19.2.11

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Có anh chàng nghiện rượu, nhưng lại thích lý sự. Ngày kia cha sở đến nhà khuyên anh ta bỏ rượu chè bê tha để lo cho gia đình. Anh chàng bèn hỏi cha sở: “Theo như cha nói thì rượu là kẻ thù của con phải không, thưa cha?”. Cha sở đáp: “Đúng rồi! Rượu là kẻ thù của anh, nên đừng uống say sưa nữa nhé!”. Anh ta đủng đỉnh: “Mới Chúa nhật rồi, trong bài giảng, cha nói Chúa dạy phải ‘yêu thương kẻ thù’, nghĩa là phải đón nhận kẻ thù! Vậy rượu là kẻ thù của con, con uống rượu là đón nhận kẻ thù… như lời cha giảng, như lời Chúa dạy!!!”. Cha sở: Bó tay!!!

Lập luận trên của anh chàng nghiện rượu là lập luận theo kiểu lý sự “cùn”. Bởi vì kẻ thù mà Chúa muốn nói trong bài Tin mừng hôm nay thật ra là những người làm cho ta đau khổ, những người khiến cho ta bị tổn thương, những kẻ không ưa thích gì ta, những người làm hại ta… Như vậy, lời dạy của Chúa Giêsu “hãy yêu thương kẻ thù” là một lời mời gọi chúng ta biết vượt lên tình yêu tự nhiên - là thứ tình yêu vị kỷ, để yêu thương bằng một tình yêu siêu nhiên - là tình yêu vị tha. Cụ thể, Chúa Giêsu mở rộng chân trời yêu thương tới hết mọi người. Người mời gọi chúng ta phá đổ mọi hàng rào cách ngăn, vượt qua mọi giới hạn để tình yêu thương của chúng ta được chan hoà hơn. Và như thế, không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Đức Kitô nữa. Đây chính là điều mới mẻ và độc đáo của Tin Mừng và là mức độ cao nhất của tình yêu hoàn thiện như Cha trên trời.

Trong thực tế cuộc sống, tình yêu của con người thật giới hạn. Theo quan niệm chung, tình yêu thương cũng phải có qua có lại. Ngay cả anh chị em hay những bà con ruột thịt trong gia đình yêu nhau đã khó, yêu thương những người hàng xóm lại khó hơn và yêu thương kẻ thù thì khó gấp bội. Làm sao chúng ta có thể dung hòa để mang lời Chúa áp dụng vào cuộc sống thực tế đầy đau thương và bất công này? Làm sao chúng ta yêu thương được những kẻ ỷ thế cậy quyền để bóc lột, chèn ép, đối xử bất công với chúng ta? Làm sao chúng ta yêu thương được những người vu khống, chỉ trích, nói hành nói xấu chúng ta? Chỉ cần nhìn thấy bản mặt của họ là thấy ghét, làm sao chúng ta có thể bao dung và tha thứ được, chứ đừng nói đến chuyện yêu thương?!

Chúa Giêsu dịu dàng nhắc nhở: “Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt. 5,45). Đó chính là lý do thứ nhất khiến chúng ta phải hết lòng yêu thương mọi người kể cả những người thù ghét mình.

Kế đến, chúng ta cần yêu thương cả những người thù ghét chúng ta, bởi vì chính chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Giả như Thiên Chúa đối xử với ta như cách ta thường đối xử với tha nhân, thì có lẽ chúng ta đã bị diệt trừ từ lâu rồi. Thật vậy, trong cuộc sống, đã nhiều lần chúng ta là kẻ thù của Chúa khi xúc phạm đến Chúa, chống lại Chúa, thử thách Chúa...

Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài. Phần chúng ta, cho dù khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được tình yêu thương với ơn Chúa trợ giúp. Chính thánh Phaolô đã quả quyết điều này: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng này, đó là Gandhi, người được dân Ấn-độ coi là vị thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động, để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của Tình Yêu. Nhưng mà, chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực mới có thể làm trái tim con người trở nên mềm mại và tràn đầy sức sống.

Chúa Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù để trở thành con cái Cha trên trời. Chúng ta không chỉ trở thành con Cha vào ngày Rửa tội. Chúng ta trở thành con Cha hơn nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày. Amen.