31.3.08

CHIA SẺ VỀ VIỆC THỰC HÀNH BÁC ÁI

Chương trình ca nhạc Paris by Night 90 giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt người nữ Việt Nam quả cảm, thành công và đầy lòng nhân ái. Trong đó người ta giới thiệu gương mặt của 1 Nữ tu và một Nicô tiêu biểu trong hoạt động bác ái. Tuy nhiên, hình ảnh ấn tượng nhất đối với mình lại đến từ một cô gái người Thuỵ Sĩ mang cái tên Việt: Tim. Cô Tim qua Việt Nam năm 20 tuổi trong chuyến đi khám phá thế giới. Cô đã dừng lại ở Sài Gòn được 15 năm nay… và có lẽ sẽ gắn bó cả đời mình với những người bất hạnh tại đất nước này. Thật cảm động khi một người trẻ, một cô gái châu Âu lại tìm gặp được từ nơi những người bất hạnh tại Việt Nam niềm hạnh phúc và lý tưởng cho đời mình. Cô đã lập nên ngôi nhà may mắn cho những trẻ em và người tàn tật bị bỏ rơi… mục đích là để họ điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá của một con người. Bác Ái cũng là nội dung của sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Benedictô XVI. Ngài đã chọn chủ đề Bác Ái cho sứ điệm Mùa Chau năm nay (2008), dựa trên câu Thánh Kinh “Đức Kitô đã trở nên nghèo vì anh em” (2Cr 8, 9).

Thật vậy, Bác ái - tình yêu mà Chúa Kitô đem đến trần gian là một tình yêu có sức mạnh giải phóng, để con người thoát khỏi những điều xấu, hầu có thể sống trọn vẹn phẩm giá và hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Chúa Kitô không đến để “bố thí” cho con người ơn Cứu Độ. Ơn Cứu Độ không chỉ là một sự phát chẩn từ trên cao nhưng được Nhập Thể và nhập thế trong cuộc đời hiện tại, nơi Chúa Kitô, qua cuộc sống và cuộc Khổ Nạn - Phục Sinh của Người.

Chúng ta có thể tìm thấy nơi Chúa Kitô một hình mẫu trọn hảo nhất cho tất cả những hoạt động bác ái. Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì chúng ta. Người sống cùng, sống với, sống cho, và sống vì chúng ta. Người đồng cảm với nỗi thống khổ của con người. Người mang lẫy những nỗi thống khổ đó vào trong thân mình và qua đó, Người giải phóng nhân loại, trả lại cho chúng ta sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, sống xứng đáng với nhân phẩm của con người.

Trong cuộc sống thường ngày của giáo hội, biết bao người giáo dân bình thường, âm thầm nhưng rất hiệu quả, đang tiếp nối công trình tình yêu của Chúa Kitô qua những hoạt động bác ái vô vị lợi. Những chia sẻ thật đơn sơ như vài lon gạo, ít gói mì, vài ngàn tiền thuốc… nhưng chất chứa cả tấm lòng muốn dấn thân, theo bước chân của Thầy Chí Thánh. Qua những cuộc thăm viếng, họ đồng cảm với tha nhân như Chúa Kitô đã đồng cảm với con người.

Bác ái như Chúa Giêsu là hiến trọn thân mình cho tha nhân, không chỉ qua những hành vi chia sẻ vật chất mà còn là sự đồng cảm, sự thấu hiểu trong tâm hồn và khả năng sống cùng, sống như, sống với những người bất hạnh. Chúng ta có thể cho tha nhân nhiều tiền, nhưng đó chưa là bác ái thật sự nếu chúng ta không sống được nơi bản thân mình những nỗi đau của họ. Bác ái không chỉ là “thương hại” và “bố thí” mà là “chia sẻ” và “đồng cảm” để góp phần giải phóng anh chị em mình khỏi những nỗi bất hạnh mà họ đang gánh chịu.

Như thế, để thực thi bác ái đính thực thật chẳng dễ chút nào. Không dễ nhưng không phải là không thể làm được. Bằng chứng là Chúa Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, để đến sống cùng với con người và cứu thoát con người (x. Pl 2, 6-8). Trong lịch sử của giáo hội, biết bao người nam, nữ đã dấn thân theo lời mời yêu thương của Chúa: thánh Phanxicô Assisi, thánh Vinh Sơn, Mẹ Têrêsa Calcutta… và biết bao nhiêu con người “vô danh”, âm thầm qua bao thế hệ...

