8.1.08

KỶ NIỆM 5 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC


ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
NHÂN KỶ NIỆM 5 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC CỦA KHOÁ IIIa
22.06.2000 - 22.06.2005


“Xin cảm ơn cha vì cha là Linh Mục!” Đây là câu nói của một giáo dân với một vị Linh Mục lớn tuổi. Người ta thường cảm ơn nhau khi nhận được một món quà hay một ân huệ. Người-giáo-dân cảm ơn người-linh-mục là vì họ cảm nhận được rằng người-linh-mục nọ chính là “món quà” dành cho mình. Quả thế, Ơn gọi Linh Mục chính là một món quà mà Chúa trao ban cho con người. Nói theo cha Chevrier thì linh mục là “tấm bánh cho người khác ăn”. Vâng, khi ai đó lãnh nhận chức linh mục là lãnh nhận một món quà lớn lao và nhưng không từ Thiên Chúa và người đó phải sống tâm tình tạ ơn, đồng thời phải biến cuộc đời của mình trong sứ vụ linh mục thành một món quà tốt-một tấm bánh thơm ngon bổ dưỡng cho tha nhân.
Dường như “chớp mắt” đã thấy 5 năm! Mình tròn 5 tuổi linh mục rồi. Lẹ ghê! Bao nhiêu kỷ niệm của 5 năm về trước chợt ùa về đòi mình phải dừng chân để lắng đọng và suy nghĩ về ơn gọi linh mục, về món quà cao quý mà mình lãnh nhận và về thái độ sống đời linh mục của chính mình.


I. DẤU ẤN KỶ NIỆM NGÀY PHONG CHỨC

Tháng Sáu… những ngày này 5 năm về trước : anh em lớp Phêrô Lê Tuỳ đang hối hả lo chuẩn bị cho ngày trọng đại nhất của cuộc đời, ngày Phong Chức Linh Mục cũng là ngày Kỷ niệm Ngân Khánh Giám Mục của Đức Cha Emmanuel, ngày 22.06.2000. Không khí của Đại Chủng Viện Thánh Quý nhộn nhịp lạ thường. Những công trình tượng đài, hoa viên, đường xá… ráo riết thi công cho kịp ngày lễ. Có anh em nói tếu : “cái gì cũng dành cho ngày 22.06!” Phần anh em thì lo áo lễ, thiệp mời, chương trình… ai nấy chạy ngược chạy xuôi với nụ cười luôn nở trên môi hiền.
Những ngày tĩnh tâm làm cho bầu khí dịu lại, tâm hồn lắng đọng bình an. Cảm nghiệm về sức người và sức Chúa : mình thì yếu hèn và hay thay đổi còn Chúa thì mạnh mẽ và rất mực trung thành. Người trung thành trong lời hứa : “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước.” Ngước nhìn cánh đồng truyền giáo mênh mông của vùng đồng bằng sông Cửu Long làm cho mình thêm can đảm : Chúa cần mình-dù mình không xứng đáng-để trở thành cây cầu nhỏ bé nối đất trời và nối những tâm hồn. Mình thầm xin Chúa cho mình là cây-cầu-tre đơn sơ nhưng đừng bao giờ gãy-mục. Mình xin là cây-cầu-dừa chất phác nhưng đừng là cầu-dừa-trơn-trợt.
Đêm canh thức 21.06 : cả ĐCV không ngủ! Và chắc là còn rất nhiều người nữa ở khắp nơi cùng thức trắng đêm này. Bởi lẽ đợt Phong Chức này có tới 33 tân linh mục thuộc 3 giáo phận Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên. Nhiều người thân đã đến ĐCV từ chiều hôm trước khiến bầu khí đã nhộn nhịp càng nhộn nhịp hơn. Rất nhiều người nữa phải lên đường từ chập tối hay nửa đêm để kịp tham dự Thánh Lễ Phong Chức vào lúc 6 giờ sáng ngày 22.06.2000.
Đêm ấy mình chỉ chợp mắt được một chút vào lúc 3 giờ sáng! Buổi tối lo sắp xếp những chuyện cần thiết và đón khách đến tận khuya. Mình tranh thủ được một quãng thời gian ngắn ngủi vào Nhà Nguyện B để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thời gian ngưng đọng! Mình lo sợ, nhưng cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ của Chúa và tâm hồn cảm nếm được sự bình an.
Từ 4 giờ sáng, không khí của ĐCV ngập tràn người và nụ cười. Dòng người tuôn về ĐCV mỗi lúc một đông. Đến 6 giờ sáng đoàn người đã gần đầy sân bóng đá của ĐCV, ước chừng 7 ngàn người.
Thánh lễ diễn ra thật trang trọng và sốt sắng trong niềm hân hoan và tâm tình cảm tạ. Trong bài giảng, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn (khi đó còn là TGM) đã nhìn đến cánh đồng truyền giáo mênh mông của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đặt niềm hy vọng vào các linh mục trẻ trung của thiên niên kỷ mới. Ngài nhắc nhớ anh em chúng mình cần phải yêu Chúa Giêsu nhiều hơn, vì càng yêu Chúa Giêsu thì càng gắn bó với Giáo Hội, càng biết chăm sóc đoàn chiên Chúa trao và ngày càng nhiệt thành trong công tác rao giảng Tin Mừng.
Anh em chúng mình được lãnh nhận thiên chức linh mục đúng vào Đại Năm Thánh 2000, nhằm ngay dịp kỷ niệm Ngân Khánh Giám Mục của Đức Cha Emmanuel, đó thật là một dấu ấn lịch sử không thể phai mờ trong ký ức. Mãi mãi mình không bao giờ quên được những tâm tình sâu lắng, những hình ảnh sống động của ngày hôm ấy. Với ơn Chúa, anh em mình hăng say toả đi khắp mọi nẻo đường trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn mà thật dễ thương như đặc tính chơn chất của con người nam bộ.

