9.1.08

MÙA GIÁNG SINH XA QUÊ HƯƠNG


MÙA GIÁNG SINH XA QUÊ HƯƠNG



Mùa Giáng Sinh lại về với cái lạnh cắt da nơi đất khách quê người. Có người bảo mùa đông đầu tiên thấy không lạnh lắm, vậy mà mùa đông này là mùa đông thứ tư nơi trời Tây rồi, sao lại cảm thấy “lạnh lẽo” hơn?! Có thể là do năm nay thời tiết có phần lạnh hơn năm rồi nhưng dường như đâu đó cũng phảng phất cái lạnh lẽo trong tâm hồn?

Với cái nhìn khách quan, Lễ Giáng Sinh ngày nay đã bị thương mại hóa. Mùa Giáng Sinh là mùa “đại hạ giá”, mùa mua sắm, mùa tặng quà, mùa du lịch... Theo một thống kê trên đài truyền hình “Rai 1” của Ý thì trong kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh năm nay sẽ có 10 triệu người Ý đi du lịch trên tổng số chưa đến 60 triệu dân. Như thế, trong kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới này 1 phần 6 dân Ý đi nghỉ hoặc đi du lịch. Dạo một vòng phố phường, mình thấy tràn ngập bánh trái, hoa đèn, hàng hoá ... như thể ai cũng tranh thủ bán cho hết vào dịp cuối năm.

Không khí chuẩn bị Lễ Giáng Sinh tại các nhà thờ có vẻ âm thầm lặng lẽ hơn ở Việt Nam. Không có cảnh tập dượt văn nghệ, không có cảnh tập trung nhiều người để dọn hang đá, sơn phết sửa sang nhà thờ... Có lẽ chỉ ở Quảng Trường Thánh Phêrô là có cảnh nhộn nhịp của việc chuẩn bị một hang đá thật lớn và cây thông Noel hàng trăm tuổi. Thông thường, người ta chỉ đến dự Lễ Giáng Sinh rồi mau chóng trở về cùng nhau quây quần bên mái ấm gia đình. Như vậy, trong khi tại Việt Nam, nhà thờ chính là điểm trung tâm của Đêm Giáng Sinh, thì ngược lại, bên Tây người ta chú trọng hơn đến “bữa tiệc gia đình” sau Lễ Giáng Sinh.

Trong dịp Lễ Giáng Sinh này, đại đa số các cha cùng chung Học Viện đã đến các xứ đạo của Ý để giúp mục vụ hoặc đi nghỉ ở nước ngoài. Còn mình nhận lời dâng Lễ Đêm tại một nhà Dòng nữ qua sự giới thiệu của cha linh hướng Học Viện. Chả biết Dòng đó lớn bé thế nào, xa hay gần... chỉ biết là “đúng 11g20 đêm sẽ có người tên Nicola đến đón cha ở trước cổng!” Đúng giờ mình ra cổng và thấy không phải một mà 3 anh chàng da đen dang đứng đợi. Sau phút trấn tĩnh, mình hỏi thăm xem có đúng người đón mình hay không rồi mới dám mở cổng. Tạ ơn Chúa, đó là 3 chủng sinh người Kenya đang học ở Roma. Họ đưa mình đến 1 nhà dòng nữ ở ngoại thành Roma để dâng Lễ Nửa Đêm. Nhà Dòng này có khoảng 15 soeurs mà mình phải gọi là “bà ngoại” hay “bà cố” vì người trẻ nhất đã ngoại thất tuần! Ngoài các soeurs còn có sự hiện diện của một số giáo dân nữa, nhưng chủ yếu cũng là những người lớn tuổi. Mình rảo mắt tìm kiếm mãi mới có thể tìm được 3 người có thể gọi là... giới trẻ. Tuyệt nhiên không có 1 em thiếu nhi nào.

