, bị chết đi…
Trong bài TM hôm nay, ĐG đã dùng hình ảnh hạt lúa để diễn tả thân phận của Người và cũng là để dạy chúng ta một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý : Mất để được, chết để sống.
Nếu suy nghĩ nông cạn thì mất là không còn, chết là hết. Đơn giản vậy thôi. Nhưng nếu suy nghĩ cặn kẽ hơn thì chưa hẳn như vậy. Có thể nhờ mất mà lại được, nhờ chết mà lại sống. Thoạt nghĩ xem ra thật phi lý, nhưng nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy rất hợp lý.
Có rất nhiều ví dụ trong tự nhiên và trong đời thường. Một bà nột trợ dám bỏ tiền ra mà mua, nghĩa là dám mất… tiền để đánh đổi lấy hàng hoá mà bà tin rằng nó quý hơn hoặc ít là cân xứng với đồng tiền mình bỏ ra. Đó là ví dụ mất để được. Còn ví dụ chết để sống thì có ngay trên thân thể mình. Hàng ngày có biết bao tế bào già nua trong cơ thể ta chết đi để cho những tế bào mới sinh ra. Hãy nhìn gương mặt của chúng ta: nếu những tế bào da có từ ngày chúng ta chào đời vẫn sống mãi cho đến hôm nay thì chắc chắn khuôn mặt của chúng ta sẽ đen đủi, nhăn nheo và xấu xí lắm. Sở dĩ da mặt của chúng ta luôn mịn màng là nhờ những tế bào già lão kia dám chấp nhận chịu chết để cho những tế bào mới được sinh ra.
ĐG đã nói, đã dạy chúng ta và quan trọng nhất là Người đã sống chân lý xem có vẻ nghịch lý này. Người cũng như hạt lúa chết đi, sự sống cuả Người bị chôn vùi trong khổ nạn và sự chết. Nhưng hạt lúa Giêsu đã Phục sinh, hóa thân thành muôn ngàn hạt lúa ở khắp 4 phương trời, qua muôn ngàn thế hệ. Đó là các KTH, là chính mỗi người chúng ta hôm nay.
Tôi là một hạt lúa. Hạt lúa của tôi hôm nay cũng phải noi theo hạt lúa Giêsu, cũng phải đi theo tiến trình mà hạt lúa Giêsu đã đi, nghĩa là tôi cũng phải chấp nhận mất, chấp nhận chết đi để sự sống đời đời được hé nụ. Hôm nay có lẽ không có tình huống để tôi có thể chết thay cho người khác như cha Kolbe, nhưng cũng có những mất mát, những cái chết âm thầm đã và đang đem lại cho đời này thêm sức sống, thêm hương sắc.
Mỗi khi tôi hy sinh hãm mình, mỗi khi tôi vượt lên trên những tham sân si, mỗi khi tôi thoát ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, nhỏ nhen, kiêu căng, ghen ghét… thì cũng giống như con người tự nhiên của tôi phải chết đi một phần. Nhưng có như thế thì con người siêu nhiên của tôi mới lớn lên, sự sống vĩnh hằng mới nảy mầm trong cuộc đời mình.
Lạy CG, xin kéo chúng con lên với Chúa, xin lôi chúng con ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình để chúng con dám hiến thân, hi sinh, quên mình, từ bỏ… trong từng giây từng phút của cuộc sống, giống như hạt lúa chấp nhận bị vùi lấp và thối đi, để góp cho cánh đồng cuộc đời này thêm một cây lúa nhỏ. Xin cho lời Kinh Hòa Bình luôn vang mãi trong cuộc đời chúng con: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Ước gì mỗi người chúng con dám sống Mầu Nhiệm Vượt Qua, dám đi từ cõi chết đến nguồn sống, dám đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở truớc Thiên Chúa và tha nhân. Amen.

