10.9.11

CHÚA NHẬT XXIV TN - A



Cách đây đúng 10 năm, ngày 11.9.2001, cả thế giới kinh hoàng vì một loạt vụ tấn công khủng bố có phối hợp tại Hoa Kỳ, khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách, trong đó chúng lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, mỗi chiếc đâm vào một tòa tháp. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp sụp đổ hoàn toàn. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào Ngũ Giác Đài ở bang Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng thuộc bang Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này. Nếu không tính 19 không tặc, số người thiệt mạng lên đến 2.974 người và 24 người mất tích. Sau biến cố thù địch này, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush đã thề sẽ tiêu diệt bọn khủng bố và tuyên bố như một anh chàng cao bồi thứ thiệt: “Bắt cho bằng được Bin Laden, dù sống hay chết”.

Hôm nay, 10 năm sau biến cố đầy hận thù trên, Bin Laden cũng đã chết…, nhiều người vẫn không thể nào quên được nỗi đau do sự thù hận gây ra, nhưng thật ngạc nhiên và cảm động khi tôi tình cờ nghe được lời tâm sự của cô gái 15 tuổi, tên Sonali Beaven, có người cha đã hy sinh trong chuyến bay mà bọn khủng bố đã cướp, khi đó cô mới 5 tuổi. Cô nói trên đài BBC như sau: “Chiến tranh chẳng đưa người ta đi đến đâu, vì không thể dùng lửa để dập tắt lửa!”

Tôi miên man suy nghĩ lời của cô bé Sonali, và khi suy niệm bài TM Chúa Nhật hôm nay, tôi lại càng thấm thía lời dạy của Chúa: “Thầy không bảo con phải tha đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7”. Thật vậy, thưa quý ÔBACE, thánh Phêrô, có lẽ cũng như nhiều người trong chúng ta, dù nhìn nhận rằng tha thứ là một đức tính của người anh hùng, nhưng quan niệm tha thứ cũng phải có giới hạn: “quá tam ba bận” là cùng… Cho nên, thánh Phêrô, có lẽ muốn chứng tỏ với Chúa về sự quảng đại của mình, đã đưa ra một giới hạn mà theo ông là vượt quá lý tưởng, trên cả tuyệt vời, đó là “tha đến 7 lần!”. Nhưng lời dạy tha thứ của Chúa lại là “70 lần 7”, nghĩa là không có giới hạn.

Chúng ta, những người môn đệ của Chúa phải tha thứ luôn luôn, phải tha thứ mãi mãi, vì những lý do sau đây:

- Chúng ta phải tha thứ vì ai cũng có những lầm lỗi thiếu sót. Đã là người thì ai cũng có sai lỗi, ai cũng có những lúc lỡ lầm. Có những lỗi lầm do cố ý, những cũng có rất nhiều những thiếu sót do vô tình, do không ý thức… vì thế chúng ta cần thấu hiểu, thông cảm và tha thứ cho nhau.

- Chúng ta phải tha thứ vì chính chúng ta là người cần được thứ tha. Giả sử như mọi người không ai tha thứ cho ta, thì có lẽ ta đã bị khai trừ ra khỏi xã hội từ lâu rồi. Khi ý thức được rằng bản thân mình cũng còn nhiều sai lỗi và cần sự tha thứ của tha nhân, thì ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho anh chị em chung quanh mình.

- Chúng ta phải tha thứ vì đó là điều kiện để được Chúa thứ tha. Đó là đòi buộc của Chúa qua dụ ngôn chúng ta vừa nghe: “Ta đã tha hết nợ cho ngươi… còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi”. Chúa còn dạy chúng ta phải tha thứ cho tha nhân trước khi khi xin Chúa tha thứ cho mình: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

- Chúng ta phải tha thứ cho nhau để có thể nên “hoàn thiện như cha trên Trời”. Lời mời gọi nên hoàn thiện chỉ được thực hiện trong cuộc sống nếu như chúng ta biết tha thứ, như Chúa đã thứ tha. Lịch sử của nhân loại chỉ trở thành lịch sử cứu rỗi là do lòng bao dung nhân từ của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là lời tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá: “Xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết!”.

Có một người cha giận đứa con trai mình vì tội cờ bạc, cá độ bóng đá…và nhất định không nhìn mặt “thằng con bất hiếu” nữa. Vì ông rất cố chấp, nên dù các đoàn thể đã khuyên hết lời rồi mà ông vẫn không nghe. Giải pháp sau cùng là mời cha sở. Khi cha sở vừa vào nhà, ông liền nói: “Thưa cha, con đã tha thứ cho thằng con trai con rồi, nhưng nó muốn đi đâu thì đi, miễn là đừng có vác cái mặt về đây nữa là được”. Nghe ông tuyên bố như thế, cha sở cũng muốn “bó tay” luôn, nhưng có lẽ nhờ ơn Chúa soi sáng, nên ngài mới kể cho ông nghe câu chuyện: “Có bà lão kia khi chết lên trình diện Chúa. Chúa bảo bà rằng tội bà nhiều lắm, nhưng Ta tha thứ tất cả. Có điều bà muốn đi đâu thì đi, miễn sao đừng để Ta thấy mặt là được”. Nghe đến đây thì ông bắt đầu thấy lo. Ông hỏi lại: “Thế bà đi đâu vậy cha?” Ngài trả lời rằng: “Còn đi đâu nữa! Có nước vào hỏa ngục thì mới không thấy Chúa”. Nghe nói sau đó nghĩ lại, ông cho thằng con trai về nhà!

Thế mới biết con người ta khó tha thứ biết chừng nào. Có khi chúng ta “tha” mà không “thứ”, tức không quên được lỗi lầm của người lầm lỗi, thậm chí không muốn thấy mặt người đó như nguời cha trong câu chuyện trên. Hoặc nữa có khi tha, nhưng đặt điều kiện này điều kiện nọ.

Kính thưa quý ÔBACE,

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ. Nhưng trên hết và trước hết, tha thứ là một nhân đức siêu nhiên, là một ân huệ do Thiên Chúa ban tặng. Do đó, chúng ta không thể tha thứ cho nhau nếu chúng ta không ý thức và sống những điều căn bản sau đây:

- Một là cần cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình, vì càng cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng dễ thứ tha cho anh chị em mình bấy nhiêu.

- Hai là phải tha thiết cầu nguyện xin cho chúng ta có được tấm lòng bao dung nhân hậu của Chúa, để chúng ta có thể tha thứ cho tha nhân, mỗi khi họ xúc phạm đến chúng ta. Tha và thứ, tha và quên mới là tha thứ thật.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra được lòng bao dung tha thứ của Chúa trước vô vàn lỗi phạm của chúng con và xin cho chúng con biết thể hiện lòng bao dung của Ngài qua thái độ quảng đại tha thứ cho tha nhân. Amen.