23.10.11

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Hôm nay là ngày Khánh nhật Truyền giáo, là ngày cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội toàn cầu, của Giáo hội Việt Nam, và đặc biệt là của Giáo phận chúng ta. Nhân dịp này, xin chia sẻ với quý ÔBACE về sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu. Theo tường thuật của thánh Mátthêu trong bài TM chúng ta vừa nghe, trước khi về trời, Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Như vậy, sứ mạng của các Kitô hữu, của các môn đệ Đức Kitô là loan báo Tin Mừng Phục Sinh và làm cho mọi người trở nên môn đệ của Chúa qua việc tuân giữ các huấn lệnh của Người.

Nhưng chúng ta phải truyền giáo bằng cách nào? Chúng ta có thể tóm lược những cách thức truyền giáo như sau:

1. Truyền giáo bằng lời rao giảng. Thánh Phaolô đã đưa ra một lập luận rất chặt chẽ và sắc bén để đề cao việc truyền giáo bằng lời rao giảng: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 14-15.17).

2. Truyền giáo bằng lời cầu nguyện. Trong bức thư viết cho một nhà truyền giáo tại Trung quốc, thánh nữ Têrêsa đã ví von như sau: “Như ông Giôsuê, cha chiến đấu dưới đồng bằng; còn con, con là ông Môsê bé tí và tâm hồn con không ngừng hướng về trời để cầu cho cha được chiến thắng!”. Việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện này của thánh nữ Têrêsa đã có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, đến độ Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong ngài làm bổn mạng các công cuộc truyền giáo.

3. Truyền giáo bằng sự liên đới. Đức Thánh Cha Benedicto đã viết trong sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm nay như sau: “Hoạt động truyền giáo luôn đặc biệt quan tâm đến sự liên đới”. Chúng ta biết đến mẫu gương liên đới của Mẹ Têrêsa Calcutta, người được toàn thế giới công nhận là “người phụ nữ giàu lòng nhân ái nhất thế kỷ 20”, được các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái tôn phong là “nhà truyền giáo lỗi lạc nhất của thế kỷ 20”, chính là nhờ những hoạt động liên đới với những người khổ đau, nghèo khó, bệnh tật, hấp hối của Mẹ.

4. Truyền giáo bằng cái chết. Sử gia Tertulianô đã từng nhận định rằng: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người Kitô hữu”. Tại Việt Nam, hơn 130.000 đấng tiền nhân đã anh dũng hy sinh, hiến mạng sống mình để bảo vệ đức tin, để làm chứng cho Chúa Kitô, trong số đó có 117 vị được tôn phong hiển thánh và 1 vị được phong chân phước.

5. Truyền giáo bằng đời sống gương mẫu. Một cách cụ thể qua việc chu toàn việc bổn phận hằng ngày một cách chăm chỉ và nghiêm túc nhất. Truyền giáo bằng lời rao giảng nhất là bằng cái chết thì không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng truyền giáo bằng cuộc sống thì mọi người đều có thể làm và phải làm. Từng giây, từng phút, từng ngày… qua từng cử chỉ, lời nói, việc làm… chúng ta phải chứng tỏ cho mọi người thấy gương mặt của “Thiên Chúa là tình yêu”.

Cuối cùng, xin được mượn lời của Đức Thánh Cha Benedicto trong Sứ điệp Truyền Giáo năm nay để kết thúc những phút chia sẻ này: “Được tham dự vào trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội, người Kitô hữu trở nên người xây dựng sự hiệp thông, bình an và liên đới mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, và họ góp phần thực hiện kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho nhân loại”. Amen!