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY


Con đường Tình Yêu

Thời đại khoa học kỹ thuật hôm nay mở ra cho chúng ta nhiều con đường: đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường cao tốc, đường xe điện, đường hàng không… Những con đường đưa ta xích lại gần nhau hơn, những con đường giúp ta vươn tới những nơi chốn xa vời vợi… Nhưng thời đại này dường như cũng có nhiều con đường đưa ta đến ngõ cụt, đưa ta vào tăm tối, dẫn ta đến sự đổ vỡ và đau khổ tràn trề.
Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta thấy những nẻo đường của Thiên Chúa, và qua đó, chúng ta có dịp nhìn lại con đường  cuộc đời của mình để chọn lựa bước theo những nẻo đường mà Thiên Chúa mời gọi.
* Con đường của Thiên Chúa là con đường Vị Tha :
Thiên Chúa tìm đến với con người, muốn ở với con người để tha thứ và cứu độ nhân loại: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”. Đó là con đường hướng đến tha nhân, cho tha nhân và vì tha nhân.
* Con đường của Thiên Chúa là con đường Chật Hẹp :
Thiên Chúa không chọn con đường thênh thang mà chọn con đường hẹp để đến với nhân loại. Đó là con đường khiêm hạ, nghèo hèn và hy sinh. Thật vậy, con đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, còn đường chật  hẹp thì đưa đến sự sống.
* Con đường của Thiên Chúa là con đường Tình Yêu :
Vì yêu thương mà Chúa Kitô đã sẵn sàng chấp nhận thập giá cùng với cái chết để cho con người được sống và sống dồi dào: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của mình”.
Các bạn trẻ rất thân mến.
Con đường của Thiên Chúa là như thế đó. Còn con đường cuộc đời của chúng mình thì sao? Nhìn vào cuộc đời của chính mình - một người trẻ như các bạn - và nhìn vào xã hội hôm nay, tôi có những cảm nhận này :
* Dường như những người trẻ chúng ta thường thích chọn con đường Vị Kỷ hơn con đường Vị Tha. Chúng ta thường thích hướng về mình hơn là hướng đến người khác, thích chú trọng và đề cao những lợi ích của mình hơn là quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của tha nhân.
* Dường như những người trẻ chúng ta thường có khuynh hướng chọn con đường Rộng Rãi hơn là con đường Chật Hẹp. Chúng ta dễ dàng bước vào con đường rộng của sự buông thả, của hưởng thụ, của đam mê… hơn là con đường hẹp của thập giá, của từ bỏ, của hy sinh.
* Dường như những người trẻ chúng ta thường thích chọn con đường Thù Hận hơn là con đường Tình Yêu. Chúng ta dễ ghét người hơn thương người. Chúng ta dễ nổi nóng với bạn bè hơn là sống hiền hoà với họ. Chúng ta dễ ngoảnh mặt làm ngơ trước sự đau khổ nghèo đói của tha nhân hơn là giúp đỡ, ủi an anh chị em xung quanh mình.
Như vậy, thưa các bạn trẻ quý mến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng đồng hành với Đức Giêsu trên con đường Vị Tha, con đường Chật Hẹp và con đường Tình Yêu. Khi chọn con đường này, chúng ta phải chấp nhận mất mát, chấp nhận từ bỏ, chấp nhận hy sinh. Nhưng chúng ta xác tín rằng, chỉ khi cùng song hành với Đức Giêsu thì chúng ta mới đạt được hạnh phúc thật sự  và mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ - B


