29.6.12

LỄ THÁNH PHÊRÔ PHAOLÔ


LỄ THÁNH PHÊRÔ PHAOLÔ - KỶ NIỆM 5 NĂM LINH MỤC
CHÁNH TOÀ NGÀY 29.6.2012

Cách đây đúng 1 năm, Cha Antôn “xí” giảng Lễ và ngài nói “chính vì xí giảng lễ nên ngài chia sẻ về Linh mục, nhân kỷ niệm ngày thụ phong”. Năm nay, tôi nói với Cha Antôn: “xin cha xí chủ tế Thánh Lễ, vì hôm nay đúng 5 năm ngày cha trở thành Linh mục của Chúa”. “Xúi” cha Antôn “xí” chủ tế đồng nghĩa với việc tôi “xí” giảng… và tôi thầm nghĩ rằng mình sẽ chia sẻ về Thánh Phêrô và Phaolô thôi… để cha Antôn “lỗ” ráng chịu!!! Nhưng rồi, hôm nay cùng chung tâm tình tạ ơn Chúa với họ đạo, đặc biệt với cha Antôn và mừng kính thánh Phêrô Phaolô, bổn mạng của nhiều người trong chúng ta… không chỉ có 3 cha nhà, mà còn có qúy cha khách, nhưng rất thân, rất thương của họ đạo, đó là cha Gabriel Sanh kỷ niệm 8 năm LM, cha Phêrô Thơ mừng Bổn Mạng, Cha Gioakim Dũng kỷ niệm 6 năm LM. Vì thế, tôi sẽ chia sẻ về hai thánh Phêrô và Phaolô cùng với chủ đề Linh Mục, nếu có dài dòng 1 tí thì… xin cũng ráng nghe!!!
1. Thánh Phêrô và Phaolô
- Lời hát nhập lễ hôm nay gợi lên cho chúng ta hình ảnh 2 thánh tông đồ Phêrô và Phaolô: “Hai người tiền phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng. Xưa đã chối Chúa 3 lần trong đêm tối. Xưa đem ngựa truy nã Chúa. Nhưng từ ngày Chúa chiếm hai lòng: hai lòng cùng hối, hai lòng cùng mến, hai lòng cùng nóng. Ngư phủ dùng chài bắt muôn linh hồn, người xưa hy sinh cho Chúa nên tông đồ gương”. Phêrô được ca tụng là “bàn thạch” - là nền đá. Phaolô được xưng tụng là “trụ đồng”… để Chúa có thể xây nên ngôi nhà Giáo Hội.
- Cho dù giữa Phêrô và Phaolô có những khác biệt: về gia cảnh, về trình độ học vấn, về tính tình, về môi trường truyền giáo và cả cái chết nữa, nhưng giữa hai ngài có nhiều nét tương đồng. Xin được chia sẻ 3 nét chung của của hai vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay:
* Một là sự hối cải: Phêrô chối Chúa, Phaolô bắt Chúa, nhưng cả hai đều hối cải. Hối cải theo nguyên ngữ hy lạp là metanoia, nghĩa là “trở về”,“thay đổi” trong nhận thức và thay đổi trong thái độ sống. Lời tuyên xưng của thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” và lời xác tín “Đức Kitô trong tôi” của thánh Phaolô là bằng chứng về sự hối cải đó.
* Hai là tình yêu mến: Phêrô và Phaolô đều yêu Chúa nồng nàn. Các ngài yêu Chúa vì cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, vì Người là “Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi”. Tình yêu của Chúa mời gọi. Tình yêu của hai vị thánh đáp lời, đến nỗi phải thốt lên như thánh Phêrô: “Thầy biết rõ mọi sự, Thấy biết con yêu mến Thầy”, và như thánh Phaolô: “Không có gì tách tôi ra khỏi tìnhh yêu của Đức Kitô”.
