MẤT ĐỂ
ĐƯỢC - CHẾT ĐỂ SỐNG
Gr 31,
31-34 ; Dt5, 7-9 ; Ga 12, 20-33
Kính thưa qúy ÔBACE
Một buổi
sáng cuối tháng 7 năm 1941, tại trại tập trung Auschwits của Đức Quốc Xã có một
người tù vượt ngục. Và theo quy định khủng khiếp là nếu một người trốn trại thì
sẽ có mười người khác thế mạng. Giám thị trại giam tập họp tù nhân lại và đếm
ra 10 người. Một trong đám mười người bị tử thần điểm danh này bỗng òa khóc:
“Trời ơi, vợ tôi, con tôi! Tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa!”. Bỗng nhiên 1
nguời gầy guộc rời hàng bước ra tiến về phía tên giám thị. Mọi người nín thở.
Chuyện chưa từng có! Viên giám thị đặt tay trên súng: “Anh muốn gì?” - “Tôi xin
chết thay cho người này”. Viên trại trưởng sửng sốt, tưởng mình nghe lầm. Nhưng
không, người kia thục sự muốn chết để cho kẻ có vợ và các con đang chờ ở nhà
được sống. Người dám chết thay cho người khác được sống đó chính là cha
Maximilien Kolbe. Người tù thoát chết tên là Francis Gap Wniczek kể lại chuyện
này. Anh nói sau cái chết của Cha Kolbe, tinh thần trại giam thay đổi hẳn. Mọi
người đối xử với nhau rất thân ái, chia sẻ từng mẩu bánh, từng muỗng canh, ai
cũng cảm phục và muốn noi gương vị Linh mục đã hy sinh mạng sống để cứu một
người anh em.
Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Thánh cho Cha Kolbe vào tháng 10 năm 1983, và
đặt Ngài làm bổn mạng của thời đại khó khăn. Giáo Hội mong ước các tín hữu noi
gương Cha Kolbe, và cũng là noi gương Chúa Giêsu, sẵn sàng hy sinh cho anh em
đồng loại.
Kính thưa
qúy ÔBACE
Để có được
1 quyết định anh hùng như cha Kolbe thật chẳng dễ dàng chút nào. Tại sao tôi
phải chết để người khác được sống ? Đành rằng Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta
biết “chết đi để sinh nhiều bông hạt”, nhưng có ích gì khi chính tôi bị tan vỡ
? Vì thế, thường thì chúng ta thích chấp nhận là hạt lúa trơ trọi 1 mình chứ
không muốn là hạt lúa bị chôn vùi, bị chết đi…
Trong bài
TM hôm nay, ĐG đã dùng hình ảnh hạt lúa để diễn tả thân phận của Người và cũng
là để dạy chúng ta một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý : Mất để được, chết để
sống.
Nếu suy nghĩ
nông cạn thì mất là không còn, chết là hết. Đơn giản vậy thôi. Nhưng nếu suy
nghĩ cặn kẽ hơn thì chưa hẳn như vậy. Có thể nhờ mất mà lại được, nhờ chết mà
lại sống. Thoạt nghĩ xem ra thật phi lý, nhưng nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy rất hợp
lý.
Có rất
nhiều ví dụ trong tự nhiên và trong đời thường. Một bà nột trợ dám bỏ tiền ra
mà mua, nghĩa là dám mất… tiền để đánh đổi lấy hàng hoá mà bà tin rằng nó quý
hơn hoặc ít là cân xứng với đồng tiền mình bỏ ra. Đó là ví dụ mất để được. Còn ví
dụ chết để sống thì có ngay trên thân thể mình. Hàng ngày có biết bao tế bào
già nua trong cơ thể ta chết đi để cho những tế bào mới sinh ra. Hãy nhìn gương
mặt của chúng ta: nếu những tế bào da có từ ngày chúng ta chào đời vẫn sống mãi
cho đến hôm nay thì chắc chắn khuôn mặt của chúng ta sẽ đen đủi, nhăn nheo và
xấu xí lắm. Sở dĩ da mặt của chúng ta luôn mịn màng là nhờ những tế bào già lão
kia dám chấp nhận chịu chết để cho những tế bào mới được sinh ra.
ĐG đã nói,
đã dạy chúng ta và quan trọng nhất là Người đã sống chân lý xem có vẻ nghịch lý
này. Người cũng như hạt lúa chết đi, sự sống cuả Người bị chôn vùi trong khổ
nạn và sự chết. Nhưng hạt lúa Giêsu đã Phục sinh, hóa thân thành muôn ngàn hạt
lúa ở khắp 4 phương trời, qua muôn ngàn thế hệ. Đó là các KTH, là chính mỗi
người chúng ta hôm nay.
Tôi là một
hạt lúa. Hạt lúa của tôi hôm nay cũng phải noi theo hạt lúa Giêsu, cũng phải đi
theo tiến trình mà hạt lúa Giêsu đã đi, nghĩa là tôi cũng phải chấp nhận mất,
chấp nhận chết đi để sự sống đời đời được hé nụ. Hôm nay có lẽ không có tình
huống để tôi có thể chết thay cho người khác như cha Kolbe, nhưng cũng có những
mất mát, những cái chết âm thầm đã và đang đem lại cho đời này thêm sức sống,
thêm hương sắc.
Mỗi khi
tôi hy sinh hãm mình, mỗi khi tôi vượt lên trên những tham sân si, mỗi khi tôi
thoát ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, nhỏ nhen, kiêu căng, ghen ghét… thì cũng giống như
con người tự nhiên của tôi phải chết đi một phần. Nhưng có như thế thì con
người siêu nhiên của tôi mới lớn lên, sự sống vĩnh hằng mới nảy mầm trong cuộc
đời mình.
Lạy CG, xin kéo chúng con lên với Chúa, xin lôi chúng
con ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình để chúng con dám hiến thân, hi sinh, quên
mình, từ bỏ… trong từng giây từng phút của cuộc sống, giống như hạt lúa chấp
nhận bị vùi lấp và thối đi, để góp cho cánh đồng cuộc đời này thêm một cây lúa
nhỏ. Xin cho lời Kinh Hòa Bình luôn vang mãi trong cuộc đời chúng con: “chính
khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản
thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Ước gì mỗi người chúng con
dám sống Mầu Nhiệm Vượt Qua, dám đi từ cõi chết đến nguồn sống, dám đi từ cái
tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở truớc Thiên Chúa và tha nhân. Amen.