Tóm lại, công tác bác ái Kitô giáo được định hướng từ tình yêu của Thiên Chúa và theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta (x. Gl 2, 20) và mời gọi chúng ta nên chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Người trong thế giới hôm nay. Vì chỉ khi chúng ta biết sống yêu thương, mọi người mới nhận ra hình ảnh đích thực của Chúa Kitô và nhận biết chúng ta là môn sinh của Người (x. Ga 13, 35). Bác Ái Kitô giáo là tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Thực thi Bác ái Kitô giáo không chỉ là trao ban cho tha nhân “cái mình có” mà còn là hiến tặng “cái mình là” như Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta.

26.3.08

TAM NHẬT THÁNH NĂM 2008

I. THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU

Sáng thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Benedicto XVI cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ hôm nay còn có trên 30 hồng y, hơn 50 giám mục và gần 1.000 linh mục thuộc giáo phận Roma, đang làm việc hoặc học tập tại Thánh Đô. Ngoài ra, còn có nhiều ngàn tu sĩ, chủng sinh và giáo dân cùng tham dự. Thánh lễ được chuẩn bị cách tích cực bằng giờ Kinh Trưa, khiến tâm hồn mọi người lắng đọng, hướng lòng lên Thiên Nhan…

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha hướng về các giám mục và linh mục, ngài dặn dò các linh mục phải noi gương Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, để sống tinh thần phục vụ: phục vụ tình yêu, phục vụ chân lý và công bình với con tim mục tử của Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh việc phục vụ phải mang tâm tình yêu thương huynh đệ, bạn hữu, chứ không phải chỉ như một dịch vụ, một nghề nghiệp hay một bổn phận mà thôi.

Sau bài giảng, các giám mục và linh mục quây quần quanh vị cha chung để lập lại lời hứa trong ngày Phong Chức. Với việc lập lại lời cam kết này, mỗi người linh mục tuyên xưng lại lời cam kết dấn thân của mình trước mặt Chúa và giáo hội, để hiến thân phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó.

Sau phần lập lại lời hứa của các linh mục, Đức Thánh Cha cử hành nghi thức làm phép Dầu Dự Tòng và Dầu Bệnh Nhân, sau đó ngài Thánh hiến Dầu Thánh. Điểm đặc biệt là trong nghi thức rước dầu, các dự tòng rước dầu để làm phép thành Dầu Dự Tòng, các bô lão rước dầu để làm phép thành Dầu Bệnh Nhân, các phó tế và các em chuẩn bị Thêm Sức rước dầu để Thánh Hiến thành Dầu Thánh. Sau khi phó tế giới thiệu từng loại dầu, Đức Thánh Cha đã làm phép và thánh hiến các loại Dầu. Qua nghi thức rước và giới thiệu, mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từng loại Dầu Thánh và tham dự nghi thức cách tích cực hơn.

Tham dự Thánh Lễ Truyền Dầu tại Roma, nhưng tâm hồn đồng thời cũng hướng về quê hương, nơi đó linh mục đoàn cũng tụ họp bên Giám Mục trong Thánh Lễ Truyền Dầu, để cùng với các ngài, mình bày tỏ sự hiệp thông và vâng phục với Đấng Bản Quyền sở tại. Ước mong lời cam kết sống trọn vẹn thánh chức linh mục, không chỉ được lập lại theo nghi thức 1 cách máy móc và vô hồn, nhưng luôn được “làm mới” lại mỗi ngày, trong từng phút sống, để hình ảnh của Chúa Kitô Mục Tử luôn rạng ngời trong cuộc sống của mỗi người linh mục trong mọi môi trường phục vụ hôm nay.

II. HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC

Kết thúc Thánh Lễ, mình tranh thủ về trường Urbano để lên đường đi hành hương Lộ Đức cùng với hơn 30 linh mục sinh viên, 5 thầy đại chủng sinh và gần 20 soeurs đang theo học tại Rôma. Chuyến hành hương do Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo tổ chức, là một dịp theo thông lệ hàng năm, có một lần “hội ngộ huynh đệ” giữa anh em du học tại Roma và Pháp. Những dịp hội ngộ huynh đệ luôn là dịp để nối kết tình thân ái, trao đổi và đồng cảm, dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria.