* Ba là lòng nhiệt thành: Cả hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô đều hăng say rao giảng Tin Mừng, dù cho phải đương đầu với muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù. Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết: “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu”. Lòng nhiệt thành khởi đi từ ý thức thật rõ ràng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
2. Tản mạn về đời linh mục
- Vào mỗi dịp kỷ niệm thụ phong Linh mục, người ta hay tính tuổi đời linh mục. Ví dụ hôm nay cha Antôn tròn 5 tuổi linh mục. Tính tuổi linh mục chẳng phải để tính công trạng, nhưng cần nhìn lại để một lần nữa cùng nhau cảm tạ hồng ân, đồng thời cũng cần dừng chân để “trở về” với tình yêu ban đầu, cần nhìn lại sám hối vì biết bao lỗi lầm yếu đuối… Thời gian 5 năm, 6 năm, 8 năm hay 12... trôi nhanh như nhịp thoi đưa. Nhìn lại thời gian ấy có biết bao nhiêu “tình”: Tình Chúa, tình người... và cũng thời gian ấy với biết bao nhiêu “tội”: tội với Chúa, tội với người... Nhưng trên hết: tất cả là hồng ân! Ý thức hồng ân của Chúa thì “như mưa như mưa rơi xuống đời con miên man miên man”, còn mình thì yếu đuối mọn hèn, vấp ngã đã bao nhiêu lần, tội lỗi cám dỗ con luôn mãi, đã khiến hồn con xa Chúa”... để biết sống khiêm tốn và phó thác hơn, để dễ cảm thông và thứ tha hơn.
- Rồi mai ngày, không biết người linh mục có còn yêu Chúa nhiều như những ngày đã qua? Mai ngày biết đâu người linh mục còn vấp ngã nhiều hơn trong sứ vụ? Mai ngày, rất có thể người linh mục chẳng làm nên trò trống gì…thậm chí có thể cũng chẳng còn hăng say như thời gian đầu đời linh mục?! Tuy nhiên, người linh mục phải tin rằng Chúa luôn yêu thương mình, Giáo Hội luôn ấp ủ mình, anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân luôn trợ lực mình. Tin tưởng và tín thác vào Chúa, vào Giáo Hội và vào lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa, một lần nữa người linh mục cần lập lại lời của cha Karl Rahner “tôi không hối tiếc vì đã là linh mục!”.
- Giáo Hội hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô: biết khiêm nhường hối cải mỗi khi lỗi lầm, biết yêu Chúa bằng tình yêu nồng nàn và biết nhiệt tâm chu toàn bổn phận của mình mỗi ngày để truyền rao Tin Mừng cứu độ. Và lời mời trở thành Phêrô và Phaolô của thời đại hôm nay không chỉ dành riêng cho các linh mục, mà còn gởi đến tất cả mọi Kitô hữu nữa. Vì lẽ đó, giờ đây xin mọi người cùng hợp giọng với các linh mục mừng bổn mạng cũng như kỷ niệm ngày thụ phong hôm nay trong lời ca: “Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, dám đi vào một cuộc phiêu lưu, dám xin vâng, dám lên đường, dám trả lời lạy Chúa con đây. Xin cho con dám dấn bước theo Ngài dẫu trên đường còn nhiều chông gai, dám hy sinh, dám quên mình, dám sẵn sàng thực thi Ý Ngài. Xin cho con trở nên của lễ, sát tế mỗi ngày để kính dâng Cha. Xin cho con trở nên nhỏ bé, để Chúa lớn lên trong con từng ngày…”.