l laHọc yêu Thánh Giá - vác lấy Thánh Giá

Nhìn vào diễn tiến Phụng Vụ hôm nay, chúng ta thấy có cái gì đó trái ngược. Chúng ta khởi đầu Thánh Lễ thật tưng bừng trong tiếng tung hô : “Cửa kia ngước đầu thành kia tung cánh đón chào quốc vương…” để tưởng niệm việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Nhưng rồi ngay sau đó, Giáo Hội lại mời chúng ta lắng nghe bài tường thuật về cuộc thương khó của Người : một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem.
Thực ra, việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô khi Ngài vào thành Giêrusalem chính là hình ảnh tiên báo vinh quang Phục Sinh của Người. Tuy nhiên, con đường đến vinh quang Phục Sinh lại chính là con đường thương khó, con đường vâng phục, con đường tự hiến chính mình để cho nhân loại được sống và sống dồi dào.
Qua khổ nạn mới đến Phục Sinh. Đó chính là chương trình Cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa, đó chính là cách thế bày tỏ tình yêu của Người Cha nhân từ đối với những đứa con tội lỗi, và đó cũng là lời mời gọi thiết tha của Thầy Chí Thánh Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Cùng vác thập giá với Đức Kitô để được sống lại với Người.
Nhưng để có thể vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa, thì chúng ta cần phải học. Phải học yêu thánh giá!!! Có một bài hát diễn tả việc học yêu Thánh Giá như sau: Thánh giá hình chữ Tờ, ngài nằm giang tay chữ Y là Tình Yêu yêu đến tận cùng. Yêu nhân gian chiều ngang, yêu đời mình chiều sâu, yêu Chúa là chiều cao, để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu. Phải, chúng ta hãy học bài học yêu thương từ nơi thánh giá của Chúa Giêsu Kitô.
Cùng vác thập giá với Đức Kitô là cùng đồng hành với Người trên con đường cứu độ nhân loại. Con đường này chẳng phải là con đường “rộng thênh thang tám thước” như trong thơ của Tố Hữu, cũng chẳng phải là “con đường có lá me bay” thơ mộng… mà chính là con đường của những hy sinh thầm lặng, con đường lắng nghe và thi hành ý Chúa Cha, con đường in dấu chân công lý và hoà bình là hoa trái Thánh Thần. Đấy là con đường thập giá mà Đức Kitô mời gọi mỗi người chúng ta bước vào với tất cả tấm lòng quả cảm và yêu mến. Và chỉ có như thế, con đường thập giá sẽ trở nên con đường tình yêu và cây thập tự sẽ nở hoa phục sinh.
Trong thực tế của cuộc sống hôm nay, dường như Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục phải vác Thập giá : nơi hàng ngàn thai nhi bị cướp đi mạng sống mỗi ngày, nơi những bệnh nhân Sida bị hắt hủi như “cặn bã của xã hội”, nơi những người bần cùng khốn khó quanh ta, và cả nơi những người thân thuộc mà đôi khi vì vô tình chúng ta đã thiếu quan tâm đến họ. Chúng ta vẫn đang được mời gọi cùng Đức Giêsu nối dài hành trình xoa dịu những vết thương nhân loại, tiếp bước trên con đường hoà giải và yêu thương.
Ước gì mỗi người chúng ta dám sống đúng với lời hát mà chúng ta cùng nhau hoà giọng sau đây : “Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài : Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài : để được sống với Ngài vinh quang.”

10.3.12

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY - B


Thanh Tẩy Đền Thờ

Ngày nay ở tại Giêrusalem không còn Đền Thờ của người Do Thái nữa, vì người Hồi Giáo đã xây một đền thờ Hồi Giáo ngay trên nền Đền Thờ Giêrusalem cũ, và người Do Thái chỉ còn sở hữu một bức tường cổ, gọi là Bức Tường than khóc… với một sân rộng để đến cầu nguyện. Nhưng Đền thờ Giêrusalem thời Chúa Giêsu thì rất nguy nga vĩ đại, chia ra từng khu vực cho từng loại người: ngoài cùng là khu vực dành cho người ngoại giáo đến tham quan đền thờ, rồi đến khu vực dành cho phụ nữ, rồi đến khu vực dành cho nam giới, kê tiếp là khu vực thiêu sinh các của lễ, rồi đến khu vực dành cho tư tế, rồi mới đến bàn thờ dâng hương, và cuối cùng mới là nơi cực thánh, đặt hòm bia 10 giao ước - tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.
Một dữ kiện lịch sử khác là khi lên đền thờ Giêrusalem, người Do Thái từ khắp nơi đều đem theo lễ vật để dâng cho Thiên Chúa, là bò, chiên cừu, bồ câu… nhưng mà nhiều người ở xa mà dắt theo bò lừa thì cực khổ quá… có lẽ vì thế mà nảy sinh có dịch vụ bán những con vật để sử dụng vào việc hiến tế. Rồi có một điểm rất đặc biệt nữa là vì người Do Thái thời đó đang bị đế quốc La Mã đô hộ, nên trong xã hội dân sự thì xài tiền của đế quốc, nhưng trong đền thờ thì tuyệt đối không sử dụng đồng tiền của đế quốc, vì đó là đồng tiền ngoại giáo… vì vậy mới có chuyện đổi tiền.
Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe thuật lại việc Chúa Giêsu dùng roi để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò, Người còn lật nhào bàn ghế của những người đổi tiền, dù rằng những chuyện buôn bán này chỉ diễn ra khu vực dành cho dân ngoại, nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của những người đi hành hương vào dịp lễ Vượt qua. Câu chuyện này được gọi là Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, lý do là vì đền thờ Giêrusalem đã bị ô nhiễm.
Nhưng vấn đề ở chỗ không phải là Chúa Giêsu thấy đền thờ bị ô nhiễm do rác thải hay do ồn ào… mà vấn đề là ở chỗ Chúa Giêsu muốn loại trừ ô nhiễm nơi tâm hồn của con người, thứ ô nhiễm đã làm cho dân Do Thái quên đi Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, hay nói cách khác, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy tâm hồn của những người Do Thái vì họ đã không thực hành Lời Chúa phán: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt” (BĐI).
Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon”. Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của”. Những tư tế và những người lái buôn đưa súc vật vào trong khu vực Đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì lợi nhuận, và như thế họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa, dùng Đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tham vô đáy của họ.
Thật vậy, khi những người Do Thái, nhất là giới lãnh đạo của đền thờ Giêrusalem tổ chức buôn bán, đổi tiền… nghĩa là họ coi tiền bạc của cải vật chất là chủ của đời mình, và mượn danh Thiên Chúa để trục lợi. Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Đền thờ để phục vụ tư lợi.
Trong Mùa Chay, giáo hội mời gọi chúng ta trở về với lòng mình, để nhìn nhận sự thật về bản thân mình: điều gì đang khống chế ta, điều gì đang đè nặng trên cuộc đời ta, điều gì đang làm ô nhiễm tâm hồn ta… hay nói cách khác… ta đang tôn thờ thứ ngẫu tượng nào: tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực hay khoái lạc?
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”. Chúa Giêsu hôm nay cũng giận dữ như thế khi thấy tâm hồn chúng ta là đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi bị ô nhiễm, bị xuống cấp, bị xiêu vẹo… Mùa Chay là mùa tu sửa đền thờ là chính tâm hồn mình… để thực sự xứng đáng là nhà cầu nguyện và là nơi Thiên Chúa ở giữa con người. Amen.