Nhìn chung dân Roma sẽ lợi dụng kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới để đi du lịch nơi này nơi kia như Thánh Địa Bêlem, những vùng núi cao để trượt tuyết..., trong khi du khách từ khắp nơi lại có dịp tuôn về Roma vào dịp này, vì so với những nơi khác tại châu Âu, Roma là thành phố “ấm áp” hơn cả, nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ khoảng -1 hoặc 0°C mà thôi, hơn nữa lại không có tuyết và thường có “nắng ấm” mặt trời. Tuy nhiên điểm đặc biệt để du khách đổ về Roma vào dịp cuối năm chính là để viếng thăm Vatican, tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh do Đức Thánh Cha chủ sự, ngắm nhìn hang đá khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrô và nghe Đức Thánh Cha công bố sứ điệp Giáng Sinh cùng với Phép Lành cho thành Roma và cho toàn thế giới qua phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh và truyền hình). Trong dịp này Đức Thánh Cha cũng chúc mừng Giáng Sinh cho mọi quốc gia trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Khi ngài nói “chúc mừng Giáng Sinh”, mình nghe có lời hoan hô lớn tiếng như để bày tỏ sự hiện diện của dân Việt tại thánh đô.

Ngoài việc “hướng ngoại” để quan sát, tìm hiểu và học hỏi, mình dành nhiều thời gian để “hướng nội” nhằm suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Qua biến cố Giáng Sinh, Con Thiên Chúa trở nên con người để con người có thể thực sự trở thành con Thiên Chúa.

Thật là một ân huệ của Chúa ban khi trong thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến, mình được tham dự Thánh Lễ Kỷ Niệm 40 năm Linh Mục của Đức Ông Khả vào ngày 22.12.07. Thánh Lễ bằng tiếng Việt rất đơn sơ giản dị nhưng thật xúc động. Từng tiếng hát, câu kinh, lời chia sẻ và cả sự xúc động của Đức Ông đã khiến mình càng ý thức hơn về Ơn Gọi Linh Mục mà Chúa đã thương ban, dù mình thật bất xứng, bất tài. Lời hát nhập lễ khiến tâm hồn mình bồi hồi, cảm xúc dâng trào: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến.... Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời...” Vâng, Chúa chỉ có thể đến được khi ta biết “để” cho Người ngự đến. Hay nói theo ngôn từ của Thánh Augustino là để dựng nên ta thì Chúa không cần có ta, nhưng để cứu chuộc ta thì Chúa lại phải cần có ta.

Cuộc đời của mình được bao bọc bởi biết bao hồng ân của Chúa, qua Giáo Hội, qua gia đình, thân nhân, ân nhân, những người thân thuộc và qua mọi người mà mình gặp gỡ. Vậy mà thật hiếm khi mình cảm nhận sâu sắc những ân huệ đó để dâng lời tạ ơn Người và biến cuộc đời mình thành lời tạ ơn liên lỉ. Mình vẫn thường thoải mái cho phép những giá trị trần thế hiện diện trong cuộc đời mình nhưng chỉ thi thoảng mình mới biết thật sự mở rộng tâm hồn để Chúa hoàn toàn chiếm đoạt và điều hướng những hành vi lớn nhỏ trong cuộc đời.

Nhìn ngắm Hang Đá Bêlem, mình mong mỏi được nghe tiếng của Hài Nhi Giêsu thì thầm. Và trong tận thẳm sâu của tâm hồn, Hài Nhi Giêsu mời gọi mình chiêm ngắm thái độ của những con người hiện diện chung quanh Người trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh.