3.6.12

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - B

MOTHER’S DAY
 
Kính thưa quý ÔBACE,
Hôm nay là ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm, theo truyền thống Âu - Mỹ, là ngày Mother’s Day - Ngày của Mẹ, và đặc biệt lại nằm trong tháng Hoa kính Đức Mẹ, nhất là vào ngày mai CN 13 tháng 5, một ngày hết sức trọng đại và đầy linh thiêng của Tháng Hoa này - ngày Đức Mẹ Fatima - kỷ niệm lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ tại Fatima. Vì thế, tôi xin dành ít phút này để chia sẻ với quý ÔBACE về vai trò của người mẹ trong cuộc đời của chúng ta, theo mẫu gương Mẹ Maria, nhất là khi nhìn dưới lăng kính của Lời Chúa chúng ta vừa nghe.
1. Mẹ là người sinh ra ta
Cho dù “ta” đây là ai đi chăng nữa: là giáo hoàng hay giáo dân, là trí thức hay bình dân, là tổng thống hay phó thường dân nam bộ… thì ai trong chúng ta cũng có một người mẹ. Chính con Thiên Chúa nhập thể cũng có một người mẹ như bao người là Đức Maria.
Chuyện kể rằng: vào năm 1884, linh mục Sartô được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII bổ nhiệm làm Giám mục. Việc đầu tiên sau ngày tấn phong của đức tân giám mục là về quê thăm mẹ. Mẹ già yếu nằm trên giường bệnh, con nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, chìa bàn tay phải ra rồi thỏ thẻ khoe: “Mẹ xem chiếc nhẫn giám mục của con có đẹp không?”. Bà mẹ không trả lời, chỉ lẳng lặng chìa bàn tay trái ra trước mặt con và thều thào nói: “Có chiếc nhẫn cưới này của mẹ thì mới có chiếc nhẫn giám mục của con”. Sartô chỉ còn biết quỳ xuống hôn chiếc nhẫn cưới của mẹ, sau đó mẹ cũng cố gắng quỳ lên hôn chiếc nhẫn giám mục của con. Về sau, vào năm 1903, khi Đức Giáo Hoàng Lêô từ trần, Hồng Y Sartô được bầu làm Giáo Hoàng lấy danh hiệu là Piô X. Ngài đã trở thành một vị thánh, đó chính là thánh Giáo Hoàng Piô X.
2. Mẹ là người nuôi dưỡng ta
Sinh thành ra con đã khó, nuôi dưỡng con còn khó hơn bội phần. Khi nói về công ơn nuôi dưỡng của người mẹ dành cho con cái, người ta hay kể giai thoại này: Gần đến Lễ Giáng Sinh, một cậu bé đưa cho mẹ nó một tờ giấy và nói: “Mẹ hãy đọc ngay rồi cho con biết ý kiến”. Mẹ cầm tờ giấy của đứa con trai cưng và đọc thấy những dòng chữ sau đây: “Giấy nợ của mẹ trong tháng 12: giữ nhà cho mẹ đi dạo phố với bố, 30.000; giữ em cho mẹ đi chợ, 20.000; quét nhà thay cho mẹ, 20.000; nấu cơm cho mẹ đi siêu thị, 20.000… Danh sách khá dài, thằng bé gạch ngang một cái phía dưới và tổng kết: Mẹ còn nợ con trong tháng 12 là 300.000”. Người mẹ không nói gì, lẳng lặng lật qua trang bên kia, ghi vội vài dòng chữ, đưa cho con trai và nói: “Con cũng hãy đọc mấy dòng này rồi cho mẹ biết ý kiến”. Cậu bé chụp ngay tờ giấy và đọc thấy mẹ viết như sau: “Nặng nhọc chín tháng mười ngày cưu mang con, miễn phí; sinh con trong đớn đau và nước mắt, miễn phí; nhiều lần quặn thắt khi con té ngã trong những bước đi chập chững đầu đời, miễn phí; nhiều lần thức trắng đêm vì con đau bệnh, miễn phí; nhiều lần bạc đầu vì lo lắng cái ăn, cái mặc cho con, miễn phí; những lần gạt nước mắt lắng lo dõi theo bước chân xa mẹ khi đưa con đến trường, miễn phí”. Cậu bé chỉ biết khóc ròng… Khóc chán chê, nó lật tờ giấy sang trang thứ nhất, lấy bút xóa sạch dòng chữ “Mẹ còn nợ con 300.000 đồng”, và sửa lại là “Con vẫn còn nợ mẹ một trái tim!”.
3. Mẹ là người giáo dục ta
