31.3.08

CHIA SẺ VỀ VIỆC THỰC HÀNH BÁC ÁI

Chương trình ca nhạc Paris by Night 90 giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt người nữ Việt Nam quả cảm, thành công và đầy lòng nhân ái. Trong đó người ta giới thiệu gương mặt của 1 Nữ tu và một Nicô tiêu biểu trong hoạt động bác ái. Tuy nhiên, hình ảnh ấn tượng nhất đối với mình lại đến từ một cô gái người Thuỵ Sĩ mang cái tên Việt: Tim. Cô Tim qua Việt Nam năm 20 tuổi trong chuyến đi khám phá thế giới. Cô đã dừng lại ở Sài Gòn được 15 năm nay… và có lẽ sẽ gắn bó cả đời mình với những người bất hạnh tại đất nước này. Thật cảm động khi một người trẻ, một cô gái châu Âu lại tìm gặp được từ nơi những người bất hạnh tại Việt Nam niềm hạnh phúc và lý tưởng cho đời mình. Cô đã lập nên ngôi nhà may mắn cho những trẻ em và người tàn tật bị bỏ rơi… mục đích là để họ điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá của một con người. Bác Ái cũng là nội dung của sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Benedictô XVI. Ngài đã chọn chủ đề Bác Ái cho sứ điệm Mùa Chau năm nay (2008), dựa trên câu Thánh Kinh “Đức Kitô đã trở nên nghèo vì anh em” (2Cr 8, 9).

Thật vậy, Bác ái - tình yêu mà Chúa Kitô đem đến trần gian là một tình yêu có sức mạnh giải phóng, để con người thoát khỏi những điều xấu, hầu có thể sống trọn vẹn phẩm giá và hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Chúa Kitô không đến để “bố thí” cho con người ơn Cứu Độ. Ơn Cứu Độ không chỉ là một sự phát chẩn từ trên cao nhưng được Nhập Thể và nhập thế trong cuộc đời hiện tại, nơi Chúa Kitô, qua cuộc sống và cuộc Khổ Nạn - Phục Sinh của Người.

Chúng ta có thể tìm thấy nơi Chúa Kitô một hình mẫu trọn hảo nhất cho tất cả những hoạt động bác ái. Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì chúng ta. Người sống cùng, sống với, sống cho, và sống vì chúng ta. Người đồng cảm với nỗi thống khổ của con người. Người mang lẫy những nỗi thống khổ đó vào trong thân mình và qua đó, Người giải phóng nhân loại, trả lại cho chúng ta sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, sống xứng đáng với nhân phẩm của con người.

Trong cuộc sống thường ngày của giáo hội, biết bao người giáo dân bình thường, âm thầm nhưng rất hiệu quả, đang tiếp nối công trình tình yêu của Chúa Kitô qua những hoạt động bác ái vô vị lợi. Những chia sẻ thật đơn sơ như vài lon gạo, ít gói mì, vài ngàn tiền thuốc… nhưng chất chứa cả tấm lòng muốn dấn thân, theo bước chân của Thầy Chí Thánh. Qua những cuộc thăm viếng, họ đồng cảm với tha nhân như Chúa Kitô đã đồng cảm với con người.

Bác ái như Chúa Giêsu là hiến trọn thân mình cho tha nhân, không chỉ qua những hành vi chia sẻ vật chất mà còn là sự đồng cảm, sự thấu hiểu trong tâm hồn và khả năng sống cùng, sống như, sống với những người bất hạnh. Chúng ta có thể cho tha nhân nhiều tiền, nhưng đó chưa là bác ái thật sự nếu chúng ta không sống được nơi bản thân mình những nỗi đau của họ. Bác ái không chỉ là “thương hại” và “bố thí” mà là “chia sẻ” và “đồng cảm” để góp phần giải phóng anh chị em mình khỏi những nỗi bất hạnh mà họ đang gánh chịu.

Như thế, để thực thi bác ái đính thực thật chẳng dễ chút nào. Không dễ nhưng không phải là không thể làm được. Bằng chứng là Chúa Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, để đến sống cùng với con người và cứu thoát con người (x. Pl 2, 6-8). Trong lịch sử của giáo hội, biết bao người nam, nữ đã dấn thân theo lời mời yêu thương của Chúa: thánh Phanxicô Assisi, thánh Vinh Sơn, Mẹ Têrêsa Calcutta… và biết bao nhiêu con người “vô danh”, âm thầm qua bao thế hệ...

Tóm lại, công tác bác ái Kitô giáo được định hướng từ tình yêu của Thiên Chúa và theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta (x. Gl 2, 20) và mời gọi chúng ta nên chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Người trong thế giới hôm nay. Vì chỉ khi chúng ta biết sống yêu thương, mọi người mới nhận ra hình ảnh đích thực của Chúa Kitô và nhận biết chúng ta là môn sinh của Người (x. Ga 13, 35). Bác Ái Kitô giáo là tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Thực thi Bác ái Kitô giáo không chỉ là trao ban cho tha nhân “cái mình có” mà còn là hiến tặng “cái mình là” như Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta.