29.1.11

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - A - CHÁNH TOÀ – 2011

1. Là con người, ai cũng mong ước được hạnh phúc và nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của mỗi người. Khi con người chiều theo cơn cám dỗ của Satan, đó chính là lúc hạt mầm hạnh phúc không còn đủ “thiên thời địa lợi” để mọc lên và đơm hoa kết trái. Bất hạnh và gian dối theo về, ùa vào cuộc đời, chảy xuôi dòng lịch sử. Để rồi từ đó, con người luôn khắc khoải đi tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đích thực là gì? Ai có thể chỉ cho chúng ta con đường đạt tới hạnh phúc đích thực?!
2. Có người cho rằng hạnh phúc là vàng bạc là tiền của vật chất. Người khác lại cho rằng hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng. Có người nghĩ hạnh phúc là sức khỏe, là sắc đẹp, là tình yêu. Còn đối với Ấn giáo thì hạnh phúc là sự hài hoà trong cuộc sống… Như vậy có muôn lối nhìn về hạnh phúc tuỳ theo quan niệm của mỗi người. Và tuỳ ở quan niệm về hạnh phúc thế nào mà người ta sẽ sống như thế ấy. Chẳng hạn như Tần Thuỷ Hoàng sai người đi tìm thuốc trường sinh để mong thoả ước mơ được hạnh phúc là sự bất tử. Thế nhưng cũng có những điều giản dị hằng ngày khiến chúng ta tràn trề niềm vui, như thể phần nào cảm nhận được dư vị của hạnh phúc đích thực… đến nỗi phải thốt lên như nhạc sĩ Trần Tiến “Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ...”.
3. Hạnh phúc thực không là một cành hoa dại ven đường để ai đó dễ dàng lặt hái. Hạnh phúc thực chẳng là chiếc áo để người ta thoải mái đổi thay. Hạnh phúc thực là sự sống - là tình yêu - là sự thiện hảo. Có một chàng phóng viên mơ rằng mình được Chúa cho lên Thiên Đàng để thực hiện 1 phóng sự về cuộc sống hạnh phúc đích thực. Chàng ta quan sát một vòng Thiên Đàng, vô cùng ngạc nhiên và thích thú vì những điều mình xem thấy… Đang mê mẩn chiêm ngưỡng cảnh Thiên Đàng, chàng phóng viên lạc vào 1 Siêu Thị rất lớn, với bảng quảng cáo: “Nơi đây phân phối hạnh phúc miễn phí cho con người”. Chàng phóng viên quay sang chất vấn Chúa: “Ở đây có cả một siêu thị hạnh phúc… còn nói là dành cho trần gian, vậy mà ở dưới đó… toàn là bất hạnh!!! Dân làm báo chúng con ngày nào cũng phải đưa tin về tham nhũng hối lộ, bất công xã hội, ỷ quyển ỷ thế hà hiếp dân lành, chiến tranh hận thù, chém giết thanh toán lẫn nhau, xì ke ma tuý, bạo hành ngoài xã hội, trong gia đình và trong cả trường học…”. Chúa ôn tồn trả lời: “Đúng! Đây là Siêu thị hạnh phúc dành cho con người, nhưng ở đây chỉ phân phối hạt giống thôi. Con người được nhận hoàn toàn miễn phí và nhiệm vụ của họ là chăm sóc và vun tưới cho hạt giống hạnh phúc nảy mầm và trổ sinh hoa trái!”. Chàng ta tò mò: “Nhưng chăm sóc có khó không?”. Chúa đưa cho anh ta 1 tờ giấy trong đó ghi công thức chăm sóc hạt giống hạnh phúc, đó là Mt 5, 1-12. Anh tròn xoe đôi mắt… rồi giựt mình thức giấc…
4. Thưa quý ÔBACE rất thân mến, quý ÔBACE có biết công thức Chúa trao cho con người để làm cho hạt giống hạnh phúc Chúa đã ban cho chúng ta là gì không? Đó chính là Hiến chương Nước Trời Chúa Giêsu đã công bố, mà chúng ta vừa lắng nghe. Thật vậy, Tám mối Phúc thật chính là con đường dẫn chúng ta đến sự sống, tình yêu và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta hãy lưu ý điều này là: nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, hiền lành, đau khổ, bách hại mà ta chịu chỉ là đau khổ chứ không là hạnh phúc. Trái lại chúng ta sẽ được hạnh phúc đích thực nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả vì Chúa và vì tha nhân. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, những người ích kỷ suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay nỗi đau của mình đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, biết nghĩ đến người khác, biết chấp nhận hy sinh để góp phần xây dựng hạnh phúc cho tha nhân và vì Chúa… thì những người ấy luôn luôn có hạnh phúc đích thực trong cuộc đời.
5. Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và thường xuyên tìm đủ mọi cách để giúp anh chị em chung quanh mình tìm được hạnh phúc. Sống như thế, không những chúng ta tìm được hạnh phúc ở đời này mà hy vọng chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Amen.