Người Việt Nam chúng ta có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!”. Thật ra, đây chỉ là một kiểu nói ngược, nhằm nhấn mạnh đến điều này là: “Con ngoan nhờ mẹ, cháu ngoan nhờ bà”. Quả thật, về phương diện giáo dục con cái, người mẹ có ưu thế hơn người cha. Mẹ cưu mang con chín tháng mười ngày, cho con bú mớm, tập cho “con lật, con bò, con ngồi, con đi”, dạy cho con “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chính vì thế, người con thường gắn bó với mẹ và dễ nghe lời mẹ răn dạy hơn. Lịch sử của xã hội cũng như của Giáo hội đã chứng minh một cách rất thuyết phục về ảnh hưởng giáo dục của người mẹ trên con cái. Chẳng hạn nhờ có những người mẹ thánh thiện mà chúng ta mới có những vị hiển thánh như Augustinô, Gioan Boscô, Piô X…
4. Mẹ Maria - người Mẹ trên cả tuyệt vời
Nếu người mẹ trần gian đã đưa chúng ta vào đời qua tiếng “Xin vâng” trong Bí tích Hôn phối, thì Mẹ Maria đã đưa chúng ta vào quê hương bất diệt qua tiếng thưa “Xin vâng” trong biến cố Truyền tin và dưới chân thập giá: “Này là con Bà! Này là Mẹ con!” (Ga 19,26-27). Phải, chỉ có một tình yêu bao la hơn cả đại dương, một tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương… mới làm cho Mẹ Maria trở nên người Mẹ trên cả tuyệt vời của nhân loại qua mọi thời nọi nơi. Tình yêu tuyệt diệu của Mẹ Maria thể hiện không thể chối từ qua những lần Mẹ hiện ra để an ủi đỡ nâng, để nhắn nhủ hướng dẫn con cái của Mẹ… Chỉ cần chúng ta lướt qua những biến cố liên quan đến ngày 13.5 cũng làm cho chúng ta xác tín về điều này:
- Ngày 13.5.1917 tại Fatima: Ba trẻ Lucia, Gaxinta và Phanxicô được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên.
- Ngày 13.5.1981 tại Rôma: Tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca đã dùng một khẩu súng lục loại Browning HP 35 nhắm bắn vào đầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một cuộc tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhưng chỉ trúng vào bụng mà thôi. Francesco Cruscitti, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật của bệnh viện, đã nói với Đức Thánh Cha: “Thật là một điều không thể tin được, nhưng thực sự đã xảy ra là những viên đạn chỉ bay trật các cơ quan trọng yếu nhất trong người Đức Thánh Cha bằng một kẻ tóc mà thôi, một điều khó xảy ra được. Thưa Đức Thánh Cha, qua sự kiện đó người ta có cảm giác như thể có một quyền lực hay một bàn tay vô hình nào đó cầm những viên đạn và hướng chúng bay sang một nơi khác”.
- Ngày 13.5.1982 tại Fatima: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khiêm tốn quỳ gối trước tượng Đức Mẹ để tạ ơn cứu sống của Mẹ và dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
- Ngày 13.5.2000 tại Fatima: Hai trong ba trẻ thị kiến Đức Mẹ hiện ra năm 1917, là Phanxicô và Giaxinta, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng Chân Phước.
5. Kết luận
Kính thưa quý ÔBACE rất thân mến,
Trong tông huấn “Marialis cultus” bàn về việc tôn kính Mẹ Maria, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dạy chúng ta rằng: “Đức Maria đã đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ”. Hành trình đức tin của Mẹ là hành trình của người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Xin Mẹ dạy cho các hiền mẫu, nhất là những người Mẹ trong họ đạo chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và biết thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Xin Mẹ giúp cho mỗi người chúng con luôn biết thảo kính mẹ của mình, và nhất là luôn biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương, để cuộc đời của mỗi người chúng ta ngập tràn niềm vui trong Chúa và nhờ đó mà niềm vui của chúng ta được trọn vẹn. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN - B



