3.9.11

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN - A



Khởi đầu Thánh Lễ, khi đọc kinh cáo mình, chúng ta đấm ngực 3 lần và thú nhận: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng! Tâm tình thật sâu sắc, thật khiêm tốn, thật chân thành. Nhưng không ít lần sau Thánh Lễ, khi trở về thực tế cuộc sống hằng ngày, thì tâm tình khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình “cuốn theo chiều gió”, nên chúng ta dễ dàng thú nhận: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại… anh mọi đàng. Hoặc như người chồng nói với vợ mình: Lỗi tại tôi nhưng lôi thôi tại bà! Khi ta đã không chấp nhận sai lỗi của mình thì ta cũng chẳng thể chấp nhận lỗi lầm của tha nhân, nên thay vì sửa lỗi thì “sửa lưng”, thậm chí còn phê bình chỉ trích, bêu xấu… người khác.

Nhân vô thập toàn. Đã là người thì ai ai cũng có lỗi lầm, nên sửa lỗi là việc thường tình và cần thiết. Được người khác sửa lỗi cho mình phải là niềm hạnh phúc lớn. Còn sửa lỗi tha nhân phải là một bổn phận không thể không thi hành. Nhưng điều căn bản nhất, quan trong nhất trong việc sửa lỗi chính là tình yêu thương chân thành. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy chúng ta phương thế tuyệt vời trong việc sửa lỗi trong cộng đoàn. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu dạy chúng ta nghệ thuật ăn nói, đặc biệt trong tình huống phải sửa lỗi cho nhau.

Trước hết Chúa dạy ta phải biết “nghệ thuật nói với”:

- Để nói với tha nhân, Chúa dạy ta phải nói lời xây dựng. Lời dạy thật rõ ràng: “nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Sửa dạy chứ không lên án, xây dựng chứ không loại trừ. Điều này đòi phải có lòng yêu thương và coi mọi người là anh chị em thân thiết của mình.

- Để nói với tha nhân, Chúa cũng dạy ta phải nói lời tế nhị. Khi góp ý với ai đó thì cần phải kín đáo “riêng ngươi và nó thôi”, bởi nếu không khéo thì chuyện bé sẽ xé ra to. Điều này cần sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau. Tôn trọng cái tốt vẫn luôn có và luôn còn nơi mỗi người. Tin tưởng rằng bất kỳ ai, dù có lỗi lầm đến đâu đi chăng nữa, vẫn có khả năng hoán cải nên tốt hơn.

- Để nói với tha nhân, Chúa còn dạy ta phải nói lời đối thoại. Chỉ nói khi có “riêng ngươi và nó thôi” còn có nghĩa là biết trao đổi, biết đối thoại với nhau. Điều này cần có thái độ kiên nhẫn và biết sẵn sàng lắng nghe, biết chấp nhận khác biệt của nhau.

Kế đến, Chúa cũng dạy ta phải biết “nghệ thuật nói cùng”:

- Khi nói cùng nhau tức là hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Hiệp thông luôn là một lời mời gọi trong Giáo Hội, là dấu chỉ của Nước Trời. Càng hiệp thông với nhau, chúng ta gắn bó với Chúa và Giáo Hội.

- Khi nói cùng nhau tức là cảm thông, là thấu hiểu cõi lòng của nhau. Và chỉ khi cảm thông và thấu hiểu nhau, ta mới có thể thay đổi quan điểm, thay đổi con người… để hướng đến điều hoàn thiện.

- Khi nói cùng nhau trong Chúa tức là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ điều đó”.

Như vậy, Lời Chúa dạy hôm nay thật thiết thực với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta biết hoán cải, biết đổi mới trong cung cách nói năng hằng ngày, để việc sửa lỗi huynh đệ đem lại nhiều ích lợi cho cộng đoàn:

- Nếu xưa chúng ta thường nói lời chỉ trích, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời xây dựng.

- Nếu xưa chúng ta thích nói lời gắt gỏng, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời tế nhị.

- Nếu xưa chúng ta chỉ muốn nói lời ra lệnh, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời đối thoại.

- Và nếu ngày xưa chúng ta thường sống khép kín, thì hôm nay Chúa mời chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để có thể cùng nhau dâng lên Chúa những lời nguyện cầu.

Xin Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong mỗi người chúng ta, để mỗi lời chúng ta thốt ra đều là lời yêu thương như Lời Tình Yêu mà Chúa Ba Ngôi đã ưu ái gởi đến mọi người. Amen.