24.1.11

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - A

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - A - CHÁNH TOÀ - 2011

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia trong Bài đọc I: "Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng tối sự chết."

Một ngày kia Mẹ Têrêsa Calcutta đến Melbourne, Australia. Mẹ đi thăm một người nghèo không ai biết đến. Ông này sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng thì không có cửa sổ mà cũng chẳng có một bóng đèn, rất tối tăm. Mẹ Têrêsa bắt tay vào thu dọn đồ đạc. Ông gắt lên: “Cứ để yên mọi thứ cho tôi”. Nhưng Mẹ vẫn cứ tiếp tục dọn dẹp. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, Mẹ Têrêsa tìm thấy một chiếc đèn ở một góc phòng. Đèn bám đầy bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến nó. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:
- Sao lâu nay ông không thắp đèn lên?
- Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai.
- Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không?
- Vâng, nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của Mẹ Têrêsa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy: “Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng làm ơn nói với nữ tu đầu tiên đã đến thăm tôi rằng: ánh sáng mà bà thắp lên trong cuộc đời tôi vẫn còn cháy sáng”.

Lúc đầu ông đã không thích ánh sáng vì cảm thấy bị đe doạ. Ánh sáng làm ông khó chịu. Tại sao? Bởi vì nó làm lộ rõ cảnh khốn cùng mà ông đang sống. Trước hết là sự khốn khổ thể lý, sau là sự khốn khổ tinh thần. Nhưng dần dần, ông đã xem ánh sáng như một người bạn, nó an ủi ông và mang niềm hy vọng cho đời sống tăm tối của ông. Vì thế lần hồi ông thay đổi cuộc sống mình. Ánh sáng đã cứu ông. Dĩ nhiên không phải ngọn đèn đã làm điều này, nhưng chính là lòng nhân ái tử tế mà nó tượng trưng, và trước tiên là nơi mẹ Têrêsa rồi đến các nữ tu của mẹ.

Để biết đúng giá trị của ánh sáng, người ta phải nhận ra được bóng tối nơi mình, và mong muốn thoát ra khỏi đó. Để được biến đổi, người ta phải nhận thức được tình trạng của mình là cần biến đổi và muốn biến đổi. Để được giải thoát, người ta cần nhận ra rằng mình đang bị nô lệ và muốn được thoát khỏi cảnh nô lệ ấy. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng với sứ điệp: "Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến". Hối cải là nhận biết bóng tối nơi mình và mở lòng ra với ánh sáng. Để được cứu độ, chúng ta phải ra khỏi bóng tối mà đi vào ánh sáng.

Có thể mỗi người chúng ta nhiều khi bước đi trong tối tăm trên hành trình của cuộc đời này:
+ Tối tăm về sự thật: khi chúng ta sống trong sự giả dối, thiếu trung thực, bóp méo sự thật trong cuộc sống.
+ Tối tăm về tương quan: khi chúng ta không muốn thấu hiểu, chưa biết lắng nghe những người chúng ta gặp gỡ.
+ Tối tăm về tình yêu: khi chúng ta không biết đón nhận, trao ban và chia sẻ tình yêu của mình với tha nhân.