Đức Maria:

Với lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã đại điện cho nhân loại trở thành “đối tác” với Thiên Chúa trong công trình Cứu Độ của Người. Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa cho nhân loại. Mẹ đem ánh sáng của Đấng Cứu Độ cho cuộc đời tăm tối. Mẹ mang lại cho nhân loại đang sống trong âu lo chán chường niềm Hy Vọng lớn lao nhất. Mẹ là cầu nối giữa trời và đất. Nhưng Mẹ thực thi tất cả những điều này như một nữ tỳ, trong khiêm nhu, tin yêu và phó thác. Vậy, để Đấng Cứu Độ có thể đến được trong cuộc đời của mình, mình cũng được mời gọi sống tâm tình "xin vâng" của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Thánh Giuse:

Thánh Giuse được gọi là “người công chính” vì đã biết tìm ra ý Chúa và thi hành trọn vẹn thánh ý của Người cho dù không hiểu hết được Thiên Ý nhiệm mầu. Người thợ mộc của quê nghèo Nagiaret biết buông bỏ cuộc đời mình cho Chúa sử dụng để rồi phải bôn ba khắp nơi: Bêlem, Ai cập rồi lại về Nagiaret. Là người chủ trong gia đình, nhưng thánh Giuse lại là người... ít nói nhất, đúng hơn là hoàn toàn thinh lặng. Chính trong sự thinh lặng của cuộc đời, thinh lặng liên lỉ, thánh Giuse mới có thể đón nhận và chu toàn ý Chúa. Thinh lặng làm ta nhạy cảm hơn trước lời mời gọi của Chúa, nhất là trong bối cảnh ồn ào của thế giới văn minh hiện nay, một thế giới xem chừng rất sợ sự thinh lặng.

Các mục đồng:

Họ là những người thất học, cơ hàn, chất phác, hay nói theo kiểu dân miền Tây nam bộ là những anh “hai lúa”, ngày ngày chỉ biết đến đàn súc vật, tối tối phải thức canh chừng... Trong cảnh nghèo cả tinh thần lẫn vật chất như thế, họ đã nhận được lời loan tin Đấng Cứu Độ đã Giáng Sinh. Đó chẳng phải là mẫu “người nghèo của Yahvé” mà Cựu Ước đã từng nhắc tới hay sao? Qua những mục đồng, Chúa muốn dạy mình một bài học thật quý giá: phải trở nên “nghèo”, trở nên “tay trắng như không” thì mới có thể gặp gỡ được Người. Cái “nghèo” của một tâm hồn ý thức mình không là gì, chẳng có công lênh chi để rồi có thể đến với Chúa chỉ với tâm lòng đơn thành. Và Chúa sẽ đong đầy hồng ân.

Những nhà chiêm tinh:

Dường như trái với những người mục đồng, những chiêm tinh gia là những người giàu có, có chức có quyền, thông thạo thiên văn địa lý. Nhưng điều đáng nói là tất cả những thứ họ có không phải là mục đích của cuộc đời. Khi đã nhận ra được dấu hiệu của Đấng mà họ hằng tìm kiếm, lập tức họ bỏ lại tất cả, lên đường tìm kiếm Người. Đấy chính là “tâm tình nghèo”, tâm tình của con người "khát khao chân lý" và sẵn sàng hy sinh tất cả để đón nhận Chân Lý tròn đầy. Chúa Hài Đồng cũng mời mình sống tâm tình của các nhà chiêm tinh để Người có thể “đến trong cuộc đời” mình. Mình được đi nhiều nơi, học nhiều thứ, được giáo dục những kiến thức đạo đời. Nhưng tất cả những gì mình có, vật chất cũng như tinh thần phải là “phương tiện” dẫn mình đến tới “nguồn chân lý” là chính Chúa Kitô.

Xin tạ ơn Chúa Hài Nhi Giêsu đã ngỏ lời với con trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh, đã dẫn con đến với Ngài qua việc cho con nhận ra những con đường để gặp được Ngài của Đức Maria, của Thánh Cả Giuse, của các mục đồng và của những nhà chiêm tinh. Nếu con biết sống tâm tình “xin vâng” của Đức Maria, thái độ “thinh lặng” của Thánh Giuse, cuộc sống “đơn nghèo” của các mục đồng và tinh thần “khao khát tìm kiếm chân lý” của các nhà chiêm tinh, thì chắc chắn con sẽ được gặp gỡ Đấng Cứu Độ của cuộc đời con và cũng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại.


Kỷ niệm Mùa Giáng Sinh năm 2007