CHÚA LÊN TRỜI


Kể từ ngày Truyền thông xã hội thế giới đầu tiên, lễ Thăng Thiên năm 1966, hàng năm, các Đức giáo hoàng đều gởi 1 Sứ điệp cho tất cả mọi người. Năm nay, 2012, Đức Bênêđictô XVI chọn chủ đề cho sứ điệp là “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”.
Nhưng vấn đề ở chỗ tại sao Giáo Hội lại chọn ngày lễ Chúa Thăng Thiên làm ngày truyền thông thế giới? Lẽ dĩ nhiên chẳng phải vô tình mà Giáo Hội chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Mà lý do là ở chỗ này: lễ Thăng Thiên luôn gắn liền với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15). Vì vậy Ngày Truyền Thông Thế Giới luôn gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Và trong sứ điệp truyền thông năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, khi truyền thông Tin Mừng, cần phải có sự hài hòa giữa “thinh lặng” và “lời nói”.
Thật vậy, thinh lặng để có thể lắng nghe. Thinh lặng để có thể nghiền ngẫm và truyền thông cách trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác và có tinh thần trách nhiệm.
Tuy nhiên, khi nói đến truyền thông, người ta thường nghĩ ngay đến những “kênh” rất quen thuộc như báo điện tử, báo viết, báo hình… Chẳng hạn như trong những ngày vừa qua, trên internet, báo viết, ở quán cà phê hay ở vỉa hè… người ta bàn tán xôn xao về một vụ việc ở Gia Lai. Đó là vào ngày 13.5 vừa qua, 1 sản phụ mang thai 7 tháng tuổi đến một phòng khám tư ở thị trấn Chư Sê yêu cầu được bỏ em bé. Lý do là trước đó chị siêu âm tại bệnh viện tỉnh và một bệnh viện ở Sài Gòn đều cho kết quả thai dị tật và được bác sĩ khuyên nên phá thai. Bé gái được kích sinh sớm, vừa chào đời đã được gia đình và bác sĩ cho vào túi nilon để mang ra nghĩa địa chôn cất mà không kiểm tra kỹ. Đến khi sắp chôn, người nhà mới phát hiện bé còn sống, diện mạo hoàn toàn bình thường không thấy dị tật nên đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu. Tuy nhiên, do không được chăm sóc sơ sinh đúng cách nên bé đã tử vong ngay trong ngày.
Thật ra, việc truyền thông Tin Mừng, hay nói theo ngôn từ của Lời Chúa hôm nay là thực thi mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi Người về Trời là “Hãy loan báo Tin Mừng cho mọi lọai thọ tạo”, không chỉ bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hình ảnh… mà phải bằng 1 “kênh” rất quan trọng, rất hữu ích… đó chính là bằng hành vi yêu thương!
Thật vậy, khi sử dụng lời nói, chúng ta truyền thông từ miệng đến tai. Khi sử dụng hình ảnh, chúng ta truyền thông từ hình ảnh đến mắt… Còn khi sống yêu thương, chúng ta truyền thông Tin Mừng từ trái tim đến trái tim!
Vì thế, chúng ta hãy cầu chúc và cầu nguyện cho nhau biết thực thi lệnh Chúa truyền là loan báo Tin Mừng, bằng truyền thông Tin Mừng ngay trong chính đời sống yêu thương của mình hằng ngày. Chúng ta hãy hiệp ý trong lời nguyện xin sau đây:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó. Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em. Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh, để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị đón nó ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời, không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian, không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

