19.1.12

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN - B

ƠN GỌI

1. PVLC hôm nay nói về ơn gọi. Và khi nghe đến ơn gọi thì ta thường nghĩ ngay đến ơn gọi LM và tu sĩ… và như thế, chỉ liên quan đến LM tu sĩ thôi… chẳng ăn nhập gì với ta cả. Nhưng mà thưa các bạn, chúng ta cần phải xác định định điều này là, Lời Chúa mời gọi chúng ta trước hết nhìn về ơn gọi căn bản, ơn gọi đó chính là ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi làm người môn đệ của Chúa. Ơn gọi đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, chứ chẳng dành riêng cho 1 hạng người nào.
2. Nhưng làm sao để sống được ơn gọi Kitô hữu của mình? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời thật rõ ràng qua 3 động từ: tìm - theo - ở!
- Trước hết là động từ “tìm”. CG hỏi “Các anh tìm gì?”. Đây là câu hỏi căn bản của con người. ta tìm gì trong cuộc sống này? Lẽ dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng sẽ trả lời được là ta đang tìm hạnh phúc. Nhưngvấn đề là hạnh phúc đích thực đến từ nơi nào? Phải chăng là danh vọng? Phải chăng là lợi lộc? Phải chăng là thú vui? Không! Hạnh phúc đích thực không đến từ những thực tại trần gian như danh, lợi, thú… hạnh phúc đích thực đến từ trên cao, ngang qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng chỉ cho chúng ta đâu là hạnh phúc đích thực và đâu là đường để đạt tới niềm hạnh phúc ấy: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Tựa như câu chuyện đại bàng con cứ loay hoay với đàn gà cúi gằm xuống mặt đất mà quên rằng trên cao xanh kia mới là nơi đích thực của mình… người Kitô hữu cũng cần vươn cao để tìm hạnh phúc đích thực của đời mình. Như vậy “tìm” là xác định hướng đi của đời mình.
- Kế đến là động từ “theo”. Hai người môn đệ “theo” CG. Điều này hàm ý một sự từ bỏ: từ bỏ chỗ đứng của mình. Từ bỏ tham vọng của mình. Từ bỏ những bảo đảm cho đời sống mình. Từ bỏ những quyến luyến khiến mình không được thanh thoát, như tôi tớ Chúa là Cố HY Px. Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn Đường Hy Vọng: “Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV 179). “Theo” còn là một động từ luôn kèm theo một túc từ: theo ai hoặc theo điều gì đó. Theo ở đây là theo Chúa. Theo Chúa chứ không phải theo ý riêng của mình hoặc theo 1 ai khác. Theo Chúa chứ không phải bắt Chúa theo mình. Đức Thánh Cha Benedicto đã khẳng định rằng: Kitô giáo không phải là một chủ thuyết, một lý tưởng, mà Kitô giáo là bước theo một con người, là chính Con Thiên Chúa nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Như vậy, “theo” là đến với Chúa.
- Cuối cùng là động từ “ở”. Thánh Gioan xác định rõ thời gian: lúc ấy là giờ thứ 10, và hai ông đã “ở lại” với Chúa chiều hôm ấy! Động từ “ở” trong Tin Mừng theo thánh Gioan mang một ý nghĩa thần học thâm thúy, đồng nghĩa với việc trở nên một. Ở không chỉ đơn thuần là hiện diện, mà còn là gắn bó trọn vẹn. Ở không chỉ là ngồi bên cạnh mà là cùng chung nhịp đập con tim… Trong cuộc sống hôm nay, dường như con người không đủ thời gian cho nhau, và càng không có thời gian cho Chúa. Nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con mình không có giờ để học Giáo lý. Nhiều bạn trẻ nói mình không có giờ đến nhà thờ, cũng chẳng có giờ để nhớ đến Chúa, để đọc kinh hôm kinh mai nữa. Thời đại thực dụng và hưởng thụ khiến con người thời nay thích “ở” với những thứ khác hơn là “ở” với Chúa: lưu lại trong những forum, lướt web, ở những quán café hàng giờ, thậm chí cả ngày… thì chẳng kêu ca gì, thậm chí còn thấy thiêu thiếu nữa… vậy mà đến Nhà Thờ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật có hơn 1 giờ đồng hồ mỗi tuần thì… kêu… không có thời gian!
3. Vậy thì thưa quý bạn trẻ rất thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau biết thực hiện trong đời mình 3 động từ được rút ra từ Lời Chúa hôm nay: tìm, theo và ở!
- Hãy tìm Nước Chúa là hạnh phúc cho đời ta
- Hãy theo Đức Kitô là con đường dẫn đến hạnh phúc thật
- Hãy ở lại với Đức Kitô trong kinh nguyện và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể
Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội. Và chỉ có như thế chúng ta mới thực sự trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cứu độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Amen.