Vì thế chúng ta cần có ánh sáng của Chúa Giêsu là thứ ánh sáng không phải để thiêu rụi, để xét xử, nhưng để cứu độ, để nâng dậy, để sưởi ấm, để chỉ cho chúng ta cách sống, để soi lối cho chúng ta trên con đường tiến về Nước Trời.

Rồi đến lượt mình, mỗi người chúng ta có thể là những ngọn đèn sáng trong một thế giới còn nhiều tăm tối về sự thật, tăm tối về tương quan và tăm tối về tình yêu.

Sống trong ánh sáng đã là một niềm vui lớn, và trở nên ngọn đèn sáng soi cho người khác lại là một niềm vui lớn hơn. Xin cầu chúc và cầu nguyện cho mỗi người trong chúng ta luôn được ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu soi và bản thân chúng ta cũng trở thành một ngọn nến sáng soi tỏ cuộc đời hôm nay. Amen.

8.1.11

CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN - A

CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN - A
Kính thưa quý ÔBACE.

Sông Giođan, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan dài 220km, bắt nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m trên mực nước biển, khi chảy vào hồ Hulê, độ cao chỉ còn 68m trên mực nước biển, đến chảy vào biển hồ Galilê thì độ cao không còn cao hơn hay bằng mà là thấp hơn mực nước biển tới 212m. Cuối cùng, khi sông Giođan đổ vào biển Chết thì độ sâu của nó là 394m dưới mực nước biển - coi như là điểm thấp nhất của trái đất này.

Khi Đức Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa, điều này đồng nghĩa với việc Người đã xuống chỗ thấp nhất không không chỉ là chiều sâu theo nghĩa không gian, mà còn là chiều sâu của tâm hồn, để hoà mình vào dòng người tội lỗi cần sám hối ăn năn. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với chúng ta, liên đới với chúng ta để trở nên anh em của chúng ta.

Khi Đức Giêsu bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa, điều này cũng đồng nghĩa với việc Người đã xoá đi khoảng cách mênh mông, hố sâu ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Cái khoảng cách giữa cõi siêu nhiên của Thiên Chúa với cõi trần tục của con người từ nay không còn là “một vực thẳm vô tận” nữa, mà nó đã được nối lại trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Và khi Đức Giêsu bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa, một kỷ nguyên mới đã được khai mở bằng một cuộc tạo dựng mới nơi Đấng được Thánh Thần xức dầu và được Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu”. Như vậy, sự kiện tại dòng sông Giođan như là lời tiên báo cho hành trình thập giá của Đức Giêsu và việc Người bước xuống dòng sông Giođan là dấu chỉ thật rõ nét của tình yêu cứu độ.

Thưa quý ÔBACE rất thân mến,

Nhiều nhà thơ, nhà văn đã ví von cuộc đời như một dòng sông, nhưng không phải là dòng sông yên ả mà là một dòng sông với lắm thác ghềnh của sự tranh giành quyền lợi phe nhóm, với bao khúc quanh của gian dối lọc lừa… với những con người đang phải ngụp lặn và cố ngoi lên trong dòng chảy của một xã hội còn quá nhiều bất công, bạo hành, tham nhũng, hưởng thụ nhưng lại thiếu vắng tình yêu thương và sự liên đới.
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác với Người để thực hiện chương trình tình yêu cứu độ của Người trong dòng sông cuộc đời này. Ước chi mỗi người chúng ta biết “bước vào” dòng đời hôm nay, để chung tay góp sức xây đắp công lý và hoà bình, tình yêu và liên đới… bằng thái độ khiêm tốn, bằng con tim chân thành, bằng đôi tay chia sẻ, bằng những lời ủi an và bằng cả những hy sinh âm thầm cho nhau và vì nhau. Và khi đó, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy trời mở ra và sẽ nghe được tiếng của Chúa Cha nói với chúng ta như nói với Đức Giêsu: “Này là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con”. Amen.