10.3.12

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY - B


Thanh Tẩy Đền Thờ

Ngày nay ở tại Giêrusalem không còn Đền Thờ của người Do Thái nữa, vì người Hồi Giáo đã xây một đền thờ Hồi Giáo ngay trên nền Đền Thờ Giêrusalem cũ, và người Do Thái chỉ còn sở hữu một bức tường cổ, gọi là Bức Tường than khóc… với một sân rộng để đến cầu nguyện. Nhưng Đền thờ Giêrusalem thời Chúa Giêsu thì rất nguy nga vĩ đại, chia ra từng khu vực cho từng loại người: ngoài cùng là khu vực dành cho người ngoại giáo đến tham quan đền thờ, rồi đến khu vực dành cho phụ nữ, rồi đến khu vực dành cho nam giới, kê tiếp là khu vực thiêu sinh các của lễ, rồi đến khu vực dành cho tư tế, rồi mới đến bàn thờ dâng hương, và cuối cùng mới là nơi cực thánh, đặt hòm bia 10 giao ước - tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.
Một dữ kiện lịch sử khác là khi lên đền thờ Giêrusalem, người Do Thái từ khắp nơi đều đem theo lễ vật để dâng cho Thiên Chúa, là bò, chiên cừu, bồ câu… nhưng mà nhiều người ở xa mà dắt theo bò lừa thì cực khổ quá… có lẽ vì thế mà nảy sinh có dịch vụ bán những con vật để sử dụng vào việc hiến tế. Rồi có một điểm rất đặc biệt nữa là vì người Do Thái thời đó đang bị đế quốc La Mã đô hộ, nên trong xã hội dân sự thì xài tiền của đế quốc, nhưng trong đền thờ thì tuyệt đối không sử dụng đồng tiền của đế quốc, vì đó là đồng tiền ngoại giáo… vì vậy mới có chuyện đổi tiền.
Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe thuật lại việc Chúa Giêsu dùng roi để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò, Người còn lật nhào bàn ghế của những người đổi tiền, dù rằng những chuyện buôn bán này chỉ diễn ra khu vực dành cho dân ngoại, nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của những người đi hành hương vào dịp lễ Vượt qua. Câu chuyện này được gọi là Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, lý do là vì đền thờ Giêrusalem đã bị ô nhiễm.
Nhưng vấn đề ở chỗ không phải là Chúa Giêsu thấy đền thờ bị ô nhiễm do rác thải hay do ồn ào… mà vấn đề là ở chỗ Chúa Giêsu muốn loại trừ ô nhiễm nơi tâm hồn của con người, thứ ô nhiễm đã làm cho dân Do Thái quên đi Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, hay nói cách khác, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy tâm hồn của những người Do Thái vì họ đã không thực hành Lời Chúa phán: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt” (BĐI).
Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon”. Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của”. Những tư tế và những người lái buôn đưa súc vật vào trong khu vực Đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì lợi nhuận, và như thế họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa, dùng Đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tham vô đáy của họ.
Thật vậy, khi những người Do Thái, nhất là giới lãnh đạo của đền thờ Giêrusalem tổ chức buôn bán, đổi tiền… nghĩa là họ coi tiền bạc của cải vật chất là chủ của đời mình, và mượn danh Thiên Chúa để trục lợi. Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Đền thờ để phục vụ tư lợi.
Trong Mùa Chay, giáo hội mời gọi chúng ta trở về với lòng mình, để nhìn nhận sự thật về bản thân mình: điều gì đang khống chế ta, điều gì đang đè nặng trên cuộc đời ta, điều gì đang làm ô nhiễm tâm hồn ta… hay nói cách khác… ta đang tôn thờ thứ ngẫu tượng nào: tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực hay khoái lạc?
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”. Chúa Giêsu hôm nay cũng giận dữ như thế khi thấy tâm hồn chúng ta là đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi bị ô nhiễm, bị xuống cấp, bị xiêu vẹo… Mùa Chay là mùa tu sửa đền thờ là chính tâm hồn mình… để thực sự xứng đáng là nhà cầu nguyện và là nơi Thiên Chúa ở giữa con người. Amen.