11.10.11

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

1. Gần đến những tháng cuối của một năm, người ta thường tổ chức đám cưới… và lẽ dĩ nhiên là nhiều người vui nhưng cũng nhiều người méo mặt vì thiệp cưới tới tấp gởi đến, mà cái nào cũng quan trọng cả… đến nỗi nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Nên nếu có cơ hội thuận tiện để từ chối thì chối từ liền, hoặc là gởi phong bì… để khỏi hay rơi vào cảnh “ăn bữa cỗ lỗ bữa cày”! Vì thế mà mới có chuyện thật như đùa ở tại Cần Thơ và Bạc Liêu trong tháng 9 vừa qua: có 2 vị quan chức nhà nước in thiệp mời đám cưới của con, nhưng lại ghi thêm chức danh của Bố. Một vị ghi rõ chức danh là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ, vị khác ghi rõ tên cơ quan công tác là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (của Bạc Liêu). Có lẽ các vị này muốn tăng uy thế của thiệp mời!!!?? Nghe nói là sau khi dư luận lên tiếng, người ta đã “kỷ luật”… khiến trách!!! (xem Báo Pháp Luật).
2. Nhưng dụ ngôn Chúa kể trong bối cảnh văn hoá lịch sử của người Do thái thời bấy giờ lại khác hẳn: được đức vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, tiên tri Isaia đã nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x. Is 25,6; 55,1). Điều đó cho ta thấy “tấm lòng” của Thiên Chúa quá bao la, tình yêu của Người quá dạt dào. Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do chẳng hề tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.
3. Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại xảy ra trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử của dân Do thái, là dân được Chúa tuyển chọn. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất cả chỉ vì tình Chúa yêu thương. Vậy mà khi Chúa sai các đầy tớ là các tiên tri đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Như vậy, những người trước tiên được mời bị loại ra chỉ vì (nói theo kiểu nói của Trịnh Công Sơn) là thiếu một tấm lòng!
4. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng! Phải, cần có tấm lòng để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng một khi đã đáp lại lời mời gọi yêu thương đó, thì cũng cần phải có 1 tấm lòng để tôn trọng người mời, tôn trọng chính mình và tôn trọng những người đồng dự tiệc cưới. Hình ảnh người không mặc y phục lễ cưới gợi lên cho chúng ta sự thiếu tôn trọng đó, hay nói cách khác là người không mặc y phục lễ cưới là người thiếu một tấm lòng.
5. Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự:
- Những người không tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự Thánh Lễ.
- Lại nữa, có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Thật ra, mặc “y phục lễ cưới” không gì khác hơn là “mặc lấy chính Đức Kitô”, như lời một bài hát sinh hoạt quen thuộc: “mặc áo xanh rồi mặc áo đỏ, mặc áo nọ rồi mặc áo kia, nhưng em tin rằng em đẹp nhất, khi em mặc lấy Đức Kitô”. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

6. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn. Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô).