25.9.11

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN



1. Trong chương trình ca nhạc ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Bình Thuận được tổ chức vào ngày 19.4.2009, số tiền mà các DN ủng hộ được công bố là hơn 20 tỉ đồng. Nhưng sau hơn hai năm, vẫn còn gần 5 tỉ đồng và 8.000 USD mà họ đã hứa ủng hộ chưa được thanh toán… Đây mới chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt tại xã hội chúng ta đang sống hôm nay, đến độ người ta phải nói những người này là những “con ma nhà họ Hứa”.
2. Xem người lại ngẫm đến ta. Biết bao lần chúng ta thất hứa với người thân, thất hứa với Chúa? Biết bao lần chúng ta nói “vâng” với Chúa rồi lại không làm theo Thánh Ý Người? Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:
- Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá và thưa “Amen” là chúng ta “tuyên xưng” Mầu Nhiệm 1 Chúa Ba Ngôi và cam kết sống tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nhưng mà thực tế cuộc sống của chúng ta có là dấu chỉ của sự hiệp thông và yêu thương không?
- Khi chúng ta đón nhận Thánh Thể và thưa “Amen” là chúng ta thưa “vâng” và cam kết trở thành môn đệ của Đức Giêsu và bắt chước Ngài sống phục vụ và hiến thân cho tha nhân. Còn thực tế thì sao? Chúng ta có chuyển hoá tiếng “vâng” trong Thánh Lễ thành tiếng “vâng” trong cuộc đời? Hay nó bị biến chất thành tiếng “không” lạt lẽo và vô vị?
- Cuối Lễ, khi chủ tế nói “Ite missa est” (lễ xong – anh chị em hãy đi). Không phải là đi về bình an đâu, mà là hãy đi làm chứng cho Chúa trong cuộc đời, làm cho Thánh Lễ nối dài trong chính cuộc đời mình. Chúng ta thưa “Deo gratias” (tạ ơn Chúa). Cũng không phải chỉ là lời tạ ơn suông, mà là lời “xin vâng”, lời cam kết thành chứng nhân!

3. Tới đây, có lẽ tôi và quý ÔBACE bắt đầu thấy giựt mình rồi phải không nào? Giựt mình là vì sao chúng ta thấy mình giống như đứa con thứ hai trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe quá! Tiếng “vâng” sao nghe thật dễ. Lời tuyên xưng “tôi tin” nghe sao mạnh mẽ. Nhưng từ vâng đến làm, từ tin đến sống sao vẫn còn một khoảng cách quá xa xôi, đôi khi thật diệu vợi. Như người ta thường nói : “Con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay!”. Thế nên, vấn đề là chúng ta làm sao để rút ngắn được khoảng cách này.
4. Để được như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có cùng một lúc 2 thái độ này:
- Một là chúng ta phải luôn xác tín rằng Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin. Nhưng lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Vâng, lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng mà còn bằng cuộc sống yêu thương, phục vụ, tha thứ nữa.
- Hai là chúng ta cần ý thức cách mạnh mẽ rằng mỗi khi chúng ta sống yêu thương, mỗi khi chúng ta sống công bình, mỗi khi chúng ta hiệp thông với nhau trong cộng đoàn, mỗi khi chúng ta biết thứ tha cho tha nhân… là lúc chúng ta đang làm cho niềm tin của chúng ta thêm lớn mạnh và vững vàng.
5. Và cuối cùng, xin mời quý ÔBACE hãy cùng tôi dâng lên Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lời nguyện sau đây: Ôi giọng nói của Chúa Giêsu, xin hãy kêu gọi chúng con, khi chúng con lạc bước quá xa Ngài. Ôi đôi mắt của Chúa Giêsu, xin hãy mỉm cười nhìn chúng con, khi chúng con cần Ngài khích lệ. Ôi đôi tay của Chúa Giêsu, xin hãy xức dầu cho chúng con, khi chúng con yếu đuối mỏi mệt. Ôi bờ vai của Chúa Giêsu, xin hãy là chỗ dựa nâng đỡ chúng con, khi chúng con vấp ngã. Ôi trái tim của Chúa Giêsu, xin hãy giúp chúng con biết yêu thương nhau, như chính Ngài đã yêu thương chúng con. Amen.