LỄ CHÚA THÀNH THẦN HIỆN XUỐNG - B

NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT
 
1. Trong sách Sáng Thế ký ghi lại câu chuyện tháp Babel (St 11, 1-8). Khi đó nhân loại muốn cùng nhau xây một tháp cao tới trời. Điều này không chỉ là mong muốn bày tỏ tình hiệp nhất, mà con là một sự thách thức với Thiên Chúa. Kết quả thật thảm hại; nhân loại đã không thực hiện được mong ước ngông cuồng của mình, mà lý do là vì “ngôn ngữ khác biệt”, vì người ta “không hiểu nhau”! Và câu chuyện Babel năm xưa vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay: trong gia đình, trong họ đạo, trong xã hội, trên thế giới… vẫn còn đó những bất đồng, vẫn còn đó những khác biệt, vẫn còn đó những chia rẽ.
2. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất. Sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta nghe trong Bài đọc I đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về một biến cố làm xoay chiều lịch sử : dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da… đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp Tin Mừng do các Tông Đồ loan báo. Phêrô và các tông đồ nói bằng tiếng Do thái, nhưng ai cũng hiểu được bằng ngôn ngữ của chính mình. Như vậy, câu chuyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một sự “sửa lại” câu chuyện Tháp Babel ngày xưa. Hiệp nhất thay cho chia rẽ. Đồng thuận thay cho bất đồng. Tình yêu thay cho oán ghét. Hoà bình thay cho chiến tranh.
3. Thế nhưng sau 2000 năm Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vẫn đang miệt mài với công trình xây dựng Nước Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất… dường như nhân loại vẫn chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Dường như con người vẫn thích thứ ngôn ngữ ích kỷ hơn là ngôn từ quảng đại vị tha, thích ngôn ngữ hiếu chiến và gây hấn hơn là ngôn từ hoà bình và hợp tác, thích ngôn ngữ hận thù hơn là ngôn từ yêu thương.
Trong thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã có những nhận định rất thẳng, rất thật và rất chính xác về hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay như sau : Tình trạng lạm phát, tệ nạn tham nhũng và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia… làm cho đời sống người dân thêm khó khăn. Môi trường sống thiếu vệ sinh và đang bị tàn phá, hệ thống giao thông và y tế yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực… Với Giới trẻ Việt Nam thì chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh… đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích.
4. Vì thế, “Lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao trong thời điểm hiện tại và Lễ Ngũ Tuần phải được thể hiện trong từng tâm hồn, trong từng gia đình, trong từng cộng đoàn và trong mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam hôm nay. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội cũng như trong xã hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những lớp vỏ bọc của sự kiêu căng và tự ái, của sự giả hình và thỏa hiệp, của sự khiếp nhược và bất khoan dung… Nói cách khác, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong xã hội chứ không phải một thế lực hay một trào lưu, một ý thức hệ nào, bởi vì chỉ trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể
5. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay là làm sống động mối liên hệ sâu thẳm và thân tình giữa Thiên Chúa và con người trong Chúa Phục Sinh. Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng ta nỗ lực làm trổ sinh những hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 23). Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay còn là cơ hội để chúng ta ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện của hận thù và ghen ghét, của chia rẽ và cách ngăn, của đố kỵ và bất khoan dung nơi chính cuộc sống của mình, nơi gia đình của mình, nơi họ đạo của mình, và trong xã hội chúng ta đang sống.
Được như thế thì lễ Chúa Thánh Thần được cử hành hôm nay không chỉ là một lễ kỷ niệm, một sự tưởng nhớ, mà chính là sự nối tiếp biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cách đây gần 2000 trên các Tông Đồ. Và chính vì vậy, chúng ta lại được mời gọi và thúc đẩy “mở tung cánh cửa” của trái tim mình… để đón nhận ngọn lửa Thánh Thần và ra sức dựng xây tình hiệp nhất trong gia đình, trong họ đạo và trong xã hội. Chỉ với sự hiệp nhất trong Thánh Thần, chúng ta mới có thể thực thi cách trọn vẹn lệnh truyền của Chúa Giêsu : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Bài TM). Amen.