II. NHÌN LẠI NĂM TUỔI ĐỜI LINH MỤC

Tuổi lên 5 là tuổi … vào mẫu-giáo. Năm tuổi linh mục chẳng có gì để kể công lênh. Nhưng cần nhìn lại để một lần nữa cùng nhau cảm tạ hồng ân! Đồng thời mình cũng cần dừng chân để “trở về” với tình yêu ban đầu, cần nhìn lại sám hối vì biết bao lỗi lầm yếu đuối…
Ra trường rồi, anh em mình mỗi người mỗi ngả. Có anh em đã 5 năm trôi qua mà chưa một lần gặp lại. Ba mươi ba anh em trải ra trên địa bàn 10 tỉnh của vùng sông nước, khó gặp nhau là phải. Dẫu sao anh em mình cũng nhiều lần cố gắng tạo những cơ hội để cùng nhau tĩnh tâm, cầu nguyện, thăm viếng, du ngoạn… Thật đáng quý tình nghĩa đệ huynh. Càng xa nhau mình lại càng thấm thía rằng tình huynh đệ linh mục thật là cần thiết và là nguồn trợ lực lớn trên hành trình theo Chúa Kitô-Linh Mục Thượng Phẩm để yêu thương và hiến mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
Nhiều người trong anh em mình thành công trong công tác Mục Vụ. Có vị là “cha xứ”. Có vị xây nhà thờ. Có vị dọc ngang tung hoành... Nhưng cũng có người trong anh em mình gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một điểm đáng mừng là đến nay cả 33 anh em chúng mình vẫn còn “nguyên vẹn”! Đây chẳng phải là điều đáng để ngợi khen và để tạ ơn Chúa sao? Nhất là trong anh em chúng mình có những “bậc đáng kính” như “già Hội” chẳng hạn. Mình vẫn hay nhớ lại câu chuyện cha giáo Phụng Vụ kể về “già Hội” như một nhắc nhở chính mình phải trung thành với những giờ thiêng liêng hơn nữa. Câu chuyện như vầy : Một ngày đẹp trời, Cha giáo bất ngờ vào thăm nhà thờ Xuân Hòa. Chuyến đò cập bến khoảng 2 giờ trưa. Khi vào đến sân nhà thờ thì cha giáo gặp “già Hội” ôm sách PVGK từ nhà thờ bước ra. Cha giáo liền phán: “Ít ra lớp này cũng còn được một anh đạo đức sốt sắng!”
Nói tóm lại, thời gian 5 năm trôi “cái vèo”. Trong thời gian 5 năm ấy có biết bao nhiêu “tình”: Tình Chúa, tình người. Trong 5 năm ấy cũng có biết bao nhiêu “tội”: tội với Chúa, tội với người... Nhưng trên hết: tất cả là hồng ân! Ý thức hồng ân của Chúa thì bao la và tội lỗi của mình lại ngập tràn... để biết sống khiêm tốn và phó thác hơn, để dễ cảm thông và thứ tha hơn.
Có người hỏi : năm nay cha có ăn mừng kỷ niệm 5 năm LM không? Mình trả lời: Có, ăn lớn lắm, nhưng là “ăn năn” không hà! Thật thế, mình dành nhiều giờ hơn kể từ đầu tháng Sáu để hiện diện trước Thánh Thể. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi mình giũ bỏ mọi thứ mặt-nạ để trở về với con người thực của mình, để thấy mình yếu hèn bé bỏng, để thấy “hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man”. Những lúc âm thầm lặng lẽ bên Chúa Giêsu Thánh Thế đã cho mình một cảm nghiệm sống động là: đời linh mục cần đến Bí Tích Thánh Thể biết bao và con người linh mục cần phải trở nên dấu-chỉ-Thánh-Thể-sống-động biết là ngần nào!