Chuyến đi lần này nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858 - 2008), nên cũng mang ý nghĩa hành hương về bên Mẹ và trong hướng đồng cảm với Giáo Hội Việt Nam trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm sắp tới (1960 - 2010). Hành trình hành hương này có thể là “hành xác” với một vài thành viên vì phương tiện di chuyển là “xe đò” và thời gian trên xe khoảng chừng 20 giờ!!! Ngay cả mình cũng thường đi xe, thế mà vẫn còn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu… huống chi là một số soeurs… mới nhìn thấy xe là đã xanh mặt rồi!

Xin phó thác cho Chúa và Mẹ Lộ Đức chuyến hành trình của chúng con. Xin Mẹ đồng hành với chúng con và giữ gìn che chở. Đồng thời con cũng xin dâng lên Mẹ những ý nguyện của những người đã nhờ con cầu nguyện.

Sau 20 giờ trên xe, mọi người mệt nhoài, nhưng niềm vui vì được về bên mẹ, gặp gỡ anh em… trào dâng từ sâu thẳm tâm hồn. Anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Mình gặp lại Cha Ngà - người bạn học cùng lớp, cha Thanh - người cùng giáo phận Cần Thơ và cha Mạnh Cường - giáo phận Long Xuyên - cùng chung Đại Chủng Viện Cần Thơ. Tiếc là mình không gặp được cha Khắc Minh, Ngọc Minh, Thanh Hoàng và Luận do các ngài bận việc không đến Lộ Đức được. Vì có các soeurs và các thầy cùng tham dự, nên chương trình cũng có những giao lưu gặp gỡ chung, xen kẽ những cuộc gặp gỡ huynh đệ của các cha như thường lệ.

Thời tiết tại Lộ Đức những ngày này hơi khắc nghiệt vì mưa nhiều và trời lạnh, có khi còn có tuyết rơi, nên đi lại và cầu nguyện tại hang đá cũng gặp những khó khăn. Vì trong Tam Nhật Thánh, nên chúng mình cùng tham dự những nghi thức chung với các du khách hành hương, dù không trầm lắng như khi cử hành riêng theo nhóm, nhưng cũng mang lại trong tâm hồn những cảm xúc đặc biệt, vì được hoà mình vào với cộng đoàn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Điểm đặc biệt là màn hoạt cảnh minh họa theo bài Thương Khó và những lễ vật dâng lên Chúa minh hoạ cho lời Sách Thánh trong nghi thức Canh Thức Vọng Phục Sinh.

Những giờ phút một mình bên Hang Đá Lộ Đức đem lại cho mình một cảm nghiệm sống động là mình được Chúa yêu thương cách đặc biệt và được Mẹ luôn chở che an ủi cách riêng. Với tràng chuỗi trên tay, mình ca ngợi Mẹ nhân lành, cùng với Mẹ để cảm tạ những hồng ân của Chúa ban tặng và dâng cho Mẹ tất cả những thao thức, những tâm tình và những lời khấn nguyện của nhiều người ở nhiều nơi gởi gắm mình dâng lên Mẹ. Riêng mình, mình cũng xin Mẹ thương gìn giữ trong những ngày còn lại của thời gian tại Roma và xin cho mình luôn trung thành trong Ơn Gọi tận hiến cho Chúa và Giáo Hội hầu sinh nhiều ích lợi cho các linh hồn. Mình dâng cho Mẹ tesi mình vừa mới khởi sự, phó thác cho Mẹ những dự định tương lai và khẩn cầu Mẹ cho mình được “theo Chúa cho đến trọn đời”.

Qua những chia sẻ, mình chú ý đến lời của Đức Ông Giuse Đạo: “chúng ta làm linh mục không phải vì tha nhân cần chúng ta cho bằng Chúa cân chúng ta cho tha nhân”. Như thế, người Linh Mục không được gọi chỉ để đáp ứng những nhu cầu của nhân loại, nhưng là được mời cộng tác vào công trình của Chúa tự trời cao. Khi xác tín như thế, người linh mục không nản chí khi đứng trước những chống đối và sự loại trừ của xã hội đối với hàng giáo sĩ. Người linh mục cũng không buồn khi có ai đó tỏ vẻ bất cần chúng ta, vì quan trọng là Chúa cần chúng ta để hoàn thành công trình của Người.

