3.6.12

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - B



MỘT CHÚA BA NGÔI
Dấu Thánh giá chúng ta làm thường chỉ mất độ 10 giây! Mười giây để tuyên xưng Mầu Nhiệm cao cả nhất trong đạo! Nhưng mà để có được lời tuyên xưng 10 giây ấy, là cả một hành trình dài đăng đẳng, từ đời nọ tới đời kia:
- Khi nhân loại còn nghĩ rằng vũ trụ này được điều khiển bởi… vô số các vị thần… nên thờ đa thần… thì Thiên Chúa đã mạc khải Người là Thiên Chúa duy nhất qua Abraham, và nhất là với giao ước Sinai.
- Khi dân riêng của Chúa vẫn năm lần bảy lượt nghiêng nghả qua hết vị thần này đến vị thần khác… thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục gởi các tiên tri đến để cảnh tỉnh, để loan báo và đễ mời gọi họ giữ trọn giao ước Sinai là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
- Khi đến thời đến buổi, chính Con Thiên Chúa đến để nói cho con người biết Thiên Chúa duy nhất ấy là Cha, Con và Thánh Thần… nhưng cũng biết bao người chống đối… thậm chí còn thủ tiêu Người.
Vậy mới rõ, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm khó hiểu nhất, khó chấp nhận nhất! Vì đó là một Mầu Nhiệm lớn nhất, sâu xa nhất, cao vời nhất và khó lý giải nhất. Thế nhưng, chỉ cần dừng lại ở công thức mà chúng ta vẫn tuyên xưng “Một Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi một Chúa” thì chúng ta đã có thể rút ra được nhiều điều bổ ích cho đời sống cộng đoàn của mình.
Trước hết “Một Chúa Ba Ngôi” nói lên một tình yêu chia sẻ. Tình yêu ấy là một tình yêu chia sẻ, vì không chỉ gói gọn trong Ba Ngôi Thiên Chúa mà còn mở rộng đến mọi loài thụ tạo, nhất là con người. Lời Đức Giêsu nói với Nicôđêmô là lời khẳng định về tình yêu chia sẻ đó : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…”. Bức Icone diễn tả Chúa Ba Ngôi như ba vị ngồi quanh một bàn ăn và vẫn còn một ghế trống... như một lời mời gọi chúng ta bước vào tình yêu chia sẻ của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kế đến “Ba Ngôi Một Chúa” nói lên tình hiệp nhất trọn vẹn. Hiệp nhất không là đồng hoá, không là “cá mè một lứa”, không là đánh mất cái độc đáo của mình. Đây là sự hiệp nhất trong khác biệt, hiệp nhất mà vẫn giữ được nét riêng của từng ngôi vị. Sự hiệp nhất này không là một sự vong thân mà là triển nở và nâng ngôi vị lên một tầm cao mới. Chúng ta vẫn thường tuyên xưng “Chúa Cha là Đấng dựng nên ta, Chúa con Cứu chuộc ta và Chúa Thánh Thần thánh hoá ta” đó thôi.
Như vậy, mừng Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là mừng một Mầu Nhiệm xa xôi, chẳng ăn nhập gì đến cuộc sống chúng ta. Trái lại mừng Lễ Chúa Ba Ngôi là một lời mời gọi chúng ta hãy làm sống động Mầu Nhiệm Ba Ngôi một Chúa trong đời sống cộng đoàn chúng ta.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chỉ được thể hiện khi chúng ta biết yêu thương nhau thực sự, không môi mép, không khách sáo, không đóng khung trong một nhóm nhỏ nào. Tình yêu ấy phải là một tình yêu chia sẻ, nghĩa là mở rộng đến mọi người, chẳng phân biệt một ai.
Rồi Mầu Nhiệm này sẽ được hiện thực hoá trong cuộc sống khi chúng ta biết vun trồng ơn hiệp nhất trong cộng đoàn. Hiệp nhất trong cùng một ơn gọi, cùng một lý tưởng nhưng vẫn không làm mất đi dáng vẻ đặc biệt của từng người. Muốn vậy, có lẽ chúng ta cần mỗi ngày bỏ đi một chút cái tôi của mình, phát huy những điểm chung của nhau và tôn trọng sự khác biệt của tha nhân.
Xin Chúa Ba Ngôi hiện diện sống động trong cộng đoàn chúng ta. Và xin cho chúng ta luôn là một phản ánh rõ nét cho sự hiệp nhất và tình yêu chia sẻ của Chúa Ba Ngôi.