III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CON-NGƯỜI-LINH-MỤC

Khi ở Chủng Viện, mình Viếng Thánh Thể theo “chuông”. Ra trường rồi thì thói quen tốt lành ấy cũng dần biến mất vì thiếu “chuông”. Nhiều lần quyết tâm rồi đâu lại vào đấy, “vũ như cẩn; nguyễn y vân”! Những giờ chầu Thánh Thể ngày càng thưa thớt. Cuộc sống linh mục dường như chỉ gón gọn trong “việc bổn phận”, trong “công tác mục vụ” mà thôi. Ngay cả Thánh Lễ và Các Bí Tích, mình cử hành tuy cũng thấy sốt sắng đấy nhưng có vẻ như là sốt sắng vì giáo dân hơn là vì mình. Những lúc ấy, mình thường tự nhủ: giúp cho người khác được gặp Chúa là mình hạnh phúc rồi. Thế nhưng mình lầm! Vì rằng, trước hết, bản thân người linh mục phải cần gặp gỡ Chúa một cách cá biệt và thâm sâu, rồi sau đó người linh mục mới có khả năng giúp cho tha nhân tìm đến và gặp gỡ được Người.
Trong bài giảng đầu tiên sau khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói: "Thánh Thể là trung tâm đời sống Kitô hữu và nguồn mạch sứ vụ rao giảng tin mừng của Giáo Hội.”
Thật vậy, Thánh Thể là sự gặp gỡ và sự hiệp thông của người Kitô hữu với Ba Ngôi Chí Thánh. Đó là trung tâm sự sống. Đó là nguồn mạch sự sống. Đó là chóp đỉnh sự sống. Sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh là định nghĩa rõ nhất của từ “thiên đàng”. Điều lạ lùng là chúng ta có thiên đàng trong mỗi Thánh Lễ.
Lạ lùng chưa : Thiên Đàng hiện diện giữa chúng ta trong từng Thánh Lễ, phép lạ xảy ra trên đôi tay của linh mục hằng ngày trên Bàn Thờ. Cho dù đôi tay ấy, tâm hồn ấy có bất xứng, có yếu hèn, có bé nhỏ đến đâu thì Phép Lạ Thánh Thể vẫn xảy ra. Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô nhờ lời truyền phép của một linh mục cũng tầm thường và yếu đuối như bao người.
Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi mỗi linh mục chúng ta: “Sự sống thiêng liêng của chúng ta chủ yếu tùy thuộc vào Bí Tích Thánh Thể. Không có Thánh Thể, đức tin và đức cậy chết dần, đức bác ái ra nguội lạnh. Do đó, hỡi các bạn thân yêu, tôi khuyên các bạn luôn chú trọng đến phẩm chất của việc cử hành Thánh Thể, cách riêng những cử hành thánh thể chúa nhật, hầu ngày chúa nhật thật sự là ngày của Chúa và ban một ý nghĩa đầy đủ cho các biến cố và các hoạt động của mọi ngày”.
Đúng ra, mỗi khi dâng Thánh lễ, mình phải “run như run thần tử thấy long nhan”, phải dạt dào cảm xúc thánh thiêng vì Mầu Nhiệm vĩ đại đang diễn ra trên đôi tay bất toàn của mình. Chúa Giêsu trở nên yếu đuối khủng khiếp đến độ mình phán một lời thì Người liền xuất hiện! Có lẽ vì phép lạ nhiệm mầu diễn ra hằng ngày nên nhiều lúc mình không còn cho đó là phép lạ nữa, mà coi đó là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên như bao nhiêu điều khác vẫn xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Bây giờ mình mới hiểu tại sao cha thánh Pio-Năm-Dấu lại có thể dâng một Thánh Lễ dài 3-4 giờ mà vẫn có rất đông người đến tham dự. Đơn giản là vì ngài đã thực sự bị Chúa Giêsu Thánh Thể chiếm đoạt và mọi người tham dự Thánh Lễ đều nhận ra được sự hiện diện sống động của Ba Ngôi Cực Thánh qua từng lời cầu nguyện, cử chỉ, thần thái siêu thoát của Cha Pio trong khi cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin.
Nhờ biết gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong Thánh Lễ và trong những giờ chầu Thánh Thế hằng ngày, người linh mục biến cuộc đời mình nên như một tấm bánh thơm ngon, biết bẻ ra để trao ban cho con người hôm nay. Thánh Lễ phải là đỉnh cao của ngày sống. Giờ chầu Thánh Thể phải là dấu nhấn quan trọng trong ngày. Chuẩn bị tâm hồn và thể xác thật chu đáo để dâng Thánh Lễ, siêng năng Chầu Thánh Thể mỗi ngày là những việc không thể coi nhẹ trong đời linh mục. Ước mong sao sau khi tham dự Thánh Lễ mà mình cử hành, người giáo dân có thể nói được “Chúa nhập vào cha”! Vâng hãy để cho Chúa Giêsu nhập vào, chiếm trọn tâm hồn và cả cuộc sống mình, nhất là trong Thánh Lễ và trong giờ Chầu Thánh Thể mỗi ngày.

IV. THAY LỜI KẾT

“Chúng tôi không hối tiếc vì đã là linh mục!” Vâng, lời xác quyết này của thần học gia Karl Rahner cũng là lời xác quyết của anh em linh mục lớp Phêrô Lê Tuỳ chúng mình. Trong cuộc đời linh mục, mình còn nhiều khuyết điểm và yếu hèn, nhưng mình không hối tiếc, không ân hận vì “lỡ làm cha”. Với ơn Chúa, mình không muốn tháo lui mà muốn tiến về phía trước, dẫu cho tương lai không biết thế nào. Chỉ biết chắc rằng: Chúa luôn yêu thương mình và hằng ngày vẫn tiếp tục mời gọi mình cất bước theo Đức Kitô trên hành trình tung gieo hạt giống Tin Mừng Nước Trời.
Mai ngày, không biết mình có còn yêu Chúa nhiều như những ngày đã qua? Mai ngày biết đâu mình còn vấp ngã nhiều hơn trong sứ vụ? Mai ngày, rất có thể mình chẳng làm nên trò trống gì…thậm chí có thể mình cũng chẳng còn hăng say như thời gian đầu đời linh mục?! Tuy nhiên, mình tin rằng Chúa luôn yêu thương mình, Giáo Hội luôn ấp ủ mình, anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân luôn trợ lực mình. Tin tưởng và tín thác vào Chúa, vào Giáo Hội và vào lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa, một lần nữa mình xin lập lại lời của cha Karl Rahner “tôi không hối tiếc vì đã là linh mục!”
Hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Người-Nữ-Thánh-Thể, Mẹ của hàng linh mục, anh em chúng mình phó thác cuộc đời và sứ vụ linh mục trong vòng tay từ-mẫu của Mẹ. Mẹ đã dõi theo Chúa Giêsu Linh Mục trên đường rao giảng Tin Mừng, xin Mẹ cùng đồng hành với anh em chúng con trên bước đường Truyền Giáo. Mẹ đã ôm xác Người Con dấu yêu trong vòng tay dịu dàng, xin cũng vỗ về chúng con mỗi khi chúng con gặp thử thách gian nan. Mẹ đã ở giữa các Tông Đồ để cùng đón nhận Ngôi Ba Thiên Chúa, xin cùng chúng con cầu nguyện mỗi ngày để chúng con được ơn can đảm và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, anh em chúng mình hãy cùng nhau cất lên lời ca như chúng mình đã cùng hoà giọng trong Lễ Phong Chức vào ngày này 5 năm về trước: “Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, dám đi vào một cuộc phiêu lưu, dám xin vâng, dám lên đường, dám trả lời lạy Chúa con đây. Xin cho con dám dấn bước theo Ngài dẫu trên đường còn nhiều chông gai, dám hy sinh, dám quên mình, dám sẵn sàng thực thi Ý Ngài. Xin cho con trở nên của lễ, sát tế mỗi ngày để kính dâng Cha. Xin cho con trở nên nhỏ bé, để Chúa lớn lên trong con từng ngày…”

Roma, ngày 22.06.2005