9.6.10

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ANTÔN VŨ HUY CHƯƠNG

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ANTÔN VŨ HUY CHƯƠNG
TRONG THÁNH LỄ MỪNG THỌ BÁT TUẦN
KIM KHÁNH LINH MỤC, 35 NĂM GIÁM MỤC
CỦA ĐỨC CHA EMMANUEL LÊ PHONG THUẬN
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN CẦN THƠ
Cần Thơ, ngày 08.6.2010

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,
Là một người con của giáo phận Cần Thơ, tôi không thể từ chối lời của Ban Tổ chức đề nghị tôi chia sẻ vài tâm tình trong buổi lễ đặc biệt hôm nay.
Tôi có nhiều kỷ niệm đối với Đức Cha Emmanuel, nhưng kỷ niệm khó quên nhất là vào cuối tháng 7 năm 2003, khi Đức Cha gọi tôi ra báo tin việc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II bổ nhiệm tôi làm giám mục giáo phận Hưng Hoá. Người hỏi tôi có đồng ý không để Người trả lời với Toà Thánh. Tôi nói: “Trước đây chỉ là tin đồn, nay đã xẩy ra thật sự ngoài điều con mong ước, xin Đức Cha chỉ dạy con”. Người nói: “Giáo phận Hưng Hoá đã trống toà 11 năm rồi, đã có nhiều giải pháp về nhân sự cho Hưng Hoá nhưng không thành. Vì ích lợi của Giáo hội nói chung, và của giáo phận Hưng Hoá nói riêng, tôi nghĩ là Cha nên đồng ý”. Tôi bật miệng nói: “Nếu con đồng ý thì con không được ở Cần Thơ nữa à ? Con phải xa Đức Cha à ?”. Thế là Người khóc, và tôi cũng khóc. Khóc thật nhiều và khóc thật tình. Chưa bao giờ cha con tỏ tình với nhau như vậy !
Vâng, từ miền cực nam của tổ quốc, tôi đã rời Cần Thơ đi lên miền cực bắc Việt Nam, để phục vụ một giáo phận nằm trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, giáp Trung quốc và Lào ! Đến nay đã được gần 7 năm, vậy mà tôi vẫn còn nói lộn Hưng Hoá với Cần Thơ, kể cả khi cầm bản văn tiếng Pháp để trình bày với Đức Hồng Y Sepe tại nhà thờ chính toà Hưng Hóa; thay vì nói “giáo phận Hưng Hóa” (“diocèse de Hung Hoa”) tôi lại nói “diocèse de Can Tho”, thế mà linh mục thông dịch vẫn dịch sang tiếng Việt là “giáo phận Hưng Hóa” ! Tôi đã có lần kể lại những câu chuyện tương tự như thế với Đức Cha Emmanuel, Người cười rất vui, chứng tỏ Người yêu Cần Thơ hơn tôi nhiều.
Tất nhiên là “nhân vô thập toàn”, nhưng điều mà tôi đã học được nơi Đức Cha Emmanuel là tình yêu của Người đối với giáo phận, lòng nhiệt thành phục vụ giáo phận, cụ thể nhất qua việc Người luôn có mặt và luôn muốn có mặt, giữa dân của Người, trong mọi sinh hoạt, kể cả khi đau yếu.
Người đã có mặt trong các buổi cử hành phụng vụ vào các dịp lễ, như lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh, lễ Phong Chức, lễ Khấn Dòng, lễ Thêm Sức, lễ Cung hiến hoặc làm phép Nhà thờ, lễ mừng Ngân Khánh, Kim Khánh và an táng các linh mục, tu sĩ…
Người đã có mặt trong các cuộc tĩnh tâm hàng tháng của các linh mục tại các giáo hạt, và trong các buổi sinh hoạt thường huấn của từng nhóm linh mục, cũng như trong các buổi họp của các uỷ ban chuyên ngành của giáo phận.
Người đã có mặt trong đại chủng viện Thánh Quý, không những vào những ngày lễ đặc biệt, mà còn có mặt đều đặn hàng tháng, thậm chí hàng tuần, trong các buổi họp với ban đào tạo, trong các buổi huấn đức cho chủng sinh, trong các giờ lớp về môn giáo luật.
Người đã có mặt tại các tu viện trong giáo phận để hướng dẫn, bảo ban.
Người đã có mặt tại toà giám mục để động viên công việc học tập của các tu sĩ, tu sinh, của nhóm giáo dân học hỏi Lời Chúa.
Hôm nay, đã 80 tuổi tròn, đã trải qua 50 năm linh mục, 35 năm giám mục, với bao thăng trầm của lịch sử, của giáo phận, của chính bản thân Người, nhưng chính “nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô, và trong Đức Kitô”, Người vẫn có mặt, một sự có mặt hữu hiệu, lạc quan, phó thác. Vì thế, thật là chính đáng khi hôm nay có đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, tu sinh, giáo dân từ khắp nơi, có mặt nơi đây, để cùng với Đức Tổng Giám Mục Phêrô, với Đức Cha Emmanuel, dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa, không những vì hồng ân Chúa ban cho cá nhân Đức Cha Emmanuel, mà cũng chính “nhờ Người, với Người, và trong Người”, đã ban cho giáo phận Cần Thơ trong suốt 50 năm qua, cho Giáo hội tại Việt Nam trong thời gian Người làm Tổng Thư ký HĐGMVN.
Khi thuật lại một nét đẹp trong cuộc đời của Đức Cha Emmanuel, xem ra chúng ta đã làm theo lời Chúa dạy trong các bài đọc vừa nghe ! Chúa Giêsu dạy rằng “Anh cứ về nhà với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã yêu thương anh như thế nào” (Mc 5,19); và có lẽ Đức Cha Emmanuel cũng muốn mượn lời Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu (“nhờ Người, với Người, và trong Người”), anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì đuợc nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1Cr 1,4-5).
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận Cần Thơ, cách riêng cho Đức Cha Emmanuel và Đức Cha Stêphanô, để các ngài hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó, ngay cả khi không hoạt động được, nhưng vẫn hiện diện cách hiệu quả giữa dân Người. Amen.