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - B



MỘT CHÚA BA NGÔI
Dấu Thánh giá chúng ta làm thường chỉ mất độ 10 giây! Mười giây để tuyên xưng Mầu Nhiệm cao cả nhất trong đạo! Nhưng mà để có được lời tuyên xưng 10 giây ấy, là cả một hành trình dài đăng đẳng, từ đời nọ tới đời kia:
- Khi nhân loại còn nghĩ rằng vũ trụ này được điều khiển bởi… vô số các vị thần… nên thờ đa thần… thì Thiên Chúa đã mạc khải Người là Thiên Chúa duy nhất qua Abraham, và nhất là với giao ước Sinai.
- Khi dân riêng của Chúa vẫn năm lần bảy lượt nghiêng nghả qua hết vị thần này đến vị thần khác… thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục gởi các tiên tri đến để cảnh tỉnh, để loan báo và đễ mời gọi họ giữ trọn giao ước Sinai là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
- Khi đến thời đến buổi, chính Con Thiên Chúa đến để nói cho con người biết Thiên Chúa duy nhất ấy là Cha, Con và Thánh Thần… nhưng cũng biết bao người chống đối… thậm chí còn thủ tiêu Người.
Vậy mới rõ, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm khó hiểu nhất, khó chấp nhận nhất! Vì đó là một Mầu Nhiệm lớn nhất, sâu xa nhất, cao vời nhất và khó lý giải nhất. Thế nhưng, chỉ cần dừng lại ở công thức mà chúng ta vẫn tuyên xưng “Một Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi một Chúa” thì chúng ta đã có thể rút ra được nhiều điều bổ ích cho đời sống cộng đoàn của mình.
Trước hết “Một Chúa Ba Ngôi” nói lên một tình yêu chia sẻ. Tình yêu ấy là một tình yêu chia sẻ, vì không chỉ gói gọn trong Ba Ngôi Thiên Chúa mà còn mở rộng đến mọi loài thụ tạo, nhất là con người. Lời Đức Giêsu nói với Nicôđêmô là lời khẳng định về tình yêu chia sẻ đó : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…”. Bức Icone diễn tả Chúa Ba Ngôi như ba vị ngồi quanh một bàn ăn và vẫn còn một ghế trống... như một lời mời gọi chúng ta bước vào tình yêu chia sẻ của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kế đến “Ba Ngôi Một Chúa” nói lên tình hiệp nhất trọn vẹn. Hiệp nhất không là đồng hoá, không là “cá mè một lứa”, không là đánh mất cái độc đáo của mình. Đây là sự hiệp nhất trong khác biệt, hiệp nhất mà vẫn giữ được nét riêng của từng ngôi vị. Sự hiệp nhất này không là một sự vong thân mà là triển nở và nâng ngôi vị lên một tầm cao mới. Chúng ta vẫn thường tuyên xưng “Chúa Cha là Đấng dựng nên ta, Chúa con Cứu chuộc ta và Chúa Thánh Thần thánh hoá ta” đó thôi.
Như vậy, mừng Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là mừng một Mầu Nhiệm xa xôi, chẳng ăn nhập gì đến cuộc sống chúng ta. Trái lại mừng Lễ Chúa Ba Ngôi là một lời mời gọi chúng ta hãy làm sống động Mầu Nhiệm Ba Ngôi một Chúa trong đời sống cộng đoàn chúng ta.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chỉ được thể hiện khi chúng ta biết yêu thương nhau thực sự, không môi mép, không khách sáo, không đóng khung trong một nhóm nhỏ nào. Tình yêu ấy phải là một tình yêu chia sẻ, nghĩa là mở rộng đến mọi người, chẳng phân biệt một ai.
Rồi Mầu Nhiệm này sẽ được hiện thực hoá trong cuộc sống khi chúng ta biết vun trồng ơn hiệp nhất trong cộng đoàn. Hiệp nhất trong cùng một ơn gọi, cùng một lý tưởng nhưng vẫn không làm mất đi dáng vẻ đặc biệt của từng người. Muốn vậy, có lẽ chúng ta cần mỗi ngày bỏ đi một chút cái tôi của mình, phát huy những điểm chung của nhau và tôn trọng sự khác biệt của tha nhân.
Xin Chúa Ba Ngôi hiện diện sống động trong cộng đoàn chúng ta. Và xin cho chúng ta luôn là một phản ánh rõ nét cho sự hiệp nhất và tình yêu chia sẻ của Chúa Ba Ngôi.