4.3.12

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B

Biến Đổi Hình Dạng
 
Chắc hẳn ai trong chúng ta vẫn còn nhớ phim Tây Du Ký, trong đó có nhân vật rất nổi tiếng là Tề Thiên với phép thuật cũng rất nổi tiếng là biến hình đổi dạng. Biến đổi theo kiểu Tề Thiên là làm cho mình thành người khác, nhằm đạt được mục đích của mình. Còn biến đổi theo kiểu Chúa Giêsu là tỏ lộ chính bản tính đích thực của mình, hay nói nôm na là bày tỏ chính con người thực của mình. Chúa Giêsu hé lộ thiên tính của mình, hé lộ vinh quang Thiên Chúa nơi bản thân của mình cho 3 môn đệ thân tín trong lúc Người lên núi cao.
Với người Kitô hữu, việc biến đổi đích thực, biến đổi như Chúa Giêsu là làm cho hình ảnh của Thiên Chúa rực sáng lên trong cuộc đời mình, bởi lẽ con người được dựng nên giống hình ảnh vô cùng tốt đẹp của Thiên Chúa, nên phải trở về với bản chất đích thực của mình.
Với người Kitô hữu, việc biến đổi đích thực, biến đổi như Chúa Giêsu còn là làm cho hình ảnh tinh tuyền khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội được sáng mãi trong suốt cuộc đời mình, vì lúc trở về với tình trạng con trong Người Con là Chúa Kitô, chúng ta mới thực sự là mình.
Thế nhưng trong thực tế của cuộc sống, con người dường như thích biến đổi, biến hình theo kiểu của Tề Thiên, nghĩa là làm cho mình thành hình bóng của người khác, như vậy là đánh mất chính mình. Chẳng hạn không ít người có những cách ăn mặc, lối đi đứng, cách cư xử “sao y bản chánh” của một siêu sao bóng đá hay một diễn viên điện ảnh nổi tiếng nào đó. Thậm chí, không ít người, vô tình hay cố ý, còn tự làm “biến dạng” hình ảnh tinh tuyền của người Kitô hữu, làm hoen ố phẩm giá tốt đẹp của con người… vì ích kỷ, thiếu lòng khoan dung với tha nhân và không sống đúng với ơn gọi của mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biến hình theo kiểu của Chúa Giêsu, là mình hãy thực sự là chính mình, là trở về với tình trạng tốt đẹp khi chúng ta được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và khi chúng ta được tái sinh trong Bí tích Rửa tội.
Muốn được như vậy, chúng ta cần phải bắt chước Chúa Giêsu:
- Lên núi: không chỉ là từ bỏ một nơi chốn mà còn là ra khỏi chính bản thân mình, để tâm hồn được vươn lên cao, không bám víu vào những thực tại thế trần.
- Ở lại trọn vẹn: không phải để ngủ như Phêrô, Giacôbê và Gioan, mà để gặp gỡ Thiên Chúa cách riêng tư, để gắn bó và sống thân mật với Người.
- Xuống núi: sau khi rũ bỏ mọi thứ mặt nạ, thực sự gặp Chúa, thực sự là chính mình, chúng ta sẽ hăm hở tiến bước trong hành trình đời thường với một quả tim mới và một thần khí mới.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.