Một ấn tượng đặc biệt trong những ngày này là chúng mình được gặp, tiếp xúc, chia sẻ và dâng Thánh Lễ mừng Kim Khánh Linh mục của Cha Etcharren, Bề Trên Cả MEP (Hội Thừa Sai Paris), một linh mục đã sống và phục vụ tại Việt Nam 17 năm. Với con tim khắc hoạ lại trái tim mục tử của Chúa Giêsu, cha Etcharren là một tấm gương sáng ngời cho sự phục vụ trong yêu thương và khiêm nhu. Tình yêu của Cha đối với Việt Nam thể hiện cụ thể trong từng lời nói, cử chỉ, và trong cả những dự định cho tương lai: Cha nói tiếng Việt rất giỏi, cả những tiêng lóng, chơi chữ…; Cha ân cần gặp gỡ từng anh em trong thân thương như người cha với các con; cha ước mong sẽ về sống tại Việt Nam sau khi nghỉ hưu, dù nơi quê hương, có chị em, cháu chắt... Nhờ Cha, mà giáo hội Việt Nam nói chung, và các linh mục du học tại Pháp nói riêng, được giúp đỡ thật tận tình để hoàn thành chương trình học vấn.

Một người khác nữa tạo cho mình 1 dấu ấn đẹp đó là giám mục giáo phận quê nhà của cha Etcharren. Khi ngài đến nơi để cùng dự tiệc mừng Kim Khánh của cha Etcharren, thì anh em chúng mình đã “nhập bàn” vì tranh thủ thời gian lên đường trở về Lộ Đức. Khi chúng mình chưa kịp đứng lên chào ngài thì ngài đã đến từng người một để hỏi thăm xem học ở đâu, học môn gì… với niềm vui và sự quan tâm chân thành trên nét mặt. Một giám mục khá lớn tuổi, thay vì đến bàn ăn, thì lại đi chào hỏi từng người… Hình ảnh này để lại trong lòng mình một ấn tượng thật tốt về hình ảnh người mục tử “yêu” và “biết” chiên của mình “từng con một”!

Tam Nhật Thánh trôi nhanh nhưng những ơn lành của Chúa Phục Sinh nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Lộ Đức tràn trề, thấm đẫm và tồn tại mãi trong cuộc đời. Tối Chúa Nhật Phục Sinh, chúng mình trở về Roma với một tâm hồn tràn ngập bình an và niềm vui của Đấng Phục Sinh. Xin tạ ơn Mẹ đã cho chúng con những ngày hành hương thật ý nghĩa. Xin tạ ơn Mẹ đã dẫn đưa chúng con đến Lộ Đức, để sống tích cực Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của con Mẹ. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành cùng chúng con trên mọi nẻo đường tương lai.


16.3.08

TẠ ƠN CHÚA THÁNH THẦN

Reeng... reeng....

- Alô! Cha ơi... Bà xã con bị bệnh rồi, đang trên đường đến bệnh viện. Xin cha giúp lời cầu nguyện cho bà xã của con nhá.
- Được rồi. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần thêm sức mạnh, giúp chị vượt qua cơn đau và xin Người thánh hóa và ủi an...
Thế là chúng tôi, ở hai nửa quả địa cầu tâm đầu ý hợp cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần.

Hết một đêm trắng trên xe và nằm chờ vật vã trước phòng khám của Đại Học Y Dược tại Sài Gòn, cuối cùng cũng đến phiên của Chị vào khám bệnh. Thật là hồng ân của Chúa Thánh Thần, Chị chỉ bị “thiếu máu” và suy nhược mà thôi, ngoài ra không có bệnh gì trầm trọng. Anh Chị rộn rã lên đường về quê. Nỗi lo lắng sợ hãi và mệt nhọc sau 1 đêm trắng biến tan như bọt xà phòng.

