17.10.11

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A



1. “Của Cesar trả cho Cesar” đã trở thành một câu nói rất nổi tiếng, ai ai cũng biết, đến nỗi tôi thử tìm câu này trên google, thì chỉ trong vòng 0,20 giây thôi, mà đã có 1.870.000 kết quả! Nhưng mà để hiểu cho đúng, và nhất là để sống cho đúng câu nói của Chúa Giêsu trong Bài TM chúng ta vừa nghe hôm nay thì không phải đơn giản.

2. Trong lịch sử nhân loại, đã có 1 thời Giáo Hội coi mình ở trên tất cả, bảo cái gì cũng là của Chúa hết… nên can thiệp vào mọi vấn đề của con người. Ví dụ như Đức Giáo Hoàng phong vương cho các vua chúa Châu Âu, Giáo hội lập toà án xử những vấn đề thuộc lãnh vực khoa học, như vụ xử nổi tiếng Galilêô. Nhưng rồi cũng trong lịch sử nhân loại, cũng có thời các nhà cầm quyền độc tài chuyên chế muốn nhúng tay vào mọi chuyện, kể cả trong lãnh vực niềm tin nữa. Chẳng hạn như chuyện đòi các thanh niên nam nữ muốn đi tu thì phải xin phép, đòi ký giấy cho phép phong chức linh mục, đòi quyền bổ nhiệm giám mục… Đấy là cái thời mà người ta coi cái gì cũng thuộc về Cesar cả.

3. Vậy thì làm sao để hiểu cho đúng câu nói nổi tiếng của Chúa: “Của Cesar trả cho Cesar, còn của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”? Như chúng ta vừa nói, trong lịch sử của nhân loại, có thời người ta coi cái gì cũng là “của Chúa”, rồi cũng có khi người ta xem cái gì cũng thuộc về Cesar! Thật ra thì câu nói của Chúa Giêsu: “Của Cesar trả cho Cesar, còn của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”, tự nó đã bao hàm một sự phân biệt “của Cesar” và “của Chúa”. Nhưng mà vấn đề là chúng ta phân biệt thế nào.

- Người ta thường phân biệt theo theo phạm trù “không gian”: trong Nhà thờ là “của Chúa”, ngoài nhà thờ là “của Cesar!” Nhưng mà trong thực tế thì chưa chắc là cứ ở trong Nhà thờ là của Chúa, như trường hợp người ta đến Nhà thờ để lấy cắp xe hay nón an toàn của những người đến dự lễ! Rồi cũng có người trong Nhà Thờ thì đạo đức lắm, nhưng vừa bước ra khỏi nhà thờ thì cũng sống bê tha, ganh ghét, giận hờn...

- Rồi cũng có nhiều người phân biệt theo phạm trù “thời gian”: lúc cầu nguyện, lúc đi lễ là “của Chúa” còn lúc làm ăn buôn bán là “của Cesar”… nên trong lúc cầu nguyện thì rất sốt sắng, nhưng sau khi cầu nguyện rồi thì cũng bất công, lươn lẹo, tham lam… chẳng chịu thua ai! Giống như câu chuyện vui là có ông thầy bị người ta chọc tức quá, chịu không nổi, bèn ngửa mặt lên nói với Chúa rằng: “xin cho con nghỉ tu 5 phút… để con cho tụi nó biết tay!!!”.

4. Sẽ là đúng đắn, nếu chúng ta phân biệt “của Chúa” và “của Cesar” không dựa vào phạm trù không gian hay thời gian, mà dựa vào “bậc thang giá trị”. Chúng ta là Kitô hữu không phải chỉ ở trong Nhà Thờ, mà còn phải là chứng nhân cho Chúa giữa chợ đời hôm nay. Chúng ta sống đạo không chỉ trong khi chúng ta dâng lễ, mà phải kéo dài trong chính cuộc đời mình, bằng một cuộc sống yêu thương, công bình, chính trực, tha thứ và liên đới với mọi người. Và như thế, một khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng, thì đó là lúc chúng ta trả lại cho Chúa những gì thuộc về Người, mà thực tế thì có gì mà chúng ta đang có lại không là do Chúa ban? Có chăng chỉ là tội lỗi mà thôi! Thế nên, xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu được Lời Chúa hôm nay, và đem Lời Chúa vào trong thế giới này bằng một đời sống trung thực, công bình và bác ái. Amen.