29.6.12

LỄ THÁNH PHÊRÔ PHAOLÔ


LỄ THÁNH PHÊRÔ PHAOLÔ - KỶ NIỆM 5 NĂM LINH MỤC
CHÁNH TOÀ NGÀY 29.6.2012

Cách đây đúng 1 năm, Cha Antôn “xí” giảng Lễ và ngài nói “chính vì xí giảng lễ nên ngài chia sẻ về Linh mục, nhân kỷ niệm ngày thụ phong”. Năm nay, tôi nói với Cha Antôn: “xin cha xí chủ tế Thánh Lễ, vì hôm nay đúng 5 năm ngày cha trở thành Linh mục của Chúa”. “Xúi” cha Antôn “xí” chủ tế đồng nghĩa với việc tôi “xí” giảng… và tôi thầm nghĩ rằng mình sẽ chia sẻ về Thánh Phêrô và Phaolô thôi… để cha Antôn “lỗ” ráng chịu!!! Nhưng rồi, hôm nay cùng chung tâm tình tạ ơn Chúa với họ đạo, đặc biệt với cha Antôn và mừng kính thánh Phêrô Phaolô, bổn mạng của nhiều người trong chúng ta… không chỉ có 3 cha nhà, mà còn có qúy cha khách, nhưng rất thân, rất thương của họ đạo, đó là cha Gabriel Sanh kỷ niệm 8 năm LM, cha Phêrô Thơ mừng Bổn Mạng, Cha Gioakim Dũng kỷ niệm 6 năm LM. Vì thế, tôi sẽ chia sẻ về hai thánh Phêrô và Phaolô cùng với chủ đề Linh Mục, nếu có dài dòng 1 tí thì… xin cũng ráng nghe!!!
1. Thánh Phêrô và Phaolô
- Lời hát nhập lễ hôm nay gợi lên cho chúng ta hình ảnh 2 thánh tông đồ Phêrô và Phaolô: “Hai người tiền phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng. Xưa đã chối Chúa 3 lần trong đêm tối. Xưa đem ngựa truy nã Chúa. Nhưng từ ngày Chúa chiếm hai lòng: hai lòng cùng hối, hai lòng cùng mến, hai lòng cùng nóng. Ngư phủ dùng chài bắt muôn linh hồn, người xưa hy sinh cho Chúa nên tông đồ gương”. Phêrô được ca tụng là “bàn thạch” - là nền đá. Phaolô được xưng tụng là “trụ đồng”… để Chúa có thể xây nên ngôi nhà Giáo Hội.
- Cho dù giữa Phêrô và Phaolô có những khác biệt: về gia cảnh, về trình độ học vấn, về tính tình, về môi trường truyền giáo và cả cái chết nữa, nhưng giữa hai ngài có nhiều nét tương đồng. Xin được chia sẻ 3 nét chung của của hai vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay:
* Một là sự hối cải: Phêrô chối Chúa, Phaolô bắt Chúa, nhưng cả hai đều hối cải. Hối cải theo nguyên ngữ hy lạp là metanoia, nghĩa là “trở về”,“thay đổi” trong nhận thức và thay đổi trong thái độ sống. Lời tuyên xưng của thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” và lời xác tín “Đức Kitô trong tôi” của thánh Phaolô là bằng chứng về sự hối cải đó.
* Hai là tình yêu mến: Phêrô và Phaolô đều yêu Chúa nồng nàn. Các ngài yêu Chúa vì cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, vì Người là “Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi”. Tình yêu của Chúa mời gọi. Tình yêu của hai vị thánh đáp lời, đến nỗi phải thốt lên như thánh Phêrô: “Thầy biết rõ mọi sự, Thấy biết con yêu mến Thầy”, và như thánh Phaolô: “Không có gì tách tôi ra khỏi tìnhh yêu của Đức Kitô”.
* Ba là lòng nhiệt thành: Cả hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô đều hăng say rao giảng Tin Mừng, dù cho phải đương đầu với muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù. Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết: “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu”. Lòng nhiệt thành khởi đi từ ý thức thật rõ ràng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
2. Tản mạn về đời linh mục
- Vào mỗi dịp kỷ niệm thụ phong Linh mục, người ta hay tính tuổi đời linh mục. Ví dụ hôm nay cha Antôn tròn 5 tuổi linh mục. Tính tuổi linh mục chẳng phải để tính công trạng, nhưng cần nhìn lại để một lần nữa cùng nhau cảm tạ hồng ân, đồng thời cũng cần dừng chân để “trở về” với tình yêu ban đầu, cần nhìn lại sám hối vì biết bao lỗi lầm yếu đuối… Thời gian 5 năm, 6 năm, 8 năm hay 12... trôi nhanh như nhịp thoi đưa. Nhìn lại thời gian ấy có biết bao nhiêu “tình”: Tình Chúa, tình người... và cũng thời gian ấy với biết bao nhiêu “tội”: tội với Chúa, tội với người... Nhưng trên hết: tất cả là hồng ân! Ý thức hồng ân của Chúa thì “như mưa như mưa rơi xuống đời con miên man miên man”, còn mình thì yếu đuối mọn hèn, vấp ngã đã bao nhiêu lần, tội lỗi cám dỗ con luôn mãi, đã khiến hồn con xa Chúa”... để biết sống khiêm tốn và phó thác hơn, để dễ cảm thông và thứ tha hơn.
- Rồi mai ngày, không biết người linh mục có còn yêu Chúa nhiều như những ngày đã qua? Mai ngày biết đâu người linh mục còn vấp ngã nhiều hơn trong sứ vụ? Mai ngày, rất có thể người linh mục chẳng làm nên trò trống gì…thậm chí có thể cũng chẳng còn hăng say như thời gian đầu đời linh mục?! Tuy nhiên, người linh mục phải tin rằng Chúa luôn yêu thương mình, Giáo Hội luôn ấp ủ mình, anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân luôn trợ lực mình. Tin tưởng và tín thác vào Chúa, vào Giáo Hội và vào lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa, một lần nữa người linh mục cần lập lại lời của cha Karl Rahner “tôi không hối tiếc vì đã là linh mục!”.
- Giáo Hội hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô: biết khiêm nhường hối cải mỗi khi lỗi lầm, biết yêu Chúa bằng tình yêu nồng nàn và biết nhiệt tâm chu toàn bổn phận của mình mỗi ngày để truyền rao Tin Mừng cứu độ. Và lời mời trở thành Phêrô và Phaolô của thời đại hôm nay không chỉ dành riêng cho các linh mục, mà còn gởi đến tất cả mọi Kitô hữu nữa. Vì lẽ đó, giờ đây xin mọi người cùng hợp giọng với các linh mục mừng bổn mạng cũng như kỷ niệm ngày thụ phong hôm nay trong lời ca: “Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, dám đi vào một cuộc phiêu lưu, dám xin vâng, dám lên đường, dám trả lời lạy Chúa con đây. Xin cho con dám dấn bước theo Ngài dẫu trên đường còn nhiều chông gai, dám hy sinh, dám quên mình, dám sẵn sàng thực thi Ý Ngài. Xin cho con trở nên của lễ, sát tế mỗi ngày để kính dâng Cha. Xin cho con trở nên nhỏ bé, để Chúa lớn lên trong con từng ngày…”.