- Về tới nhà, lời đầu tiên mà Anh nhắc Chị là: “Lát nữa em đến nhà thờ để xin lễ tạ ơn Chúa Thánh Thần!”.
- Chị ngạc nhiên: “Anh nói gì kỳ vậy?! Có thấy ai xin lễ tạ ơn Chúa Thánh Thần bao giờ đâu?”.
- “Thì hôm qua mình xin ơn với Chúa Thánh Thần, hôm nay nhận được ơn, không tạ ơn Chúa Thánh Thần thì tạ ơn ai?” Anh trả lời gọn khô!
- Chị... bí... nhưng xem chừng còn ấm ức, nên nhấc điện thoại gọi cho mình: “Cha ơi, ông xã con bảo phải xin lễ tạ ơn Chúa Thánh Thần. Con thấy kỳ kỳ sao ấy! Có xin lễ như thế được không cha?”
- Được chứ. Được chứ. Quá được là khác! Đúng rồi, phải tạ ơn Chúa Thánh Thần!

Mình trả lời chị mà lòng thẹn thùng. Cái cảm giác tẽn tò của “người thầy” đang ba hoa, thao thao bất tuyệt về mớ kiến thức suông bị “học trò” dạy cho một bài học cụ thể về việc áp dụng những lý thuyết ấy vào trong thực tế.

Sau giây phút tịnh tâm, cảm giác thẹn thùng biến mất, thay vào đó là tâm tình tạ ơn Chúa vì một người giáo dân bình thường, lại là “đạo theo” mà có “lòng đạo” nhiệt thành, đức tin vững vàng và lòng mến sắt son đến thế. Tạ ơn Chúa Thánh Thần vì Người đã dạy mình một bài học thật cụ thể và sống động qua thái độ biết ơn chân thành của một người giáo dân.

Thật thế, với một cách thế rất đặc biệt, Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc đời ngay từ lúc mình cất tiếng khóc oe oe chào đời. Người thánh hóa mình trong Bí Tích Rửa Tội khiến mình nên con của Thiên Chúa và phần tử trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần đổ tràn 7 ơn thánh sủng trên cuộc đời trong ngày mình lãnh Bí Tích Thêm Sức. Người tác động cách hữu hiệu trong Thánh Lễ khiến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô - lương thực thần linh nuôi hồn. Rồi trong ngày mình lãnh nhận thánh chức Linh mục, chính Chúa Thánh Thần thánh hoá và xức dầu cho mình tham dự vào chức Linh Mục thừa tác của Chúa Kitô. Và tiếp tục mãi như thế, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và ban ơn cho mình mỗi ngày để mình chu toàn sứ vụ Chúa trao phó cho đến khi mình dâng hy lễ cuối cùng của cuộc đời trong giờ phút trở về Nhà Cha.

Hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, trong thế giới và trong chính bản thân mình là điều không thể phủ nhận. Mình xác tín điều này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mình được nghe một người giáo dân ngỏ ý “xin lễ tạ ơn Chúa Thánh Thần”, nên nghe “kỳ kỳ sao ấy” cũng phải. Từ xưa đến nay mình vẫn thường nghe, thường nói, thường làm và thường dạy giáo dân phải “cầu xin Chúa Thánh Thần” trước mỗi công việc, trước mỗi biến cố, trước mỗi dự tính... để Chúa Thánh Thần thêm sức, hướng dẫn, thánh hoá và kiện toàn. Nhưng tuyệt nhiên sau những công việc và những biến cố, mình chẳng còn nhớ gì đến Chúa Thánh Thần nữa. Có chăng chỉ “tạ ơn Chúa”! Đành rằng khi ta tạ ơn Chúa thì lời tạ ơn dâng lên Ba Ngôi Cha-Con-Thánh Thần. Nhưng để nhớ đến Chúa Thánh Thần cách đặc biệt qua hành vi tạ ơn Người thì dường như chưa hề có.

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin dạy con biết luôn chạy đến với Ngài
để được thêm sức và đỡ nâng
trong cuộc sống còn nhiều gai chông.
Xin dạy con luôn biết tạ ơn Ngài
trong từng biến cố, từng công việc và trong từng ngày sống của con.
Như thế, cuộc đời con mãi luôn là lời “tri ân”
vì con luôn cảm nhận rằng đời mình được bao bọc bởi biết bao hồng ân.