7.2.12

Chúa Nhật V TN NĂM B

Đau Khổ


Trong cuộc sống, từ lúc sinh ra, rồi trưởng thành cho đến ngày nhắm mắt, không ai là chưa từng nếm mùi vị khổ đau. Khổ đau là một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống, không thể nào phủ nhận được. Sự thật này đã được đức Phật giảng như sau: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, mong cầu không được là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, ghét nhau mà gặp nhau cũng khổ… Nói chung, đời là bể khổ!
Trước khổ đau của kiếp người, nhiều người chỉ biết than vãn, chán chường và thất vọng, không tìm được lối thoát cho mình. Có người lại quay sang than trời trách đất, nổi loạn chống lại Thiên Chúa nữa.
Vậy thì đâu là sứ điệp của Kitô giáo về vấn đề đau khổ của con người? Chúng ta có thể nhận ra được sứ điệp ấy trong Lời Chúa của Chúa Nhật thứ V Thường niên hôm nay.
Ở trong bài đọc I, ông Gióp là một điển hình cho sự đau khổ tràn trề khi bi kịch liên tục ập đến: ông mất con cái, mất gia sản, mất tất cả, thậm chí ngay chính bản thân cũng phải nếm mùi khốn khó khi bị ghẻ chốc đầy đau đớn! Câu chuyện của ông Gióp nhằm trả lời cho câu hỏi luôn làm khắc khoải tâm trí con người, đó là “đau khổ có phải đến từ Thiên Chúa?”. Và nếu câu trả lời là “phải”, thì con người có quyền trách cứ hoặc chống lại Thiên Chúa, vì Thiên Chúa bỏ rơi, Thiên Chúa trừng phạt, Thiên Chúa quá nhẫn tâm. Thế nhưng, trước thái độ của ông Gióp là nhất quyết không rời xa Thiên Chúa, dù là ông thấy phiền não trước khổ đau của kiếp sống con người. Chính thái độ này là lời đáp rằng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của đau khổ, nhưng câu trả lời mới chỉ dừng lại ở đó thôi, chứ chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn nạn đau khổ của con người.
Trong bài Tin Mừng, con người tìm được câu trả lời trọn vẹn cho vấn đề đau khổ của mình nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô đến để cứu con người khỏi mọi đau khổ bằng chính tình yêu cứu độ của Người. Trước nỗi đau khổ của con người, Chúa Giêsu đã cảm thông, nhẹ nhàng đến bên cạnh, nâng lên và giải thoát con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người như một vị lương y đại tài, chữa tận căn nỗi niềm thống khổ của nhân loại bằng cách loại trừ tội lỗi là căn nguyên gây nên đau khổ của kiếp sống con người… bằng tình yêu tuyệt đối đến độ chết vì yêu thương và thứ tha.
Về phần mình, khi đứng trước tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu dành cho mọi người và dành cho mỗi người, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thốt lên lời ngợi ca: “Hân hoan lời tụng ca đoàn con dâng Chúa ban đêm ngày, hát cho muôn thế hệ, hãy ngợi ca tình yêu Thiên Chúa muôn đời Chúa thương con người ôi tình Chúa chẳng nhạt phai. Trái tim thơ trả lại tình ca mến yêu muôn đời”.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta nối dài tình yêu cứu độ của Người trong cuộc sống hằng ngày bằng trong từng ngày sống, chúng ta cố gắng dẹp bớt nạn vô cảm và gia tăng sự rung cảm của Chúa Giêsu trong trái tim của mình khi đứng trước những khổ đau của con người hôm nay.
Kính thưa quý ÔBACE,
“Vô cảm” là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, khi người ta chỉ biết đến mình, cái gì có lợi cho mình, còn những chuyện không phải của mình, không thuộc về mình thì không cần quan tâm. “Vô cảm” có nghĩa là thờ ơ với nỗi đau của người khác, không có sự động lòng, không rung cảm khi người khác gặp phải bất hạnh; quay lưng với đồng loại khi họ gặp cảnh khốn cùng. “Vô cảm” đồng nghĩa với lối sống ích kỷ, thiếu công bình và cũng chẳng có bác ái.
Đối lập với vô cảm là “rung cảm”. Làm sao để có được một tấm lòng biết “rung cảm” trước nỗi thống khổ, bất hạnh của tha nhân. “Rung cảm” chính là khoảnh khắc mà tình yêu lên ngôi, khoảnh khắc của sự cảm thông chia sẻ, của sự đồng điệu từ trái tim đến trái tim. Mà tình yêu là điều cốt yếu và căn bản của Kitô giáo, là diễn tả rõ nét nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới đầy dẫy hận thù và ghen ghét này.
Xin Chúa là tình yêu cứu độ, cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ và biến chúng ta nên khí cụ loan báo tình yêu của Người đến muôn đời. Amen.